MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần cơ chế để 7,3 tỉ USD không chảy ra nước ngoài

30-05-2016 - 14:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những phản ứng điều tiết nhanh nhạy, ổn định thị trường tiền tệ, duy trì đà phát triển của nền kinh tế. Lãi suất cho vay bằng đồng nội tệ cũng như ngoại tệ theo đó được liên tục kéo giảm, giúp cho các doanh nghiệp (DN) có điều kiện vay vốn hoạt động.

7,3 tỉ USD đang nằm ở ngân hàng nước ngoài

Cụ thể, NHNN rất kiên quyết trong việc hạ lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ, điển hình là USD. Lãi suất huy động USD được kéo giảm từ 6% năm, xuống dần đến 2%, rồi 1%, sang năm 2015 chỉ còn 0,25% năm. Đặc biệt từ cuối năm 2015, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Để giữ ổn định đồng tiền Việt Nam, NHNN đưa lãi suất huy động USD về 0%, qua đó giữ cho thị trường tiền tệ ổn định trong thời gian qua, với mục tiêu chống đô la hóa thị trường tiền tệ. Trong khi tiền đồng Việt Nam phá giá theo đồng nhân dân tệ bằng cách nới rộng biên độ tỉ giá với USD. Nhằm tránh cho người dân đổ xô đi mua USD, găm giữ ngoại tệ, gây bất ổn cho thị trường ngoại hối. Đây là quyết định đúng trong thời điểm này.

Nhưng quyết định đưa tỉ giá huy động USD về 0%, nếu duy trì quá lâu cũng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho thị trường. Hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế đối ngoại, phần lớn các giao dịch là bằng USD. Các DN xuất khẩu thu USD, nhưng thanh toán nguyên phụ liệu cũng bằng ngoại tệ, các tổ chức tín dụng đã huy động USD dài hạn nếu không cho vay sinh lời sẽ bị tổn thất vì vẫn phải trả lãi người tiêu dùng. Lượng USD trong dân hiện nay rất lớn, khi lãi suất bằng 0%, họ sẽ găm giữ hay gửi ra ngân hàng nước ngoài lấy lãi. Chỉ trong quý III/2015 đã có tới 7,3 tỉ USD từ trong nước gửi ra các ngân hàng nước ngoài. Trong khi nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt là USD cho nền kinh tế là có thật. Không lẽ vì mục tiêu ổn định thị trường trong ngắn hạn mà chúng ta lại quay lưng với một lượng lớn USD đang đóng băng trong két sắt, hoặc được gửi ra các ngân hàng nước ngoài? Trong khi nguồn vốn cho đầu tư phát triển đang rất thiếu, vốn ODA đang ngày một khó khăn.

Tạo điều kiện để ngân hàng huy động

Để quản lý thị trường ngoại hối có nhiều cách. Điều kiện tiên quyết: Trên đất nước Việt Nam chỉ sử dụng tiền đồng Việt Nam! Nếu các DN, hay cá nhân cố tình tiêu ngoại tệ tại Việt Nam sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nhưng đặc thù của nước ta khác với các nước, chúng ta vẫn là nước đang phát triển, gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, hằng năm gửi về nước 15 tỉ USD. Số tiền đó phải được huy động và đưa vào đầu tư phát triển. Nhiều người dân không biết đầu tư, chỉ găm giữ USD, nếu ngân hàng huy động lãi suất bằng 0%, chắc chắn họ găm giữ hay gửi ngân hàng nước ngoài để lấy lãi. Khi đó USD lại chạy ra nước ngoài hay nằm im trong két của các gia đình .

Nên chăng NHNN xem xét lại chính sách lãi suất USD hiện nay, có một cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động thêm số ngoại tệ rất lớn trong dân để đưa lượng vốn này vào đầu tư cho nền kinh tế. Không thể yên lòng khi hằng năm chúng ta kêu gọi tài trợ quốc tế và vốn vay ODA từ các nước cũng chỉ được trên dưới 2,5 tỉ USD ( số này đang dần giảm đi), thì số tiền các tổ chức và cá nhân gửi ra nươc ngoài trong một thời gian ngắn đã tới 7,3 tỉ USD, gấp hơn 2,5 lần số tiền các nước cam kết cho vay.

Trong khi lãi của các khoản vay ODA dù ưu đãi tối thiểu cũng 1,7%/năm (tiền chưa giải ngân chúng ta vẫn phải trả 0,33%/năm) và hiện nay chúng ta vẫn đang phải trả khoản nợ này. Vậy tại sao chúng ta không đưa ra một mức lãi suất huy động USD tương đương hoặc thấp hơn lãi suất vay vốn ODA? Nếu huy động được nguồn vốn này cho đầu tư phát triển, chúng ta sẽ không phải chịu những áp lực và điều kiện do các nhà tài trợ đưa ra, như phải cho nhà thầu của họ thi công, phải mua máy móc thiết bị của họ. Ta sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng các công trình trọng điểm mà không phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài.

Điều hành thị trường ngoại hối cần linh hoạt. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc xem xét, điều chỉnh chính sách lãi suất USD để giúp khơi thông một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế.

Theo Phương Hà

Lao động

Trở lên trên