MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần chính sách đột phá phát triển công nghiệp ô tô

Ngành công nghiệp ô tô đang cần có chính sách đột phá như hoàn thiện chính sách thuế, hỗ trợ tài chính doanh nghiệp… để thúc đẩy phát triển.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô là 1 trong 6 ngành công nghiệp chủ lực hiện nay. Số liệu từ Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển nhanh trong vài năm lại đây. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn 2015 - 2018, đạt 250.000 xe vào năm 2018.

Tuy nhiên, sản lượng năm 2017 và 2018 lại giảm khoảng 9% và 3% so với năm trước đó. Việc sụt giảm này được đánh giá là do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015, xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018. Nền tảng sản xuất còn thấp là một trong những nguyên nhân làm nền công nghiệp ô tô không ứng phó được với cạnh tranh về giảm thuế. Sau gần 20 năm phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, đến nay phân khúc xe khách, xe tải cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra là 20% và 45% theo từng loại xe. Riêng với xe dưới 9 chỗ, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7 - 10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt tới 70 - 80% như ở Thái Lan.

Cần chính sách đột phá phát triển công nghiệp ô tô - Ảnh 1.

Dây chuyền lắp ráp ô tô du lịch tại nhà máy THACO (Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Bên cạnh đó, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, hơn 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu. Do đó, cần xác định linh kiện có lợi thế để nội địa hóa, nếu không vẫn phải buộc xuất khẩu. Đây là những đánh giá được đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách (VAMA) cho biết, đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… số lượng doanh nghiệp này thấp hơn so với các nước trong khu vực ở Malaysia và Thái Lan. Ngoài ra, số doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ là khoảng 1.800 doanh nghiệp, trong đó, chỉ có khoảng 300/1.800 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

“Công nghiệp ô tô đang đi sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nên cần có chính sách khuyến khích đột phá, chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực. Nếu vẫn làm như chính sách đang có, khoảng cách vẫn thế, 10 năm nữa họ vẫn đi trước, do đó cần có chính sách đột phá để bắt kịp xu thế…”, ông Nguyễn Trung Hiếu nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính mà ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam chưa phát triển được là do chính sách. Do vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo chủ trương phát triển ngành công nghiệp chủ lực này cần hoàn thiện một số cơ chế chính sách khuyến khích nội địa, gỡ bỏ rào cản nhập khẩu.

Theo Hiền Sơn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên