MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cần có cách ứng xử phù hợp đối với tour 0 đồng”

Nhận định tour 0 đồng có nhiều mặt trái và hệ lụy, tuy nhiên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, cần có cái nhìn đầy đủ, khoa học và toàn diện về "tour 0 đồng" để có cách ứng xử phù hợp.

Năm 2016, tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt, trong đó, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2.7 triệu lượt người, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến, khách Hàn Quốc đạt 1.5 triệu lượt, chiếm 15%. Riêng hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tới 42% tổng thị phần khách quốc tế đến Việt Nam, nếu tính cả khách từ thị trường Đài Loan, con số này xấp xỉ 50%.

Khách du lịch đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc rất ưa chuộng những điểm đến mới miền Trung của Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… Năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Nha Trang và Đà Nẵng đạt hơn 800 nghìn lượt, Hàn Quốc đạt xấp xỉ 500 nghìn lượt người. Tuy nhiên, việc bùng nổ về lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng xuất hiện một lượng khách đi theo tour giá rẻ thậm chí "tour 0 đồng", khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và nguồn thuế thất thu.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch “tour 0 đồng”, bảo vệ hình ảnh, uy tín của du lịch Việt Nam.

Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch- đơn vị tham mưu cho Bộ VHTTDL trong việc quản lý Nhà nước về Du lịch để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến tour 0 đồng.

-Thủ tướng Chính phủ vừa giao cho Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch “tour 0 đồng”, bảo vệ hình ảnh, uy tín của du lịch Việt Nam. Là cơ quan tham mưu cho Bộ VHTTDL về quản lý Du lịch, Tổng cục Du lịch nhận định như thế nào về “tour 0 đồng”?

+Đối với “tour 0 đồng”, chúng ta phải có một cách nhìn hết sức khoa học, đầy đủ, toàn diện. Trước hết, mặt trái của tour 0 đồng thì ai cũng biết rồi, đó là làm méo mó hình ảnh du khách Việt và hình ảnh du lịch Việt Nam, làm chúng ta thất thu thuế, làm biến tướng hoạt động của lữ hành, dẫn tới những khó khăn trong việc quản lý du khách cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ cho du khách.

Bên cạnh đó, với "tour 0 đồng", nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa du khách đến với các sản phẩm không đảm bảo, từ đó dẫn đến việc chi trả của du khách bị tăng lên, du khách bất bình vì những mức chi trả không đúng cam kết của các doanh nghiệp lữ hành. Việc đưa du khách vào những điểm mua sắm, để nhằm mục đích lấy hoa hồng phục vụ, bù lại cho những "tour 0 đồng" là hoàn toàn bất lợi cho du khách. Trách nhiệm của ngành du lịch là bảo vệ cho du khách, vậy nên Tổng cục Du lịch hoàn toàn phản bác việc này.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung (Ảnh: Nam Nguyễn)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung (Ảnh: Nam Nguyễn)

Ngoài ra, với việc tổ chức "tour 0 đồng" như thế này, du khách mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng này, thì họ không nộp thuế cho Nhà nước. Điều này gây tổn hại cho việc thu ngân sách của địa phương và quốc gia.

Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi cho các địa phương, nhất là Quảng Ninh, đề nghị tiến hành kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp du lịch cũng như đóng cửa các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc.

Nhận thức rõ mặt trái của tour 0 đồng, tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng "tour 0 đồng" đang là một hiện tượng khá phổ biến của các nước phát triển và nó sẽ giúp cho ngành du lịch ở các quốc gia này bù đắp vào sự thiếu hụt khách ở những mùa thấp điểm tại các điểm đến của địa phương. Những tour này sẽ góp phần bổ sung một lượng khách nhất định, đảm bảo duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi các dịch vụ tại điểm đến, giảm bớt khoảng cách khác biệt giữa mùa cao và thấp điểm trong ngành du lịch, từ đó góp phần cân bằng sự quản lý của các địa phương đối với du khách quốc tế. Vấn đề là chúng ta cần có cách ứng xử cho phù hợp đối với "tour 0 đồng".

-Như ông đã nói, "tour 0 đồng" đang là một hiện tượng khá phổ biến của các nước phát triển và về khía cạnh nào đó nó vẫn mang lại lợi ích kinh tế. Vậy chúng ta cần phải quản lý như thế nào để hạn chế tối đa những mặt trái mà ông vừa nêu?

+Một mặt, chúng ta phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước, những tour mang tính chất lừa đảo, chụp giật, bắt chẹt thì phải kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, nếu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, có hợp đồng chặt chẽ, có chia sẻ quyền lợi, đảm bảo được chất lượng phục vụ cho du khách, đảm bảo quyền lợi của du khách vào mùa du lịch thấp điểm thì cần có cách ứng xử cho phù hợp.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy rằng một số quốc gia như Thái Lan đã làm rất gay gắt các "tour 0 đồng" và dẫn tới việc toàn bộ du khách Trung Quốc hủy chuyến đi Thái Lan. Khách Trung Quốc đến Thái Lan sụt giảm nghiêm trọng và Bộ Du lịch Thái Lan đã phải có những biện pháp chấn chỉnh lại. Họ đã tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, roadshow tại Trung Quốc để thu hút khách Trung Quốc lại đến Thái lan.

-Vậy sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Du lịch và Bộ VHTTDL đã có động thái gì để chấn chỉnh tour 0 đồng, thưa ông?

+ Sau khi Thủ tướng có văn bản chỉ đạo Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chấn chỉnh lại "tour 0 đồng", tránh làm méo mó, ảnh hưởng đến chất lượng, dịch vụ, hình ảnh của du lịch Việt Nam, được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi tới tất cả các tỉnh, thành, đề nghị rà soát, xem xét và chấn chỉnh lại vấn đề này.

Thứ 2 là Tổng cục Du lịch đã phối hợp cùng Thanh tra Du lịch của Bộ VHTTDL tổ chức một đoàn công tác, trực tiếp đi đến các điểm du lịch của Quảng Ninh, nhất là Cửa khẩu Móng Cái, để kiểm tra, đánh giá, thanh tra, rà soát và đã có những biện pháp xử phạt những trường hợp vi phạm tại địa phương này.


Trong nhiều năm gần đây, thị trường khách Trung Quốc luôn luôn là thị trường trọng điểm số một của Việt Nam (Ảnh minh họa: Tiền Phong)

Trong nhiều năm gần đây, thị trường khách Trung Quốc luôn luôn là thị trường trọng điểm số một của Việt Nam (Ảnh minh họa: Tiền Phong)

Chúng tôi đánh giá cao sự quyết liệt, nhạy bén của Quảng Ninh trong việc xử lý vấn đề này với việc đình chỉ một loạt các nhà hàng chỉ bán cho người Trung Quốc, không bán cho người việt; thu hồi giấy phép, tước giấy phép của một số các doanh nghiệp lữ hành không có trưởng đoàn, không có nhân viên khi đưa khách qua cửa khẩu và tổ chức "tour 0 đồng" dẫn tới việc khách du lịch bức xúc.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ đánh giá, rà soát lại toàn bộ những hiện tượng này ở tại các địa phương, nhất là các địa phương thu hút đông khách du lịch Trung Quốc. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có một báo cáo tổng hợp tình hình chung để trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

-Thời gian gần đây, lượng khách Trung Quốc tăng đột biến tại Quảng Ninh, theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

+Theo tôi, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam qua đường bộ tăng nhanh như vậy có mấy nguyên nhân sau: thứ nhất là chứng tỏ chính sách thực thi visa điện tử tại cửa khẩu của Việt Nam cởi mở thông thoáng đã bắt đầu phát huy tác dụng, góp phần thu hút một lượng khách rất lớn đến với Việt Nam.

Thứ hai là trong nhiều năm gần đây, thị trường khách Trung Quốc luôn luôn là thị trường trọng điểm số một của Việt Nam. Năm 2016, chúng ta đón tới 2,7 triệu khách Trung Quốc, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam luôn xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm để ưu tiên công tác quảng bá xúc tiến.

Thứ 3, hiện tượng trên cũng chứng tỏ rằng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Khách Trung Quốc rất hứng thú khi sang du lịch Việt Nam.

Thứ 4, do gần đây quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không tốt nên Trung Quốc đã cấm tất cả khách du lịch sang Hàn Quốc, cho nên chắc chắn dòng khách Trung Quốc đi du lịch sang Hàn Quốc sẽ dồn sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Điều này là vừa là thời cơ vừa là áp lực cho du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, khách Trung Quốc đến Việt Nam hiện nay là dòng khách chi tiêu cao, mua sắm lớn. Quan điểm trước đây khách Trung Quốc là khách phổ thông, chi tiêu ít không còn phù hợp với thời điểm hiện nay nữa.

Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng cũng đặt ra một áp lực rất lớn đối với công tác quản lý. Do vậy, chúng ta phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường vai trò quản lý các doanh nghiệp để làm sao đảm bảo được chất lượng, dịch vụ, đảm bảo du khách quốc tế đến Việt Nam không bị phân biệt đối xử, cũng như đảm bảo được chất lượng, hình ảnh và uy tín của ngành du lịch chúng ta. Đó vừa là thời cơ vận hội vừa là áp lực thách thức đối với ngành du lịch Việt Nam./.

-Xin cảm ơn ông!

Theo Lâm Minh

Tổ quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên