Cán bộ thú y có tiếp tay vụ hàng ngàn con heo bị chích thuốc an thần?
Trong vụ gần 5.000 con heo bị nghi chích thuốc an thần chờ giết mổ ở cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) đang gây bức xúc dư luận, câu hỏi đặt ra là phải chăng cán bộ thú y tại lò mổ này đã tiếp tay cho thương lái sai phạm?
Heo bị tiêm thuốc an thần vẫn sẽ ra chợ
Tại cuộc họp báo công bố thông tin về vụ hàng ngàn con heo bị chích thuốc an thần ở cơ sở giết mổ Xuyên Á vào chiều 30/9, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá vụ việc này là rất nghiêm trọng, đáng bị lên án và tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng.
Ông Dũng cho biết, theo thống kê đã có 3.750 trong tổng số hơn 5.000 con heo của cơ sở giết mổ Xuyên Á được xác định đã bị tiêm thuốc an thần. Theo quy định số heo có kết quả xét nghiệm dương tính với chất Acepromazine (hoạt chất có trong thuốc an thần) vẫn sẽ được cho nuôi tiếp đến khi nào bài thải hết thuốc trong cơ thể mới cho giết mổ. 13 thương lái có heo trong số này đã bị phạt hành chính từ 30 – 35 triệu đồng.
Hàng ngàn con heo bị chích thuốc an thần vẫn đang nuôi giữ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Theo ông Dũng, thuốc an thần vẫn được phép sử dụng trong thú y nhưng ở đây các thương lái đã sử dụng sai mục đích là tiêm cho heo khi chờ giết mổ. Đây là hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định 90/2017 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.
Trước câu hỏi trong hơn 1 tháng trinh sát tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, đoàn liên ngành có phát hiện thương lái chích thuốc an thần vào heo hằng ngày hay đến hôm kiểm tra đột xuất mới phát hiện? Ông Dũng cho hay, đây là vấn đề nghiệp vụ và không phải lúc nào trinh sát cũng bắt gặp.
Cán bộ thú y có tiếp tay?
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, cán bộ thú y có nhiều hạn chế trong công tác, họ không thể cải trang để phát hiện các đối tượng vi phạm. Tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, chi cục bố trí 17 cán bộ nhưng không phải lúc nào cũng làm việc 24/24.
“Trong giai đoạn nhập heo lâm sàng, chúng tôi bố trí 7 người. Trong khoảng thời gian từ chiều đến 22 giờ đêm cũng chỉ có 7 người kiểm tra, giám sát lâm sàng. Lúc gia súc giết mổ là đúng 24 giờ, chúng tôi huy động tất cả cán bộ tham gia giám sát vào các quy trình giết mổ. Lực lượng hết sức căng kéo. Trong điều kiện làm việc đêm hôm như vậy thì cũng có khó khăn nhất định”, ông Phát chia sẻ.
Ngoài ra, đại diện Chi cục Thú y TP.HCM cho rằng đơn vị có nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật. Đơn cử như việc xác định chất cấm trong gia súc thì đã có phương pháp test nhanh, trong khi việc sử dụng chất an thần thì hiện chi cục mới chỉ xây dựng được phương pháp xét nghiệm tồn dư thuốc này trong nước tiểu.
Theo ông Phát, thời gian qua các thương lái chích thuốc an thần cho heo đã có những hành vi đối phó với lực lượng kiểm tra một cách tinh vi hơn. Như trước đây, họ sử dụng thuốc lậu có thời gian chỉ định từ 5 – 7 ngày, tức sau khoảng thời gian này mới được giết mổ. Gần đây, các đối tượng chuyển sang dùng thuốc ngoại, với thời gian chỉ định sử dụng chỉ 24 giờ, thời gian đào thải ngắn hơn.
Khi tiêm thuốc cho heo tại các ô chuồng lưu khi chờ giết mổ, các thương lái còn cắt cử người cảnh giới, không cho người lạ tiếp cận. Thậm chí họ báo động bằng cách gõ vào thành sắt khi có lực lượng thú y kiểm tra.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, đơn vị được giao triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn thành phố cho biết, thời gian tới sẽ hỗ trợ Chi cục Thú y TP.HCM lắp đặt hệ thống camera tại các cơ sở giết mổ để giám sát heo tại các ô chuồng khi chờ giết mổ.
Về xử lý trách nhiệm của cán bộ thú y tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, ông Phạm Tiến Dũng cho biết đoàn kiểm tra vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Tổng cục Cảnh sát để làm rõ, sai phạm ở khâu nào sẽ xử lý ở đó.
Infonet