MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cân nhắc thu phí đường cao tốc nhà nước đầu tư

Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư đường cao tốc.

Tại Tờ trình gửi Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển lên tới 60% và giảm chi phí khai thác so với lưu thông trên quốc lộ.

"Hết sức cần thiết"

Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, so sánh việc lưu thông trên 3 tuyến cao tốc đang vận hành là: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Trung Lương và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với các tuyến quốc lộ song hành, mỗi phương tiện đi trên đường cao tốc sẽ tiết kiệm khoảng 5.265 đồng/km. Trong đó, 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian lưu thông hàng hóa và hành khách.

Mặt khác, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội XIII của Đảng thông qua đã xác định mục tiêu "đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc" trong tổng số 9.014 km (41 tuyến) đã được quy hoạch. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GTVT ước tính các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393.000 tỉ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km đường cao tốc.

Cân nhắc thu phí đường cao tốc nhà nước đầu tư - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước

Ngoài ra, dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu cân đối như hiện nay, ước tính tổng kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.067 tỉ đồng (bình quân 1.813 tỉ đồng/năm).

Thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.

"Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra" - Bộ GTVT nhấn mạnh trong tờ trình.

Ủng hộ lẫn băn khoăn

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, Bộ GTVT cho rằng Trung Quốc bắt đầu xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên vào năm 1984. Đến cuối năm 2022, nước này đã có trên 177.000 km cao tốc. Vốn xây dựng đường cao tốc của Trung Quốc chủ yếu là vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương/địa phương và đa số có thu phí. Nguồn thu phí này chủ yếu sử dụng cho việc vận hành và hoàn vốn, một phần dùng tái đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng các tuyến đường mới.

Nhìn nhận việc thu phí đường cao tốc do ngân sách đầu tư là cần thiết song ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng cần khảo sát, đánh giá kỹ tuyến nào thu, tuyến nào không thu. Mức thu phí đường cao tốc 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế không thể bằng với tuyến cao tốc 6 làn xe có chất lượng đường, vận tốc thiết kế cao hơn. Mức thu cần phải cân nhắc kỹ, không chỉ phù hợp với tổng số vốn đầu tư, quy mô từng dự án mà còn phải căn cứ tiện ích của từng tuyến, như quy mô làn đường thế nào, có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp hay không…

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, về việc thu phí đối với đường cao tốc do nhà nước đầu tư, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang làm, có kết quả tương đối tốt. Đáng lẽ trước đây, chúng ta phải tính đến cơ sở pháp lý để triển khai việc nhà nước bỏ tiền ra xây dựng đường cao tốc thì thu phí.

"Thay vì làm BOT thì Chính phủ đứng ra vay vốn, làm đường cao tốc và thu phí như các doanh nghiệp. Như vậy sẽ hiệu quả, tốt hơn đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng" - chuyên gia tài chính này nhận xét.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cho biết đề xuất này đã được đặt ra từ năm 2020. Vì nhiều lý do khác nhau, cùng với sự chưa đồng thuận từ dư luận, đề xuất này chưa được xem xét.

Ông Long cho rằng việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ tạo áp lực lớn lên người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cả doanh nghiệp và người lao động còn gặp nhiều khó khăn. "Trong bối cảnh này, lẽ ra nên giảm thu, Chính phủ còn giảm thuế GTGT, vậy mà giờ lại muốn tăng thu là chưa hợp lý" - ông Long nêu quan điểm.

Ông Long nhận định khi điều kiện, năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế, nếu tiếp tục tăng các khoản thu, trong đó có phí đường bộ, sẽ dẫn đến chi phí đầu vào tăng. Khi chi phí đầu vào tăng sẽ làm giá cả hàng hóa tăng theo chi phí vận chuyển, mà giá tăng thì sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Xây dựng mức phí khoa học

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết khi đề xuất thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư, bộ đã tính toán lợi ích mang lại bởi các phương tiện đi trên đường cao tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ tính toán mức thu phí đường cao tốc đầu tư từ ngân sách nhà nước một cách khoa học, minh bạch, bảo đảm sự chi trả của người dân và doanh nghiệp.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

Trở lên trên