MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm vận của Mỹ làm lung lay vị thế bất khả xâm phạm của đồng USD: Kẻ thách thức là cái tên quen thuộc

29-08-2023 - 14:50 PM | Tài chính quốc tế

Theo tờ Financial Times, Bắc Kinh tận dụng sự bất mãn của các nước đang phát triển về việc Washington vũ khí hóa đồng bạc xanh (USD) để thúc đẩy lưu thông đồng nhân dân tệ (CNY) trên toàn cầu.

Cấm vận của Mỹ làm lung lay vị thế bất khả xâm phạm của đồng USD: Kẻ thách thức là cái tên quen thuộc - Ảnh 1.

Argentina gặp phải vấn đề quen thuộc hồi cuối tháng trước. Quốc gia Nam Mỹ này đang phải vật lộn để hoàn trả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 2,7 tỷ USD từ gói cứu trợ 44 tỷ USD mới nhất.

Tuy nhiên, giải pháp thật độc đáo. Với dự trữ USD ròng chìm trong sắc đỏ, Buenos Aires đã trả một phần khoản vay bằng đồng CNY. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa tuyên bố: “Argentina sẽ không sử dụng một USD nào từ nguồn dự trữ của mình để thanh toán.”

Một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế Argentina cũng cho biết: “Đây là những dấu hiệu cho thấy những thay đổi lớn hơn đang diễn ra trong hệ thống tài chính quốc tế và sẽ trở nên lâu dài. Những thay đổi này sẽ mất thời gian, nhưng chúng sẽ không thể đảo ngược được.”

Ở bên kia địa cầu, Bangladesh cũng coi đồng CNY là câu trả lời cho vấn đề mà họ gặp phải vào tháng 4: làm thế nào để thực hiện các khoản thanh toán bị đình trệ cho Nga về một dự án nhà máy điện hạt nhân. USD không phải là một lựa chọn vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và việc thanh toán bằng đồng rúp không khả thi đối với Dhaka, vì vậy hai quốc gia đã chọn đồng CNY thay thế.

Vị thế bất khả xâm phạm của đồng USD bắt đầu lung lay

Theo Financial Times, các nền kinh tế đang phát triển từ lâu đã bất mãn trước sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế, đặc biệt khi tỷ trọng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ Thế chiến II và các cường quốc mới như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil nổi lên.

Các nhà kinh tế cho biết, “phi USD hóa” đã nằm trong tiềm thức của rất nhiều người trong hàng thập kỷ, nhưng sức mạnh áp đảo của đồng bạc xanh khiến nó chỉ là một khẩu hiệu cho đến gần đây.

Cấm vận của Mỹ làm lung lay vị thế bất khả xâm phạm của đồng USD: Kẻ thách thức là cái tên quen thuộc - Ảnh 2.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa cho biết, đất nước của ông sẽ “không sử dụng một USD nào” để trả khoản vay từ IMF. Ảnh: Bloomberg

Theo Financial Times, với việc mở rộng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và sự bùng nổ của các công nghệ mới trong thanh toán quốc tế, vị thế bất khả xâm phạm của đồng USD bắt đầu lung lay. Và Trung Quốc, với việc sử dụng đồng CNY kỹ thuật số, và nỗ lực phát triển một hệ thống thanh toán toàn cầu thay thế, đang hy vọng tận dụng được lợi thế.

Nhưng mục đích không phải là hạ bệ đồng USD, mà là quan trọng là tạo đủ không gian cho sự tồn tại của nền kinh tế Trung Quốc nếu một ngày nào đó Mỹ nhắm vào nền kinh tế này bằng các hình thức trừng phạt giống như Mỹ đã áp đặt lên Nga.

Một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết: “Mỹ sử dụng sức mạnh tài chính của mình như một vũ khí địa chính trị và quyền bá chủ của đồng USD là một phần quan trọng trong việc này. Nếu Mỹ nhắm vào bất kỳ quốc gia đang phát triển nào bằng các biện pháp trừng phạt thông qua hệ thống thanh toán, chúng tôi sẽ phải chịu thiệt hại.”

Theo Financial Times, danh sách các cá nhân và tổ chức bị Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ xử phạt hiện dài tới 2.206 trang và liệt kê hơn 12.000 cái tên. Việc sử dụng chúng đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua khi các đời tổng thống Mỹ lựa chọn một giải pháp có vẻ ít tốn kém và không đổ máu cho các vấn đề đối ngoại.

Christopher Sabatin - chuyên gia về Châu Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House - cho biết: “Tính chất ngoài lãnh thổ đang khiến các chính phủ khác lo sợ. Khi bạn có một phần tư nền kinh tế thế giới phải chịu một số hình thức trừng phạt và mối đe dọa rằng chúng có thể được sử dụng để chống lại bất kỳ quốc gia nào vào bất kỳ lúc nào, điều đó sẽ thay đổi trò chơi.”

Các biện pháp trừng phạt mở rộng của phương cũng khiến một cường quốc mới nổi là Brazil bất mãn vì họ tin rằng hệ thống tài chính quốc tế không nên bị vũ khí hóa.

Celso Amorim - trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nói với Financial Times rằng: “Ngày nay có rất nhiều điều khó chịu với hệ thống tài chính quốc tế dựa trên đồng USD. Yếu tố chính đằng sau đó là các biện pháp trừng phạt.”

Eswar Prasad - giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ) - đồng ý rằng “thực tế mọi quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các đối thủ cũng như các đồng minh truyền thống của Mỹ, đều rất muốn từ bỏ hệ thống tài chính bằng đồng USD”, mặc dù ông chỉ ra rằng việc này không dễ như vậy.

Hệ thống tài chính quốc tế ngày càng phân mảnh

Theo Financial Times, khó khăn đối với các cường quốc mới nổi đang tìm kiếm một giải pháp thay thế là đồng USD đã gắn quá sâu vào hệ thống tài chính quốc tế. Các nhà kinh tế từ lâu đã cho rằng, “hiệu ứng mạng lưới” của sự thống trị sâu rộng như vậy sẽ triệt tiêu mọi nỗ lực thay thế đồng USD.

Nhưng trên toàn hệ thống tài chính, Trung Quốc đang tìm cách làm giảm vai trò của đồng bạc xanh và đưa ra các lựa chọn thay thế của riêng mình. Trọng tâm của Bắc Kinh là dần dần làm suy yếu sức mạnh hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT - nền tảng toàn cầu mà qua đó khoảng 90% tiền giao dịch xuyên biên giới.

Các nhà phân tích cho biết, chiến lược của Trung Quốc để đạt được điều này là đa hướng, bền bỉ và bắt đầu cho thấy những kết quả quan trọng.

Cấm vận của Mỹ làm lung lay vị thế bất khả xâm phạm của đồng USD: Kẻ thách thức là cái tên quen thuộc - Ảnh 3.

Một khách hàng sử dụng đồng CNY kỹ thuật số để mua hàng tại một quán cà phê ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Một phần là tạo ra nguồn thanh khoản CNY lớn hơn trên thị trường vốn nước ngoài, nhằm tăng nguồn cung tiền Trung Quốc cho các thương nhân và nhà đầu tư.

Một vấn đề khác là việc thành lập Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS), đối thủ đến từ Trung Quốc của CHIPS - hệ thống thanh toán bằng USD khu vực tư nhân lớn nhất thế giới, cũng như SWIFT. Tổng số tiền thanh toán trên CIPS đã tăng hơn 20%, lên 97 nghìn tỷ CNY (13,3 nghìn tỷ USD), vào năm 2022.

Các hoạt động khác là sự ra mắt quốc tế của đồng CNY kỹ thuật số, cho phép các giao dịch diễn ra mà không cần thông qua CHIPS hoặc SWIFT.

“Việc đó sẽ tạo thành một hệ thống hoàn toàn khác... hoàn toàn cắt đứt khỏi các cơ quan quản lý tài chính phương Tây”, Zongyuan Zoe Liu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York cho biết.

“Đồng CNY kỹ thuật số kết hợp với CIPS sẽ là một lực lượng khá mạnh cho các biện pháp chống phương Tây vì để kích hoạt lệnh trừng phạt, [chính quyền Mỹ] phải biết thông tin về giao dịch”, Zongyuan nói.

Theo Financial Times, các cường quốc mới nổi đang nhanh chóng tạo được dấu ấn với các hệ thống thanh toán kỹ thuật số, chẳng hạn như WeChat Pay ở Trung Quốc, Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) của Ấn Độ, PIX ở Brazil hay dịch vụ tiền di động M-Pesa của Kenya.

Còn phương Tây đang tụt lại phía sau, khi Mỹ và châu Âu vẫn đang xem xét khả năng của các loại tiền kỹ thuật số và hệ thống thanh toán vẫn do Visa và Mastercard thống trị.

Tuy vậy, rất ít người tin rằng đồng USD sẽ sớm bị lật đổ, mà họ nhận thấy một hệ thống tài chính quốc tế ngày càng bị phân mảnh, trong đó đồng CNY đóng vai trò lớn hơn. Tất cả điều này sẽ thỏa mãn mong muốn đa dạng hóa của các cường quốc mới nổi.

Daniel McDowell - giáo sư tại Đại học Syracuse (Mỹ) - cho biết: “Điều này không có nghĩa là đồng USD mất vị thế là đồng tiền hàng đầu thế giới. Nhưng tôi thực sự tin rằng ở đây có những rủi ro đối với sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là khả năng sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc.”

Theo Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên