Cách nhận biết và xử lý lừa đảo giả danh Công an
Lừa đảo giả danh công an là chiêu trò lừa đảo qua điện thoại phổ biến hiện nay, mặc dù đã được cơ quan Công an cảnh báo nhiều lần thế nhưng vẫn không ít người bị sập bẫy.
- 21-04-2022Một chỉ số mà Việt Nam đứng top đầu thế giới, cao gấp 5 lần so với Hoa Kỳ
- 21-04-2022Hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử
Các chiêu trò giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tiền
Giả danh Công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không còn là một chiêu trò mới trong những năm gần đây. Nhưng các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ tin học để thực hiện hành vi một cách tinh vi hơn.
Các đối tượng lừa đảo đều sử dụng thủ đoạn chung là thông qua mạng viễn thông (gọi điện, nhắn tin) và mạng xã hội như Facebook, Zalo… để liên lạc với người bị hại.
Chúng thường giả danh là các cán bộ thuộc Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân đang tiến hành thực hiện điều tra các vụ án hình sự, đồng thời làm giả các Lệnh bắt tạm giam và Quyết định tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự rồi gửi cho người bị hại.
Tiếp đó, chúng sẽ yêu cầu những người này phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng thông báo hoặc cung cấp thông tin về số tiền tiết kiệm, sổ tiết kiệm, các thông tin về tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền… để phục vụ điều tra và hứa hẹn sẽ trả lại sau khi chứng minh họ vô tội.
Do tâm lý hoang mang và lo sợ về việc bị bắt giữ, những người bị hại đã làm theo yêu cầu. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng lập tức chiếm đoạt và xóa thông tin liên hệ.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo cũng có thể giả danh làm Cảnh sát giao thông để yêu cầu nộp phạt vi phạm.
Những lưu ý để tránh bị sập bẫy lừa đảo
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi kết hợp với việc sử dụng công nghệ cao gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan Công an. Vì vậy, người dân cần tự cảnh giác để không bị sập bẫy lừa đảo, trong đó lưu ý:
- Cần bình tĩnh để xem xét việc đe dọa này có căn cứ hay không. Ngay khi có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an.
- Theo quy định, việc triệu tập người có liên quan lên cơ quan Công an làm việc phải được thực hiện qua Giấy triệu tập có đóng dấu, xác nhận của Công an.
Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11) nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Do vậy, việc Công an triệu tập qua tin nhắn, qua việc gọi điện thoại hoặc thông qua người khác đều là trái với quy định của pháp luật.
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định
Làm thế nào để đòi lại tiền nếu không may trở thành nạn nhân?
Sau khi bị lừa đảo chiếm đoạt tiền, nếu không thể tự liên hệ lấy lại tài sản, người bị hại có thể nhờ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch số 01/2017, người bị hại có thể tố giác tội phạm tại Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an nơi cư trú.
Người bị hại đến tiếp cơ quan Công an để tố giác, trình báo vụ việc cần mang theo đơn trình báo vụ việc, Chứng minh thư hoặc Căn cước công dân của người bị hại và các tài liệu, chứng cứ kèm theo có liên quan đến hành vi lừa đảo.
Cơ quan tiếp nhận sẽ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm. Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều thời điểm, thời gian giải quyết có thể kéo dài không quá 2 tháng kể từ ngày tiếp nhận tin tố giác.