MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần sẵn sàng đối phó với những cú sốc

06-08-2016 - 11:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Việt Nam có nhiều cơ hội lớn từ quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt và dân số năng động.

Nếu nói đến một đặc điểm nổi bật nhất về kinh tế Việt Nam thì đó là sự năng động. Đây là chia sẻ của ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

Sau một năm đảm nhiệm vị trí đại diện thường trú IMF tại Việt Nam, ông có cảm nhận gì về nền kinh tế của chúng tôi?

Một năm qua sống và làm việc tại Việt Nam với tôi rất thú vị và bổ ích. Nếu nói đến một đặc điểm nổi bật nhất của nền kinh tế mà tôi cảm nhận được thì đó là sự năng động.

Về tổng thể kinh tế vĩ mô (KTVM) những năm gần đây, Việt Nam đã có được tăng trưởng vững chắc với lạm phát thấp. Điều này phản ánh định hướng chính sách đã tập trung đến đảm bảo và duy trì ổn định KTVM và nó cũng phản ánh sự quan tâm sát sao của các nhà hoạch định chính sách đến tầm quan trọng của việc duy trì ổn định KTVM để hỗ trợ tăng trưởng.

Nhìn về tương lai, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn từ quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt và dân số năng động.

Đánh giá của ông về các thách thức chính mà nền kinh tế đang phải đối mặt?

Những thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt bao gồm việc nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các DN trong nước và sự cần thiết đảm bảo nền kinh tế có được một vị trí mạnh mẽ để quản lý và ứng phó với khả năng có các cú sốc bên ngoài. Brexit chính là một ví dụ về dạng cú sốc bên ngoài. Rồi sự tăng trưởng toàn cầu chậm hơn.

Việt Nam cần tạo lập được một môi trường kinh tế tổng thể tốt hơn cho DN tư nhân trong nước, cũng như đảm bảo nền kinh tế có được một vị thế mạnh để sẵn sàng đối phó với những cú sốc kinh tế đến cả từ bên trong và bên ngoài.

Dư địa của Việt Nam để đối phó với những cú sốc kinh tế, chẳng hạn như sự tăng trưởng toàn cầu chậm hơn, có thể được tăng cường bằng cách tăng thêm dự trữ ngoại hối (DTNH) và theo đuổi việc củng cố tài khóa phù hợp với tăng trưởng để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Cụ thể hơn, chúng tôi đồng tình với Chính phủ rằng, điều quan trọng là cần đưa thâm hụt ngân sách trung bình xuống mức 4% GDP/năm trong giai đoạn 2016-2020 để giúp đạt được những mục tiêu này.

Các biện pháp cụ thể để củng cố tài khóa có thể bao gồm sự hợp lý của chi tiêu ngân sách thường xuyên, nâng cao hiệu quả chi đầu tư công và thúc đẩy thu ngân sách thông qua việc giảm miễn thuế và các ưu đãi trong khi tiếp tục tăng thuế nhiên liệu và môi trường, thống nhất về thuế suất GTGT, áp dụng thuế bất động sản và tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế và hải quan.

Nhìn nhận của ông về tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề tái cơ cấu DNNN và hệ thống các TCTD ở Việt Nam vừa qua? Và đâu là những vấn đề cần tập trung để tái cơ cấu đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới?

Cải cách ngành tài chính ngân hàng, DNNN và cấu trúc tài khóa cần được thúc đẩy để giúp nâng cao tiềm năng tăng trưởng. Trong tái cơ cấu NH đã có một số bước tiến tích cực như đã phân loại nợ xấu, hạn chế chi trả cổ tức của các NH yếu kém, tăng cường giám sát tại chỗ của NHNN và việc chuyển hướng qua giám sát dựa trên rủi ro, cho phép VAMC để mua và bán nợ xấu (NPL) theo giá trị thị trường chứ không chỉ theo giá trị sổ sách như trước và việc tiếp quản NHNN đối với ba NH yếu kém.

Nhìn về phía trước, để hệ thống tài chính lành mạnh hơn, cần thúc đẩy tiến độ xử lý nợ xấu; tái cấp vốn cho các NH từ vốn của cổ đông hiện tại và kể cả sử dụng nguồn ngân sách để tái cấp vốn cho các NHTM Nhà nước;

Các NH cần có quản trị, quản lý hoạt động và quản lý rủi ro tốt hơn, cùng với đó là việc áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS. Hơn nữa, hệ thống NH cũng cần phải tăng thêm vốn để đáp ứng các yêu cầu của Basel II.

Tái cơ cấu DNNN đã bị chậm lại trong những năm gần đây và vấn đề năng suất của cả DNNN và của các DN chế biến chế tạo trong nước nói chung cần được cải thiện để có thể tăng khả năng cạnh tranh.

Các yếu tố chính của cải cách bao gồm CPH nhanh và toàn diện hơn các DNNN; thực thi đầy đủ các yêu cầu về tính minh bạch và công bố thông tin; tiếp tục thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành; tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân bằng cách giảm bớt sự ưu đãi trong tiếp cận tín dụng và các nguồn lực khác cho các DNNN.

Để hỗ trợ tất cả các DN đạt năng suất cao hơn cần nâng cao hiệu quả đầu tư công để cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng chi cho nghiên cứu và phát triển - hiện Việt Nam đang chi thấp cho lĩnh vực này so với các nước khác trong khu vực – và nên khuyến khích học nghề và học trung học phổ thông để giải quyết tình trạng chênh lệch về cung - cầu và kỹ năng lao động.

Theo ông, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong tương lai nên như thế nào?

Dù lạm phát chung đã tăng lên do các cú sốc đối với nông nghiệp và giá cả tăng nhưng những cú sốc này chỉ tác động tạm thời vì thế CSTT nên giữ như hiện nay chừng nào mà chưa thấy có “tác động vòng hai” lên lạm phát. Điều hành tiền tệ nên hướng đến mục tiêu ổn định lãi suất liên NH qua đêm và giữ cho lãi suất này sát với lãi suất thị trường mở hiện đang ở mức 5%, vì điều này giúp giữ lãi suất liên NH ở mức thực dương.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng nên giảm dần để tránh rủi ro cho ổn định KTVM. Cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực có năng suất cao và cần tăng tính hiệu quả sử dụng tín dụng để tạo ra tăng trưởng. Điều này có thể đạt được thông qua điều hành CSTT và các biện pháp thận trọng vĩ mô khác.

Việc áp dụng cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt từ đầu năm nay là rất đáng hoan nghênh và nó hỗ trợ cho CSTT độc lập hơn, giúp củng cố DTNH. Trong trung hạn, cần tiếp tục củng cố khuôn khổ CSTT và chuyển hướng sang điều hành theo lạm phát mục tiêu. Điều này sẽ giúp tạo thuận lợi hơn cho ổn định KTVM.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Anh Tuấn thực hiện

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên