Cán bộ sẽ không tham nhũng khi doanh nghiệp liêm chính
Doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những tác động tích cực hơn nếu doanh nghiệp kinh doanh với tinh thần liêm chính
Thà bỏ ra 500.000 đồng còn hơn làm đúng luật
Ông Nguyễn Hồng Khoái là Phó Tổng Giám đốc Công ty tư vấn KN Hà Nội. Với trên 20 năm trực tiếp tư vấn, ông Khoái cho biết nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền còn hơn làm đúng pháp luật.
“Các doanh nghiệp hoạt động trên đất Việt Nam đang chịu một rừng luật mà không biết làm thế nào. Năm 2015, riêng Tổng cục thuế ban hành 5.800 công văn. Năm 2016 tiến bộ hơn, ra được 6.400 văn bản. Doanh nghiệp sẽ xoay sở ra sao khi 3 năm có tới 18.000 văn bản? Thà đưa cho cán bộ 500.000 đồng còn hơn là làm việc với văn bản” – ông Nguyễn Hồng Khoái nói.
Ông Nguyễn Hồng Khoái: "Thà đưa cho cán bộ 500.000 đồng còn hơn là làm việc với văn bản”
Thực tế, đây chỉ là “chuyện nhỏ” trong kinh doanh. Ông Nguyễn Hồng Khoái cho biết còn nhiều câu chuyện lớn hơn nhưng chưa thấy ai nói đến. Theo ông Khoái, nếu doanh nghiệp không quan hệ tốt bằng việc bỏ ra 200 triệu đồng thì hàng hóa sẽ bị xếp vào luồng đỏ của hải quan. Khi đó, chi phí vận chuyển lên kho, kiểm hóa... có thể còn lớn hơn số tiền bỏ ra.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Khoái đánh giá công chức thuế và hải quan là đối tượng cần tác động nếu muốn phòng, ngừa tham nhũng.
Khi doanh nghiệp liêm chính, cán bộ sẽ không tham nhũng
Không có kinh nghiệm thực tiến như ông Nguyễn Hồng Khoái, song ý kiến của bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao Tp.HCM cũng rất đáng suy ngẫm. Bà Loan cho biết các doanh nghiệp nước ngoài kiên quyết không “đưa” dù cán bộ Việt Nam gợi ý. Họ tuân thủ luật pháp và không đầu tư vào Việt Nam bằng mọi giá.
“Cán bộ Việt Nam hay gợi ý. Nhưng ông chủ nước ngoài kiên quyết không đầu tư bằng mọi giá. Cán bộ không cho phép thì không vào”- bà Lê Bích Loan cho biết.
Vì lẽ đó, ban Quản lý khu công nghệ cao Tp.HCM đã cùng ký cam kết với từng doanh nghiệp hướng tới tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch. Không chỉ hai bên phải tuân thủ pháp luật, những đối tác của doanh nghiệp cũng được truyền thông và biết đến những cam kết với ban Quản lý.
Doanh nghiệp đóng vai trò “mắt xích kép”. Họ vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Báo cáo PCI năm 2016 chỉ ra rằng 66% doanh nghiệp đã trả chi phí; 59% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan. Doanh nghiệp cũng làm xấu đi hình ảnh của họ nếu không ký cam kết với ban quản lý. Bởi lẽ, 38% người dân Việt Nam đánh giá các Lãnh đạo doanh nghiệp là một trong 3 nhóm đối tượng tham nhũng nhất (theo GCB, 2016)
Bà Lê Bích Loan: “Cán bộ Việt Nam hay gợi ý. Nhưng ông chủ nước ngoài kiên quyết không đầu tư bằng mọi giá. Cán bộ không cho phép thì không vào”
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định rằng công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những tác động tích cực hơn nếu doanh nghiệp kinh doanh với tinh thần liêm chính. Vì lẽ đó, VCCI đã đưa ra “Chương trình Hành động Thúc đẩy Thực hiện Liêm chính Doanh nghiệp”, gọi tắt là “Đề án 12”.
“Đề án 12” đã được khởi động từ 2014, khi ông Nguyễn Xuân Phúc còn đang giữ chức Phó Thủ tướng. Trong giai đoạn hiện nay, khi Chính phủ do ông Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đề cao tính liêm chính, kiến tạo thì vai trò của “Đề án 12” càng lớn. Đây là chương trình hành động tập thể, hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp cùng hợp tác hành động thực hiện liêm chính.
Bên cạnh việc thiết kế các khóa huấn luyện liêm chính cho doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, VCCI đã xây dựng được bộ quy tắc ứng xử và bộ công cụ phòng chống tham nhũng. Theo Phó Tổng thư ký VCCI, bộ quy tắc ứng xử và công cụ phòng chống tham nhũng của G20 đã được VCCI lấy mẫu và địa phương hóa cho phù hợp với Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Vinh: "Doanh nghiệp liêm chính thì sẽ tác động tích cực đến phòng chống tham nhũng".
VCCI cũng đã có những khuyến nghị với Chính phủ để hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong 4 năm liên tiếp (2014-2017), Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19. Sự khác biệt của Nghị quyết 19/2017 là gắn trách nhiệm của từng bộ ngành vào vấn đề cụ thể. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tái khẳng định mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam đạt chuẩn ASEAN 4.