MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần tập trung hoàn thiện thể chế

02-11-2023 - 09:00 AM | Bất động sản

Các đại biểu Quốc hội cho rằng để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước phải coi cải cách thể chế như là một nguồn lực

Ngày 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Khắc phục quy định pháp lý chồng chéo

Đại biểu (ĐB) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chỉ ra thực tế thể chế chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản, đặc biệt là việc chậm trễ, kém hiệu quả trong thực thi chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Nguyên nhân là do một số bộ, ngành, một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, khiến DN rơi vào tình cảnh khó khăn. ĐB lo ngại khi lần đầu tiên số DN rút khỏi thị trường cao hơn số DN tham gia. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 DN thì có 8 DN rút khỏi thị trường.

Đánh giá việc Chính phủ đã đồng hành với DN để tháo gỡ khó khăn, khắc phục điểm nghẽn và bất cập nhưng kinh tế Việt Nam phục hồi khá chậm, ông Bình đề nghị tập trung đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách thuế cho xuất khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tạo thanh khoản cho DN. Chính phủ cần xác định những ngành chủ lực để hỗ trợ tín dụng ưu đãi; giảm chi phí và hạn chế kiểm tra, thanh tra, không ban hành thêm văn bản gây khó; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điện và xăng dầu, có chế tài bồi thường cho DN khi cắt điện sản xuất; kích cầu tiêu dùng, giảm thuế GTGT, thuế thu nhập DN, kích cầu đầu tư...

ĐB Trần Anh Tuấn (TP HCM) cho rằng hiện nay thuế GTGT đã giảm từ 10% xuống 8% cho một số mặt hàng. Tuy nhiên, một số DN lúng túng trong việc áp thuế đối với việc giảm này vì không biết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của họ có được áp 8% hay không. Để kích cầu nền kinh tế, theo ĐB Tuấn, nên giảm thuế GTGT cho tất cả mặt hàng thay vì chỉ một số mặt hàng.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị phải coi cải cách thể chế như là một nguồn lực và cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng. Cùng quan điểm, ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhấn mạnh để phục hồi và phát triển kinh tế, tiền bạc là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. "Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn ngược lại thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được" - ông Lộc nói.

Vì vậy, theo ĐB Vũ Tiến Lộc, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Song song đó, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch, đang gây rủi ro cho người thực hiện; phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và DN.

Cần tập trung hoàn thiện thể chế - Ảnh 2.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, phát biểu tại phiên thảo luận ngày 1-11 Ảnh: PHẠM THẮNG

Không thể buông lỏng quản lý chung cư mini

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua như giọt nước tràn ly của những tích tụ bất cập lâu nay. Song, thực tế nhà ở chung cư mini, nhà trọ bình dân tồn tại khách quan và nó là "cứu cánh" về chỗ ở cho công nhân, người lao động, sinh viên nghèo hiện nay. Do vậy, cần phải giải bài toán thực tế hiện hữu này bằng những biện pháp kỹ thuật phù hợp. Bịt chặt kẽ hở trong quản lý là việc cần làm ngay nhưng siết chặt quá mức cần thiết sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường khi họ không có điều kiện để ở những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao.

Theo ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang), việc tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có chỗ ở, học tập và lao động là rất cần thiết, nhưng không vì thế mà buông lỏng công tác quản lý nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị ở khu nhà ở, nhà trọ, khu chung cư không bảo đảm an toàn. Dẫn ví dụ vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân làm 56 người tử vong, ĐB Lịch cho rằng những chung cư mini sai phạm này rất nguy hiểm và rõ ràng có sự buông lỏng quản lý. Vì vậy, những trường hợp này cần phải được xử lý nghiêm minh.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng thực trạng quy định pháp luật hiện hành về loại hình nhà ở này rất lỏng lẻo. Chính vì quy định lỏng lẻo nên dẫn đến thiếu hành lang pháp lý phù hợp, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân.

Theo ĐB Thủy, với quy định hiện hành, một cá nhân hoặc hộ gia đình có thể đứng ra xây dựng chung cư mini để bán mà không bị khống chế về số lượng căn hộ, chỉ bị khống chế về chiều cao là không được vượt quá 6 tầng. Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần xin cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ. "Dưới danh nghĩa là nhà ở riêng lẻ, tất cả chung cư mini hiện nay đều không chịu sự ràng buộc bởi thủ tục tiền kiểm cũng như hậu kiểm của Sở Xây dựng như đối với các chung cư thông thường khác" - ĐB Thủy nhấn mạnh.

Riêng TP HCM, ĐB Thủy cho biết có khoảng hơn 42.000 nhà cho thuê kiểu chung cư mini. Hầu hết chung cư mini này được xây dựng trên diện tích đất nhỏ hẹp, nằm sâu trong ngõ hẹp, nơi tập trung đông dân cư và tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn cháy nổ. Khi xảy ra cháy thì các xe cứu hỏa sẽ rất khó tiếp cận. "Nhiều chung cư mini hiện nay được các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng tổng kết với "nhiều không": Không ban quản lý, không quy chế vận hành, không lối thoát hiểm, không quy chuẩn phòng cháy chữa cháy" - ĐB Thủy nói.

ĐB Nguyễn Thị Thủy cũng thể hiện sự thống nhất rất cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khẳng định nhu cầu thực tế của người dân đối với loại hình nhà ở này cần phải được bảo đảm nhưng dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini trong Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng như có yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn phòng cháy đối với các chung cư mini hiện hữu. 

Hôm nay (2-11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo Văn Duẩn - Duy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên