MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu "giết" đến 1,7 triệu người năm 2018

10-01-2019 - 09:49 AM | Sống

Ung thư phổi thuộc trong top các bệnh ung thư có tỷ lệ mắc mới và tử vong hàng đầu thế giới, năm 2018 có tới hơn 1,7 triệu người tử vong vì bệnh này.

Bức tranh về ung thư phổi

Theo ước tính của Tổ chức Ung thư thế giới, GLOBOCAN 2018 về tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đối với 36 loại ung thư trên 185 quốc gia trên thế giới cho thấy năm 2018 có 18,1 triệu ca ung thư mới và 9,6 triệu ca tử vong do ung thư.

Một trong 5 nam và một trong 6 nữ trên toàn thế giới có thể bị ung thư trong suốt cuộc đời của họ, và một trong 8 nam và một trong 11 phụ nữ sẽ chết vì căn bệnh này; tổng số người còn sống trong vòng 5 năm được chẩn đoán ung thư, ước tính là 43,8 triệu người

Trong đó ung thư phổi vẫn là căn bệnh ung thư ám ảnh nhất vì bệnh nhân phát hiện và tử vong chỉ trong thời gian rất ngắn, số ít mới có trường hợp kéo dài quá 5 năm.

Riêng năm 2018 có hơn 2 triệu người mắc bệnh ung thư này trên toàn thế giới chiếm 11,6 % trong số các bệnh ung thư nhưng tỷ lệ tử vong của ung thư phổi là 18,4 % với hơn 1,75 triệu người.

 Căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu giết đến 1,7 triệu người năm 2018 - Ảnh 1.

Ung thư phổi vẫn đứng đầu trong các bệnh ung thư.

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ ở 28 quốc gia.

Tỷ lệ mắc ung thư phổi cao nhất ở phụ nữ được thấy ở Bắc Mỹ, Bắc và Tây Âu (Đan Mạch và Hà Lan), Trung Quốc, Úc và New Zealand, trong số đó Hungary đứng đầu danh sách (Alonso R, 2018. Hiện đang có sự gia tăng ung thư phổi ở phụ nữ (Thun MJ, 2018).

Tại Việt Nam, ung thư phổi vẫn là TOP 3 bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao và tử vong cũng cao. Trong năm 2018 ghi nhận có tới 23,6 nghìn người mắc chiếm 14,4 % trong số các bệnh ung thư riêng nam giới là 16,722 ca mắc ung thư phổi chỉ đứng sau ung thư gan.

Nguyên nhân và dấu hiệu

Bác sĩ Thi Thị Duyên – Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết ung thư phổi được chia thành ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 80 – 85% và ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 15 – 20%.

Điều đáng nói các bệnh nhân ung thư phổi vẫn phát hiện ra bệnh quá muộn, số ít ỏi có thể phát hiện qua khám sức khoẻ định kỳ.

 Căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu giết đến 1,7 triệu người năm 2018 - Ảnh 2.

Ho lâu ngày không khỏi dấu hiệu cảu ung thư phổi.

Bác sĩ Duyên cho biết các triệu chứng thường gặp là ho, chiếm khoảng 70% các trường hợp, khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực. Một số bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, sụt cân hoặc sờ thấy có hạch ở bộ phận khác, sưng đau.

Nguyên nhân của ung thư phổi đã được chỉ ra đó là hút thuốc lá, hơn 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến tình trạng hút thuốc, những bệnh nhân không hút thuốc cũng có thể liên quan do hút thuốc thụ động.

Ngoài ra, những trường hợp dễ mắc ung thư phổi nữa đó là những người công nhân làm việc trong môi trường bụi silic, ô nhiễm môi trường không khí hoặc đột biến gen.

Điều trị ung thư phổi dựa trên nhiều phương pháp và tuỳ từng giai đoạn bệnh bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Phẫu thuật: Đây biện pháp điều trị triệt căn nhất, đặc biệt là những trường hợp được chẩn đoán giai đoạn sớm. Phẫu thuật thường được tiến hành để cắt bỏ toàn bộ thùy phổi chưa khối u và bóc hạch. Những bệnh nhân này tiên lượng tốt hơn.

Điều trị hóa chất: Phương pháp này phù hợp cho những bệnh nhân giai đoạn muộn, giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn sự di căn. Biện pháp này đòi hỏi thể trạng bệnh nhân phải tốt.

Điều trị hóa chất có nhiều tác dụng phụ, tuy các thế hệ hóa chất mới ít tác dụng phụ hơn nhưng nhìn chung thời gian sống thêm bệnh không tiến triển và thời gian sống thêm toàn bộ thường ngắn.

Xạ trị: Xạ trị giúp phá hủy khối u và làm sự phát triển khối u chậm hơn. Cùng với sự phát triển và ra đời của các thế hệ máy xạ trị mới, khối u được tiêu diệt tốt hơn và tổ chức lành được bảo vệ tốt hơn.

Điều trị đích: Ung thư phổi không tế bào nhỏ liên quan đến các đột biến gen, được xác định thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử.

Từ đó sẽ có các thuốc điều trị nhắm trúng đích là tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng ít ảnh hưởng đến các tế bào lành, do đó rất ít tác dụng phụ. Phương pháp điều trị này giúp cải thiện rất tốt thời gian sống thêm toàn bộ và thời gian sống thêm bệnh không tiến triển và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Điều trị miễn dịch: Các phương pháp này giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư nhờ việc phát hiện ra các điểm kiểm soát tế bào ung thư hạn chế của điều trị miễn dịch là giá thành của các thuốc này thường rất cao.

Theo Tiểu Nhã

Trí thức trẻ

Trở lên trên