Cần chính sách đặc thù để thu hút FDI
Sáu tháng đầu năm 2016, hàng loạt nhà đầu tư từ châu Á đã đổ về ĐBSCL tìm kiếm môi trường đầu tư. Tuy nhiên, ĐBSCL cần cải thiện nhiều vướng mắc mà vùng đang gặp khó khăn như: cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút… Cần Thơ là trung tâm, nhưng lại thu hút vốn đầu tư rất khiêm tốn, so với các tỉnh Long An, Kiên Giang...
- 21-07-2016TS. Phan Hữu Thắng: “Formosa là thất bại lớn nhất trong thu hút và quản lý FDI”
- 15-06-2016Việt Nam thu hút 238 tỷ USD từ nguồn vốn FDI
- 25-05-2016Việt Nam cần làm gì để thu hút FDI từ Hoa Kỳ?
Tăng vốn cao nhất trong 20 năm qua
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, 6 tháng đầu năm ĐBSCL thu hút 79 dự án mới với tổn vốn đăng ký là 987 triệu USD, 51 dự án tăng vốn với tổng vốn 412 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký mới và tăng vốn 1,399 tỷ USD.
“Với số vốn đăng ký mới và tăng vốn, lần đầu tiên trong 20 năm qua, FDI của ĐBSCL thu hút nhiều dự án có quy mô lớn và tăng đáng kể, chiếm 13% về số dự án đăng ký mới và 12% tổng vốn đăng ký. Xu hướng đầu tư FDI vào ĐBSCL đến từ các quốc gia châu Á, tập trung ở các ngành: chế biến nông sản, dệt may, điện gió”, ông Lam nhận xét.
Các dự án có quy mô lớn về da giày và may mặc đang có xu hướng tăng với quy mô lớn như: dự án giày thể thao của Hàn Quốc tại Cần Thơ (171 triệu USD), dự án Kintpassion của Đài Loan tại Long An (68,4 triệu USD), dự án giày của Hàn Quốc tại Long An (25 triệu USD)…
Theo ông Lam, kết quả này cho thấy ĐBSCL đang có cơ hội tiếp cận từ các Hiệp định thương mại sắp có hiệu lực mang lại. Với sự nỗ lực của cơ quan xúc tiến trong vùng thì năm 2016 sẽ tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc ở đây, vùng ĐBSCL là “thủ phủ” về nông nghiệp của cả nước thì trong số 79 dự án mới chỉ có duy nhất một dự án của Nhật đầu tư vào nông nghiệp với số vốn 68.000USD.
Tính đến ngày 30-6, số lượng doanh nghiệp (DN) mới toàn vùng ĐBSCL là 3.880 DN, chiếm 9,2% tổng số DN thành lập mới cả nước, nâng tổng số DN toàn vùng lên 61.641 DN, chiếm 12% số DN đang hoạt động trên cả nước.
Tuy số DN đăng ký mới không nhiều như một số vùng khác: Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung (tăng 28,3%), Đồng bằng sông Hồng (tăng 21,5%), Tây Nguyên (tăng 20,2%), Đông Nam Bộ (tăng 18,6%)… nhưng vốn đăng ký của vùng ĐBSCL tăng đáng kể với vốn đăng ký mới là 39.879 tỷ đồng, tăng 128,1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
Cần có chính sách đặc thù riêng
Trong số các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thu hút vốn FDI thì Long An thu hút vốn mới và tăng vốn đạt 349 triệu USD, Cần Thơ 171 triệu USD, Hậu Giang 50 triệu USD, Vĩnh Long 24 triệu USD, các tỉnh khác là những con số khiêm tốn. Tính đến nay, Long An là địa phương có số vốn FDI còn hiệu lực cao nhất với trên 6,3 tỷ USD, tiếp đó là Kiên Giang trên 2,9 tỷ USD, Hậu Giang 1,4 tỷ USD, Cần Thơ trên 1 tỷ USD.
Thời gian qua, các địa phương ở ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhờ vậy từ năm 2010, trung bình có 2-3 tỉnh nằm trong tốp 5, 4-5 tỉnh nằm trong tốp 10. Năm 2015, trong 10 tiêu chí đánh giá tốt nhất của từng chỉ số thì ĐBSCL chiếm đa số với 7 tiêu chí dẫn đầu.
Tuy nhiên, vùng còn nhiều trở ngại là thiếu lao động có tay nghề, hạ tầng kỹ thuật yếu và chưa có những chính sách riêng biệt cho vùng.
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết: “Để giải quyết những khó khăn của ĐBSCL thì cần kiến nghị để Trung ương có chính sách đặc thù. Nhằm củng cố lòng tin cho DN, nhà đầu tư, tỉnh Hậu Giang sẽ xử lý nghiêm những trường hợp làm khó DN, bên cạnh đó nhằm tạo ấn tượng tốt cho nhà đầu tư”.
Còn theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, việc liên kết vùng ở ĐBSCL chưa hình thành. Vì vậy, chưa có nguồn nguyên liệu tập trung, thiếu sự phân bổ cho các tỉnh tập trung sản xuất công nghiệp chế biến, một số địa phương có lợi thế cho giao dịch thương mại, hậu cần (logistics) chưa được phát huy do chưa có mối liên kết cụ thể thông qua những chính sách từ Chính phủ.
Điều này dẫn đến 13 tỉnh đều giống nhau và thậm chí cạnh tranh nhau. Những hạn chế này cần phải giải quyết để việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL được thuận lợi.
Đánh giá về vai trò của TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL nhưng lại thu hút vốn đầu tư rất khiêm tốn so với 3 tỉnh còn lại, ông Lam nói: “Long An là tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, hạ tầng hoàn chỉnh nên các nhà đầu tư như Nhật và Đài Loan tìm đến nhiều. Trong khi đó, ở những tỉnh xa TP Hồ Chí Minh như TP Cần Thơ tuy có chi phí thuê đất và nhân công rẻ nhưng hạ tầng chưa đồng bộ, lại không có trung tâm logistics nên chi phí vận chuyển hàng hoá cao. Điều này gây trở ngại cho nhà đầu tư”.
Công an nhân dân