MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm cửa TikTok và 58 ứng dụng Made in China, Ấn Độ đe dọa vị thế siêu cường công nghệ đang lên của Trung Quốc

01-07-2020 - 10:48 AM | Tài chính quốc tế

Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh nỗ lực phát triển lĩnh vực online trong bối cảnh Google và Facebook bị cấm cửa ở đất nước hơn 1 tỷ dân này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đang trải nghiệm điều tương tự.

Ấn Độ vừa ra quyết định chưa từng có trong lịch sử, cấm cửa 59 ứng dụng lớn nhất Trung Quốc vì lý do an ninh. Không chỉ là sự leo thang căng thẳng giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, động thái của Ấn Độ là đòn đau vào Trung Quốc, quốc gia ngày một nỗ lực củng cố vị thế siêu cường công nghệ.

Thành tích nổi bật của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tới từ nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là sự bảo hộ của nhà nước. Việc cấm cửa các ứng dụng hàng đầu thế giới như Google, Facebook, các doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng vượt qua những đối thủ sừng sỏ ở nền kinh tế hơn 1 tỷ dân này.

Tuy nhiên, Ấn Độ vừa có bước đi tương tự như Trung Quốc. Căng thẳng ở biên giới sau vụ đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã khiến New Delhi quyết định mạnh tay với Trung Quốc. Lý do mà người Ấn đưa ra là về vấn đề an ninh. Nếu Ấn Độ có thể thực hiện thành công việc chặn các ứng dụng Trung Quốc, nhiều quốc gia khác từ châu Âu tới Đông Nam Á cũng có thể thực hiện những bước đi tương tự.

Ngôi sao lớn nhất trong bầu trời công nghệ Trung Quốc hiện nay là ByteDance Ltd. với ứng dụng TikTok. Trái với các ứng dụng khác, TikTok đang khá phổ biến trên toàn thế giới và Ấn Độ là thị trường nước ngoài lớn nhất. Chính bởi thế, những mối lo ngại về dữ liệu trên nền tảng này cũng được nhiều người đặt ra.

Trên thực tế, động thái bất ngờ của Ấn Độ đã giáng một đòn mạnh vào các công ty Internet Trung Quốc trong bối cảnh họ bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ở thị trường di động phát triển nhanh nhất thế giới. TikTok có 200 triệu người dùng ở Ấn Độ trong khi Xiaomi là thương hiệu điện thoại số 1 ở quốc gia này. Alibaba và Tencent cũng đang đẩy mạnh hoạt động của mình ở Ấn Độ trước khi có lệnh cấm.

Tuy nhiên, quyết định cấm cửa của Ấn Độ có thể khiến mọi thành tích của các công ty Trung Quốc đổ xuống sông xuống biển. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung liên tiếp gia tăng và Washington liên tục tìm kiếm ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực châu Á, việc làm của Ấn Độ chắc chắn sẽ được Mỹ hoan nghênh và doanh nghiệp Mỹ tận dụng cơ hội lấp đầy khoảng trống của thị trường.

Mỹ và nhiều nước khác đã cấm cửa Huawei khỏi tiến trình phát triển 5G của họ. Hành động của Ấn Độ có thể thúc đẩy các nước trên thế giới cân nhắc về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Trung Quốc để hạn chế bị thu thập dữ liệu người dùng, vốn có khả năng được dùng làm các đòn bẩy kinh tế trong các tranh chấp tương lai. Nó cũng là đòn chí mạng nhằm vào ngành công nghiệp mới nổi, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, của Trung Quốc.

"Chủ nghĩa dân tộc công nghệ sẽ ngày càng thể hiện trên tất cả các khía cạnh địa chính trị, từ an ninh quốc gia, cạnh tranh kinh tế thậm chí là các giá trị xã hội. Điều này có nghĩa là các công ty công nghệ Trung Quốc càng ngày sẽ càng gặp khó trong việc hoạt động tách rời với sự kiểm soát của nhà nước. Điều này khiến chúng bị cô lập", Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, nhận định.

Sau nhiều năm bùng nổ ở Trung Quốc, các công internet Trung Quốc đang nỗ lực để mở rộng hoạt động ra các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, Washington tỏ ra nghi ngờ các doanh nghiệp Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng. Điều này vừa được Ấn Độ khuếch đại thông qua cáo buộc TikTok, WeChat của Tencent, UC Web của Alibaba và nền tảng dịch thuật và bản đồ của Baidu, đe dọa chủ quyền cũng như bảo mật của quốc gia này.

Lệnh cấm của Ấn Độ cũng là bằng chứng cho thấy các quốc gia đang sử dụng công nghệ để khẳng định bản thân mình về mặt địa chính trị. Dấu mốc của các hoạt động này được đánh dấu bằng việc Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm mục tiêu vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Việc làm của Ấn Độ diễn ra sau cuộc đụng độ chết chóc nhất nhiều thập kỷ ở vùng biên giới với Trung Quốc, làm 20 binh sĩ nước này thiệt mạng.

"Bắc Kinh nên lo lắng rằng cuộc đụng độ đẫm máu sẽ đẩy Ấn Độ về phía Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế của New Delhi không làm Bắc Kinh lo lắng. Trước làn sóng giận dữ của người dân Ấn Độ, Chính quyền Thủ tướng Modi sẽ buộc phải làm gì đó để đáp trả cái chết của 20 binh sĩ nước này", Zhang Baohui, chuyên gia về châu Á – Thái Bình Dương của Đại học Lĩnh Nam, Trung Quốc, cho biết.

Hiện nay, chưa rõ Ấn Độ sẽ thi hành lệnh cấm ra sao. Tuy nhiên, với những gì New Delhi đang thể hiện, quyết tâm ngăn chặn là có thật. Hàng hóa Trung Quốc đã bị nhà chức trách yêu cầu rút khỏi các công ty thương mại điện tử, bao gồm cả Amazon và Walmart. Ấn Độ cũng đã ngừng thông quan hàng hóa Trung Quốc ở các cảng của nước này.

Xét về ảnh hưởng với kết quả kinh doanh, ByteDance có thể là nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong tuyên bố trên Twitter, người đứng đầu TikTok ở Ấn Độ nói rằng họ tuân thủ các quy định về quyền riêng tư và bảo mật theo luật Ấn Độ và không chia sẻ thông tin với bất cứ chính phủ nào, kể cả Bắc Kinh. TikTok cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với nhà chức trách Ấn Độ để giải quyết những quan ngại.

Trong khi đó, những cái tên được hưởng lợi từ lệnh cấm của Ấn Độ là Whatsapp của Facebook, YouTube của Alphabet và các công ty công nghệ ngoài Trung Quốc khác, chủ yếu tới từ Mỹ.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên