MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần thêm chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển như Singapore

Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, sự phát triển của Phú Quốc sau 20 năm thực hiện Quyết định 178 không thể thiếu sự chung sức của các nhà đầu tư lớn. Tới đây, thành phố sẽ kiến nghị thêm những cơ chế chính sách đặc thù để thu hút “sếu đầu đàn”.

Cần thêm chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển như Singapore- Ảnh 1.

Thưa ông, nhìn lại 20 năm triển khai Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể Phú Quốc, đảo Ngọc đã đạt được những thành tựu nổi bật gì?

QĐ178 của Thủ tướng Chính phủ được xem như "kim chỉ nam" cho sự phát triển của Phú Quốc. Sau khi QĐ được ban hành, TƯ và tỉnh đã tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho Phú Quốc. Trước tiên là đầu tư xây sân bay quốc tế (hoàn thành vào năm 2012). Đây là cảng hàng không đầu tiên được xây mới 100% kể từ sau năm giải phóng 1975. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là 1 trong 5 cảng do ACV điều hành hoạt động có hiệu quả, chỉ đứng sau cảng Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

Cùng với đó, Phú Quốc cũng đầu tư hệ thống giao thông bao gồm trục đường chính, trục đường vòng quanh đảo, kết nối đến các KDL, các xã, thị trấn... Phú Quốc cũng đầu tư điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo, đáp ứng việc cung ứng điện cho đến năm 2040.

Hàng loạt cơ chế chính sách ưu tiên, đặc thù được ban hành đã giúp Phú Quốc thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, BIM Group… Một điều quan trọng là Nhà nước đã đầu tư kết cấu hạ tầng đến "chân" dự án của các nhà đầu tư, các khu quy hoạch. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư tập trung vào hạ tầng du lịch dịch vụ, trong đó có các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…

Kết quả mang lại đó là, nếu như năm 2003, thu ngân sách của Phú Quốc chỉ đạt 38,5 tỷ thì đến năm 2023 mức thu là 7.744 tỷ đồng, gấp hơn 200 lần.

Cần thêm chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển như Singapore- Ảnh 2.

Sự phát triển của Phú Quốc 20 năm qua chia làm mấy giai đoạn thưa ông?

Tôi tạm chia một số giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất từ 2005 – 2010: Tập trung lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng, gắn với công tác giải phóng mặt bằng, mời gọi đầu tư, tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm như sân bay, giao thông nội đảo, hệ thống cấp nước.

Giai đoạn 2010 – 2015: Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, tuyến nhánh), đầu tư cảng biển quốc tế Phú Quốc, cấp điện 110 KV, khánh thành sân bay, hệ thống giao thông, điều chỉnh bổ sung quy hoạch…

Giai đoạn 2015 – 2020: Đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch dịch vụ. Phú Quốc thu hút tới 321 dự án với số vốn 19 tỷ USD. Đảo Ngọc cũng được nâng lên đô thị loại II, khách du lịch tăng rất mạnh 25-30%/năm, có năm tăng hơn 35%. Thu ngân sách tăng cao.

Giai đoạn hiện nay (2020 – 2025), Phú Quốc hoàn thiện đầu tư mới vào các khu dịch vụ cao cấp và đưa vào khai thác có hiệu quả. Các khu đô thị, du lịch cao cấp ra đời, Giai đoạn này Phú Quốc được công nhận là Thành phố, định hướng 2024 sẽ lên đô thị loại I. Phú Quốc liên tục được vinh danh các giải thưởng quốc tế như "Điểm đến du lịch biển, đảo sang trọng hàng đầu thế giới", "Hòn đảo du lịch hàng đầu Châu Á"...

Sau năm 2025, Phú Quốc sẽ định hướng phát triển theo Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt đồ án Quy hoạch chung Thành phố Phú Quốc đến năm 2040, kết hợp với quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Phú Quốc sẽ trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Nếu chọn một hình ảnh tiêu biểu cho sự đổi mới, phát triển của Phú Quốc sau 20 năm, ông sẽ chọn hình ảnh nào và vì sao?

Tôi chọn Cầu Hôn - công trình kiến trúc độc đáo và tinh tế thuộc Thị trấn Hoàng Hôn tại khu vực An Thới. Tôi tin rằng hình ảnh này sẽ trở thành biểu tượng đặc trưng cho sự phát triển của Phú Quốc, thể hiện sự vươn mình của đảo Ngọc ra đại dương, biểu trưng của tình bạn, tình yêu, tình hữu nghị trên thế giới. Cũng là hình ảnh cho thấy Phú Quốc là điểm đến đa sắc màu, nơi hội tụ và giao lưu văn hóa thế giới.

Ngoài ra, Cầu Hôn cũng như Thị trấn Hoàng Hôn còn hội tụ mọi tinh hoa của sự đổi mới và đa dạng tại Phú Quốc. Hình ảnh này đại diện cho sự phát triển của đảo Ngọc trong suốt 20 năm qua, đã được báo chí ca ngợi và công nhận. Tôi tin Cầu Hôn sẽ là một biểu tượng mới, nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch đến với Phú Quốc, như cách mà Cầu Vàng đã đại diện cho du lịch Đà Nẵng nhiều năm qua.

Cần thêm chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển như Singapore- Ảnh 3.

Trong lĩnh vực du lịch, Phú Quốc đã bứt phá mạnh mẽ và trở thành điểm đến hạng sang, thu hút khách quốc tế như thế nào?

Đến nay Phú Quốc có hơn 700 cơ sở lưu trú đang hoạt động với gần 30.000 phòng khách sạn, trong đó số phòng 5 sao chiếm tới 50%. Một số sản phẩm vui chơi giải trí cao cấp như casino, khu vườn thú Safari, sân golf, cáp treo dài nhất thế giới, quần thể Thị trấn Hoàng Hôn tại Nam đảo với các công trình mang tính biểu tượng như Cầu Hôn, show diễn Nụ hôn của biển cả, show diễn pháo hoa hằng đêm, chợ đêm Vui Phết… đã nâng tầm du lịch của thành phố Phú Quốc. Khách du lịch năm 2003 chỉ có 130.000 lượt thì năm 2023 đã tăng lên gần 5,5 triệu lượt, tăng hơn 42 lần. Các thương hiệu khách sạn danh tiếng đã xuất hiện ở đảo Ngọc, như Marriott, Park Hyatt, Regent… Hai thương hiệu quản lý khách sạn siêu sang Ritz Carlton Reserve và The Luxury Collection vừa hiện diện tại đảo Hòn Thơm.

Bên cạnh những thành công đã đạt được thì Phú Quốc còn những vấn đề tồn tại nào cần được xử lý triệt để trong thời gian tới?

Đúng là Phú Quốc vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết như câu chuyện ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải. Quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị còn chưa tốt do thiếu nguồn lực. Bộ máy quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị quá nhanh. Giá cả dịch vụ chưa được quản lý chặt chẽ. Chính sách nhập cảnh, miễn thị thực 30 ngày còn ít so với nhu cầu thực tế của khách quốc tế. Chúng tôi dự kiến đề xuất nhiều chính sách xuất nhập cảnh cởi mở hơn, chẳng hạn đề xuất nâng thời gian miễn thị thực lên 90 ngày.

Cần thêm chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển như Singapore- Ảnh 4.

Xin ông đánh giá vai trò của các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Sun Group, Vingroup, CEO, BIM… trong sự phát triển chung của thành phố đảo?

Có thể nói Vingroup, Sun Group và một số Tập đoàn khác là những con "sếu đầu đàn" đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Phú Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Những công trình, dự án của các doanh nghiệp này luôn có đẳng cấp, dấu ấn riêng, ngang tầm quốc tế.

Đặc biệt, Sun Group là nhà đầu tư chiến lược của Phú Quốc. Các dự án đẳng cấp, đa dạng và phong phú của Tập đoàn này, trong đó có cáp treo, các show diễn nghệ thuật, khu du lịch Sun World Hòn Thơm, khách sạn JW Marriott, La Festa, chợ đêm Vui Phết… không chỉ làm đẹp cho vùng đất mà còn làm cho vùng đất trở nên đa dạng, hấp dẫn hơn, tạo tiếng vang cho cả Việt Nam, đặc biệt là công trình Cầu Hôn tại Nam đảo đã được CNN ca ngợi.

Nhìn lại 20 năm triển khai Quyết định 178 cũng là cơ hội để TP Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách đột phá giúp thành phố đảo phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Xin ông chia sẻ về những chính sách đặc thù, đột phá cần thiết cho đảo Ngọc?


Ngoài chính sách visa như đã nói ở trên, để có thể phát triển đúng tầm, Phú Quốc cần được sự đầu tư nhiều hơn nữa từ nguồn lực TW và tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là đầu tư về môi trường (xử lý rác thải, nước thải) và chỉnh trang đô thị. Trong đó, tôi nghĩ việc sử dụng ngân sách nhà nước nên được ưu tiên để giải quyết những vấn đề này đầu tiên.

Cần thêm chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển như Singapore- Ảnh 5.

Ngoài ra, Phú Quốc đang đối mặt với vấn đề quá tải nhân lực, bộ máy biên chế hiện tại không đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cần có cơ chế và chính sách bộ máy mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của Phú Quốc. Đồng thời, Phú Quốc cũng cần các chính sách đặc biệt và nổi trội để thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Trong đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững.

Nếu hình dung Phú Quốc trong 20 năm tới, ông hình dung Phú Quốc sẽ là một thành phố như thế nào?


Phú Quốc đang định hướng phát triển thành một đô thị lớn với các loại hình du lịch cao cấp, là điểm đến giải trí và nghỉ dưỡng hàng đầu. Đồng thời, sự phát triển của Phú Quốc liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia và là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 20 năm tới, tôi kỳ vọng Phú Quốc sẽ là một thành phố biển đảo hiện đại và phồn thịnh. Với tiềm năng và lợi thế hiện nay, cùng sự quan tâm và đầu tư đúng mức, Phú Quốc sẽ trở thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, được biết đến không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới, tương tự như Singapore.

Cần thêm chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển như Singapore- Ảnh 6.

Theo tôi, khát vọng của Phú Quốc là vươn tầm như một hình mẫu, vượt qua các điểm đến du lịch phổ biến như Jeju, Phuket, Bali hay Maldives. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng chiếm hơn 2/3 diện tích đảo là lợi thế lớn để Phú Quốc cạnh tranh mạnh mẽ với các điểm đến khác trong khu vực. Các loại hình giải trí cao cấp cũng sẽ góp phần làm nổi bật sự khác biệt của Phú Quốc.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang tập trung đầu tư cho giáo dục, y tế để phát triển đồng bộ với ngành du lịch, dịch vụ. Điều này bao gồm cả việc xử lý rác thải để bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững. Tôi tin rằng với nỗ lực như hiện nay, trong tương lai, Phú Quốc sẽ trở thành biểu tượng của sự phát triển và văn minh độc đáo bậc nhất trong khu vực.

Xin cảm ơn ông.

Cần thêm chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển như Singapore- Ảnh 7.

Dương Dương
Hải An

Dương Dương - Hải An

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên