MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần kiên quyết cổ phần hóa và thoái vốn những DNNN lớn

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DNNN, tính đến hết năm 2015, cả nước đã cổ phần hóa 478 DNNN, hoàn thành 93% kế hoạch giai đoạn 2011- 2015.

Tăng tốc cổ phần hóa

Trong 8 tháng đầu năm 2016, tiếp tục có 48 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 TCty. Tổng giá trị thực tế của 48 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 31.905 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.280 tỉ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn điều lệ của 48 đơn vị là 23.019 tỉ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 11.092 tỉ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỉ đồng, bán cho người lao động 342 tỉ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỉ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.103 tỉ đồng.

Cùng với việc CPH, hoạt động thoái vốn nhà nước khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm cũng được thúc đẩy: Tính đến hết năm 2015, thoái vốn được 9.924 tỉ đồng, thu về 15.004 tỉ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong 8 tháng đầu năm 2016, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỉ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, thu về 5.767 tỉ đồng. Trong đó, các tập đoàn, TCty đã thoái được 381 tỉ đồng, thu về 424 tỉ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư). Đồng thời, thoái 1.261 tỉ đồng, thu về 1.968 tỉ đồng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm nêu trên.

Riêng SCIC đã bán 1.277 tỉ đồng vốn nhà nước, thu về 3.374 tỉ đồng. Tổng cộng, đến nay đã thoái vốn thu về trên 21 ngàn tỷ, đạt gần 1,4 lần giá trị đầu tư. Việc thoái vốn của DNNN đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính-ngân hàng được 613 tỉ đồng và thu về 622 tỉ đồng, khá ít ỏi so với hàng chục ngàn tỷ đồng mà các DNNN đang đầu tư vào các tổ chức tín dụng (TCTD).

Về cơ bản, các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả IPO cho thấy, với lộ trình giảm vốn Nhà nước sở hữu xuống 65%, nhà đầu tư chiến lược 14%, đấu giá công khai 14%, còn lại 7% dành cho cán bộ nhân viên và tổ chức công đoàn, thì có 100% cổ phần Vissan trong khối lượng chào bán được mua với mức giá đấu thành công cao nhất là 102.000 đồng/CP, giá đấu thành công thấp nhất là 67.000 đồng/CP. Theo đó, giá đấu thành công bình quân cao gấp gần 5 lần giá khởi điểm và toàn bộ hơn 11 triệu cổ phần IPO lần này rơi vào tay 1 tổ chức và 5 cá nhân, giúp Vissan thu về gần 907 tỉ đồng.

Tuy vậy, tiến độ cổ phần hóa DNNN và thoái vốn 8 tháng qua còn chưa đạt được như kỳ vọng do có sự trì trệ của thị trường; so tính phức tạp cuả CPH các DNNN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý; cũng như cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Trong các tháng cuối năm 2016 và giai đoạn đến năm 2020, quá trình tái cơ cấu DNNN cần được đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập. Thu gọn số lượng DNNN trong nền kinh tế, củng cố, nâng cao vai trò của các DNNN quan trọng, cần thiết và gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020 có 184 DNNN do Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn, chiếm khoảng 48,7% và 194 DNNN còn lại thuộc diện cổ phần hóa, chiếm 51,3%. Mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% số lượng DNNN tại thời điểm năm 2015; bảo đảm sự linh hoạt trong cổ phần hóa, thoái vốn, giảm tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư; nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh của DNNN thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập…

Động lực mới trong CPH DNNN

Thực tế cho thấy, số lượng DNNN trong diện CPH đến nay không còn nhiều, hầu hết tập trung vào các DN lớn. Vì vậy, vấn đề quan trọng là chất lượng của việc CPH và hiệu quả đổi mới quản trị DN sau quá trình này. Bên cạnh đó, thực hiện CPH cần thận trọng, tránh làm bằng mọi giá, tránh thất thoát tài sản công thông qua định giá sai và bị méo mó do lợi ích nhóm. Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường rà soát, xác định rõ giá trị doanh nghiệp và đánh giá chất lượng của công ty tư vấn để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính chính xác trong hoạt động này, vừa chống thất thoát tài sản công, vừa tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư khi tiếp cận những thông tin về DN.

Điểm mới của công tác CPH là ưu tiên CPH và thoái vốn ở các DNNN kinh doanh có hiệu quả để tìm được những nhà đầu tư, người mua phát huy được giá trị của vốn Nhà nước, thu về nhiều nhất có thể để tái đầu tư.

Đặc biệt, nguồn thu từ thoái vốn của DNNN sẽ được sử dụng cho nhiều mục tiêu đa dạng, trong đó, một phần dùng để tái đầu tư cho các DNNN còn lại; một phần để chi cho đầu tư phát triển xây dựng các công trình trọng điểm, an sinh xã hội (y tế, xây dựng nông thôn, chống biến đổi khí hậu,..) vốn không sinh lời nên không thu hút được đầu tư tư nhân.

Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị và tới đây sẽ nghiên cứu để đưa ra chế tài xử phạt cụ thể với tình trạng này.Trước mắt, Chính phủ đã chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu yêu cầu thực hiện đúng quy định. Trong thời gian tới, những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ.

Để tăng tốc và nâng cao hiệu quả CPH DNNN trong thời gian tới, cần thiết phải ban hành tiêu chí phân loại DNNN và tiêu chí, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn các hình thức sắp xếp khác cho phù hợp với giai đoạn tới, nhất là cơ chế bán, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể DNNN, bổ sung quy định trình tự, thủ tục phá sản các doanh nghiệp lâm nghiệp, nông nghiệp theo nội dung Nghị quyết của Quốc hội; và các Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa...làm cơ sở xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án, lộ trình tái cơ cấu DNNN và các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2016 - 2020.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành; Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại DNNN và theo lộ trình hợp lý, đảm bảo cắt lỗ và hiệu quả kinh tế cao nhất; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát DNNN, minh bạch và công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu DNNN..

Đặc biệt, việc thoái vốn trong 12 TCty của Nhà nước, với các thương hiệu lớn của Việt Nam như Vinamilk, Sabeco…, phải quyết liệt, nhưng có kế hoạch và trật tự, theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, có lộ trình phù hợp đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và ổn định thị trường bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Điều quan trọng, việc bán cổ phần của các công ty này phải được chào bán công khai trên thị trường để đạt hiệu quả cao nhất (cần thiết SCIC phải tổ chức cả rowshow như phát hành trái phiếu nếu cần); có thể đấu giá lô công khai tránh tâm lý e dè trên thị trường. Trong quá trình này, SCIC sẽ là đầu mối thống nhất thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN hoạt động kinh doanh bao gồm cả các Tập đoàn, Tổng công ty sau cổ phần hóa với nguyên tắc kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ CPH giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi nỗ lực lớn cả từ cơ quan chức năng lẫn lãnh đạo các DNNN, quyết không để lặp lại tình trạng chậm trễ và dồn lại thực hiện vào cuối giai đoạn như vừa qua; hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng CPH trá hình thông qua sử dụng chính vốn của Nhà nước để mua lại phần vốn của Nhà nước tại DN thực hiện CPH; ngăn chặn sự cố tình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược một cách hình thức.

Cơ quan chuyên trách sẽ không trực tiếp điều hành hoạt động của từng DN, mà quản lý bằng việc đưa ra kế hoạch, chủ trương. Mỗi DN sẽ ký kết hợp đồng với cơ quan chuyên trách. Nhân sự trong cơ quan chuyên trách thực hiện theo quy chế thị trường về tiền lương, chế độ đãi ngộ…và phải trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch cao. Nếu vi phạm sẽ cách chức, sai thải. Mọi hoạt động của cơ quan này đều có cơ quan kiểm toán độc lập đánh giá…

Để đẩy nhanh tiến độ CPH, từ kinh nghiệm thực tế của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã xây dựng nguyên tắc về trách nhiệm xử lý tài chính trong quá trình xác định giá trị DN. Theo đó, nếu đến thời điểm xác định giá trị DN, các khoản nợ phải thu có đầy đủ hồ sơ, nhưng chưa được đối chiếu, xác nhận theo quy định, thì hội đồng thành viên DN CPH phải giải trình rõ nội dung các khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Nếu trong quá trình xử lý các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi theo nhiều biện pháp, mà kết quả kinh doanh vẫn còn lỗ, DN CPH phải báo cáo nguyên nhân dẫn đến lỗ với cơ quan quyết định CPH để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Một trong những vướng mắc theo phản ánh của các DN là cơ chế xác định lợi thế vị trí địa lý đất trong quá trình xác định giá trị DN chưa rõ ràng. Để khắc phục tình trạng này, theo quy định mới, trường hợp các DN đã xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê vào giá trị DN và hạch toán tăng phần vốn nhà nước khi xác định giá trị để CPH, thì được khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp của DN CPH. Đối với các DN CPH theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP mà chưa tính giá trị lợi thế vị trí địa lý thì được áp dụng theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, tức là không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý và điều chỉnh vốn nhà nước tại DN.

Theo TS Nguyễn Minh Phong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên