MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Theo đại diện CIEM, trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đang đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, thì việc mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Ngày 5-7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). 

Đề nghị xây dựng Luật được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều nội dung thay đổi. Trong đó, nội dung đáng lưu ý và còn nhiều ý kiến trái chiều là việc bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm giảm thiểu rủi ro đối với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh thừa cân béo phì. 

Cần đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường - Ảnh 1.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), phát biểu.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của công cụ thuế trong việc phòng tránh nguy cơ thừa cân béo phì và nâng cao sức khỏe người dân, trong khi đó lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp NGK và của cả nền kinh tế.

Về tổng thể, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đang đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, thì việc mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo bà Thảo, tại hồ sơ đề nghị xây dựng luật, các mục tiêu mà Bộ Tài chính đưa ra còn "chung chung", việc đánh giá tác động của chính sách đến người dân, doanh nghiệp, đến nền kinh tế chưa thể hiện rõ.

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất bổ sung NGK có đường vào diện chịu thuế TTĐB được đưa ra. Năm 2017, Bộ Tài chính đã từng đề xuất nội dung này. Thời điểm đó, theo bà Thảo, CIEM đã tiến hành khảo sát giai đoạn 2018-2021 cho thấy, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% và nâng thuế giá trị gia tăng thêm 2% với mặt hàng này thì sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỉ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 2.722,3 tỉ đồng. 

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế nói chung. 

Về thực tiễn áp dụng thuế TTĐB ở các nước trên thế giới, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho biết một số nước sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB lên mặt hàng nước giải khát có đường lại có tỉ lệ thừa cân béo phì không giảm mà tăng qua các năm. 

"Như Chile, giai đoạn 2009 - 2010, tỉ lệ béo phì ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Sau khi áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt năm 2014, đến giai đoạn 2016-2017, tỉ lệ béo phì ở cả nam và nữ giới Chile đều tăng, lần lượt là 30,3% và 38,4%"- ông Thành cho hay.

Cần đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Ngọc Trung, trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Hà Nội, cho rằng, đường là một mặt hàng đặc biệt khi đang được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. 

Việc áp dụng thuế TTĐB cho các sản phẩm có đường sẽ tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường. 

Đại biểu Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhấn mạnh Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là luật rất quan trọng, việc sửa đổi là cần thiết, phản ánh sự phát triển của đất nước, phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng việc sửa đổi thời điểm nào, nội dung sửa đổi ra sao, và đề xuất đưa các mặt hàng vào diện áp thuế TTĐB cần được cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Việc xây dựng, sửa đổi luật cần đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, các ý kiến của đại biểu tại hội thảo hôm nay là cơ sở quan trọng để các đại biểu Quốc hội tham khảo, từ đó để góp ý cho việc xây dựng luật.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên