MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng trái phiếu doanh nghiệp lãi cao

06-08-2020 - 12:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao đang là kênh đầu tư mới, thu hút nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn dịch Covid-19 nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh, lãi suất gửi tiết kiệm giảm, chứng khoán kém sôi động, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chọn trái phiếu doanh nghiệp (DN) để hưởng lãi suất cao. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư - nhất là nhà đầu tư cá nhân - mới nên mua trái phiếu, không mua chỉ vì lãi suất cao.

Vượt khả năng thẩm định của cá nhân

Có khoảng 500 triệu đồng tiền nhàn rỗi, chị Minh Vy (ngụ quận 1, TP HCM) thường gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm. Hồi đầu năm, lãi suất tiền gửi tại một ngân hàng (NH) cổ phần quy mô vừa nơi chị hay giao dịch khoảng 8,2%/năm nhưng hiện nay, biểu lãi suất mới nhất chỉ còn 6,6%/năm lãi cuối kỳ. Lãi suất tiền gửi cũng có xu hướng giảm tiếp ở nhiều NH thương mại.

"Tôi thấy một số DN đang phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động vốn với lãi suất khá cao, 10%-11,5%/năm, nên tính tìm hiểu" - chị Minh Vy nói.

 Cẩn trọng trái phiếu doanh nghiệp lãi cao  - Ảnh 1.

Phát hành trái phiếu đang là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo nhiều chuyên gia, mua trái phiếu DN để hưởng lãi suất cao đang trở thành một kênh đầu tư mới trên thị trường trong thời gian gần đây. Ghi nhận từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 7-2020, hàng loạt DN tiếp tục công bố kết quả phát hành trái phiếu DN riêng lẻ để huy động vốn tương đương hàng ngàn tỉ đồng, với mức lãi suất phổ biến từ 10%-11,5%/năm.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va vừa huy động thành công 500 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu DN với lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, các kỳ tiếp theo lãi suất linh động nhưng cũng không thấp hơn 11%/năm.

Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cũng vừa phát hành trái phiếu DN theo phương thức riêng lẻ để huy động 500 tỉ đồng, với lãi suất cố định 10,5%/năm. Công ty TNHH Saigon Glory thông báo đã huy động được 1.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu DN với lãi suất năm thứ nhất kể từ ngày phát hành là 11%/năm. Công ty CP Bất động sản Mỹ cũng đã huy động xong 50 tỉ đồng qua phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất 10,2%/năm cho nhà đầu tư cá nhân…

Báo cáo tháng 7-2020, cập nhật nhanh về tác động của kênh trái phiếu DN đến lãi suất tiền gửi của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy tổng lượng trái phiếu DN phát hành trong nửa đầu năm 2020 ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỉ đồng trái phiếu DN trên sơ cấp, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm ngoái.

Đáng chú ý, các DN bất động sản tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua. Trong khi đó, các công ty chứng khoán, NH thương mại cũng đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu DN cho nhà đầu tư cá nhân. Theo SSI, hiện chưa có đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu DN, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của nhà đầu tư cá nhân.

Nhiều rủi ro

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận định hiện tổng giá trị trái phiếu DN lưu hành đang hướng tới con số 800.000 tỉ đồng, trong đó hơn một nửa trái phiếu DN do các NH nắm giữ. Phần còn lại do các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ, tỉ lệ này đã tăng hơn 150% trong năm ngoái và tiếp tục tăng khoảng 25% trong nửa đầu năm nay…

Những con số trên phản ánh đây là một kênh đầu tư mới cho các nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh kênh truyền thống như vàng, chứng khoán, bất động sản nhờ lãi suất cao trong bối cảnh lãi suất NH và lãi suất trái phiếu Chính phủ ngày càng giảm.

Về lý do nhóm DN phát hành trái phiếu có lãi suất cao tập trung vào nhóm DN bất động sản, ông Phan Dũng Khánh giải thích do bất động sản đang bị các NH hạn chế cho vay. Thực tế, nhiều công ty phát hành trái phiếu với quy mô gấp hàng chục, hàng trăm lần vốn chủ sở hữu hay vốn điều lệ. Như năm 2019, Công ty CP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng tại TP HCM đã phát hành thành công hơn 1.400 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, với lãi suất kỷ lục 20%/năm dù DN này chỉ mới thành lập từ cuối năm 2016 với số vốn điều lệ vỏn vẹn 5 tỉ đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo rủi ro khi các công ty chứng khoán, NH thương mại đang có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không chuyên mua trái phiếu DN bằng mọi giá. Đặc biệt, sau khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17-6 đã cấm đối với nhà đầu tư không chuyên mua bán trái phiếu DN phát hành riêng lẻ từ đầu năm 2021. Theo Bộ Tài chính, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu DN phát hành gặp khó khăn.

Tại Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu DN vừa được Chính phủ ban hành, nhiều quy định theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu DN.

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, nhìn nhận với các quy định tại Nghị định 81, Chính phủ đang khuyến khích nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức tham gia mua trái phiếu DN. Bởi nhà đầu tư chuyên nghiệp có khả năng thẩm định về tiềm năng của trái phiếu DN trước khi mua, trong khi không ít nhà đầu tư cá nhân thiếu cả dữ liệu, thông tin lẫn kinh nghiệm, khả năng phân tích tiềm lực của DN.

"Nhiều nhà đầu tư cá nhân chọn mua trái phiếu DN vì lãi suất cao nhưng nếu công ty phát hành hoạt động kém hiệu quả, yếu về tiềm lực tài chính, thậm chí phá sản, khi đó nhà đầu tư mất vốn" - TS Huỳnh Trung Minh nói.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần yêu cầu DN hoặc tổ chức phân phối cung cấp thông tin để đánh giá tình hình DN, hiệu quả của các dự án, khả năng trả nợ, năng lực ban lãnh đạo… Sau đó là chính sách cho sản phẩm trái phiếu như cam kết mua lại trước hạn (nếu có), các mức phí phải chịu. Cần lưu ý trong một số trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch của lãi suất.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần yêu cầu DN hoặc tổ chức phân phối cung cấp thông tin để đánh giá tình hình DN, hiệu quả của các dự án, khả năng trả nợ, năng lực ban lãnh đạo… Sau đó là chính sách cho sản phẩm trái phiếu như cam kết mua lại trước hạn (nếu có), các mức phí phải chịu. Cần lưu ý trong một số trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch của lãi suất.

Theo Thái Phương - Sơn Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên