MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng Mỹ – Iran liệu có lên đến kịch điểm?

08-01-2020 - 09:17 AM | Tài chính quốc tế

Nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, đưa ra những nhận định của ông về tình hình quan hệ Mỹ – Iran cũng như tác động của nó đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Gần đây tình hình Mỹ – Iran đang nóng lên với vụ việc đại sứ quán Mỹ và căn cứ quân sự Mỹ bị tấn công, Mỹ không kích đáp trả và ám sát một tướng cấp cao của Iran. Vụ việc tiềm ẩn khả năng tác động thế nào đến địa chính trị Trung Đông và thị trường năng lượng thế giới, những nội dung này được giải đáp trong bài phỏng vấn mà BizLIVE thực hiện với nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh.

Theo quan điểm của ông, tại sao Mỹ lại tiến hành không kích Iraq, và ám sát tướng Iran ở thời điểm này, có những toan tính chính trị, kinh tế nào đằng sau đó?

Mỹ và Iran đã căng thẳng từ lâu rồi và để hiểu được những gì đang diễn ra phải nhìn vào một cục diện rất dài và các bên có ý kiến rất khác nhau trong câu chuyện này. Từ dịp Giáng sinh năm 2019, lực lượng được coi là thân phía Iran tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraql,  rồi Mỹ trả đũa và lại đến những người thân Iran tràn vào sứ quán của Mỹ, câu chuyện một nhà thầu phía Mỹ bị chết, tất cả những câu chuyện đó tạo thành bối cảnh rất phức tạp.

Theo phía Mỹ, có những phương án được tính đến, như bắn phá cơ sở bên đã bắt rocket vào căn cứ quân sự của Mỹ, hay là có một số phương án khác, có cả phương án ám sát vị tướng bị mất mạng được cho là chuyên chỉ huy những hoạt động bạo lực ở bên ngoài. Phía Mỹ nói muốn trừng trị lại những kẻ gây ra hành động tổn hại đến Mỹ, nước Mỹ phải bảo vệ nước Mỹ.

Nhưng nhiều ý kiến rất khác. Không ít người nói đến việc hợp pháp hay không hợp pháp, xét theo luật pháp quốc tế, về việc hạ sát tướng lĩnh của một nước khác, trên một lãnh thổ của nước thứ ba, Iraq, mà chính phủ nước này không hề được tham vấn - Điều này có thể gây ra hệ lụy lớn về quan hệ quốc tế, cũng như làm gia tăng căng thẳng, tạo ra vòng xoáy bạo lực và tất cả các thứ.

Hai câu chuyện mà Mỹ hay cáo buộc Iran bao gồm về hạt nhân và bạo lực khủng bố ở bên ngoài. Nhưng chính Mỹ là người rút khỏi thỏa thuận hạt nhân cam kết với Iran, Mỹ đã xóa bỏ cái này đầu tiên. Còn Iran bác bỏ việc bị cáo buộc tài trợ khủng bố.

Rõ ràng, các bên khác nhau lắm và một loạt các diễn biến từ dịp nghỉ lễ Giáng sinh cho đến nay, càng làm phức tạp tình hình. Hai bên rất mất niềm tin vào nhau. Vì vậy, quan hệ Mỹ – Iran, nó là một câu chuyện rất dài, có cả yếu tố về kinh tế, yếu tố về văn hóa, tôn giáo.

Còn về thời điểm,  cũng có người nói rằng phải chăng Mỹ muốn phục vụ cho mục đích tranh cử, nhưng rõ ràng chưa đủ thông tin. Với câu chuyện này, cần phải lắng nghe nhiều phía và phải theo dõi thêm mới có thể kết luận được.

Điều chắc chắn là Iran đã và sẽ có phản ứng mạnh, lo ngại nhất là vòng xoáy bạo lực có thể gia tăng. Các nước nhìn chung đều quan ngại, dù rằng Mỹ đã có nhiều luận giải như vừa rồi. Các đồng minh của Mỹ, rồi cả nội bộ Mỹ có ý kiến khác nhau. Dù thế nào đi nữa, các nước đều cho rằng nhiệm vụ đầu tiên là phải làm sao hạ nhiệt, giảm căng thẳng.

Những căng thẳng hiện tại sẽ có thể gây ra những tác động như thế nào đến thị trường năng lượng, giá dầu thế giới?

Trước hết là về an ninh. Chắc chắn rằng vụ việc mà Mỹ đánh như thế chắc chắn gây ra nhiều rủi ro và nguy cơ an ninh, vòng xoáy bạo lực. Muốn nói gì, thì phía Iran cũng đã tuyên bố rằng sẽ phải có biện pháp trả đũa. Trong khoảng 1,2 ngày qua đã có những sự trả đũa, trong đó có việc đánh vào cơ sở của Mỹ ở Kenya. Tình hình diễn biến thế nào sẽ còn phụ thuộc vào các phản ứng tiếp theo của các bên, đó là câu chuyên khác.

Hiện nguy cơ chưa đến mức xảy ra ngay một cuộc chiến tranh giữa hai bên.Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Quốc phỏng Mỹ cũng khẳng định rằng họ trả đũa không phải để gây ra chiến tranh mà để ngăn chặn những hành vi bạo lực. Cũng có động thái khác từ cả phía phía Iran, cân nhắc không muốn đẩy quá cao căng thẳng. Các dự báo cho rằng, sẽ có các cuộc tấn công đơn lẻ, vào các cơ sở của Mỹ cà đồng minh Mỹ trong khu vực và có thể ngoài khu vực nữa.

Gia tăng căng thẳng Trung Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, như tác động đến thị trường năng lượng dầu, hay thông thương các tuyến hàng hải, trong đó có eo Hormuz, ngăn chặn, bắt giữ các tàu chở dầu. Những gì diễn ra trong quá khứ có thể trở thành bài học cho hiện tại. Những gì phía Mỹ đang làm sẽ càng làm cho bất ổn của khu vực và thế giới gia tăng.

Về dầu, nên nhìn vào cung - cầu, yếu tố lâu nay quyết định nhất đến giá dầu. Hiện nguồn cung là khá lớn và ổn định, dù có căng thẳng, như Arap Seut hay Mỹ là các cường quốc có sản xuất và dự trữ dầu lớn, có thể tác động, ổn định thị trường. Nếu các bên kiềm chế, chắc nguồn cung dầu, dù còn nhiều rủi ro, nhưng vào lúc này, sẽ không quá bị ảnh hưởng.

Mặt khác, kinh tế thế giới đang có xu hướng giảm tốc, kể cả từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, hay châu Âu. Như vậy, nhu cầu năng lượng sẽ không cao lên. Căn cứ tình hình cung cầu đó, có thể dự báo, tình hình dầu có thể có chao đảo lúc này lúc khác nhưng sẽ không có đột biến quá lớn. Trước mắt, tình hình về dầu có thể không quá bi quan.

Trong tuyên bố mới nhất, phía Iraq đã yêu cầu Mỹ rút quân nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bác bỏ khả năng rút quân. Ông có dự báo gì cho động thái sắp tới từ các bên bao gồm Mỹ, Iran và Iraq?

Câu chuyện ở đây rất dài, can thiệp của Mỹ đã từ đầu những năm 2000 khi cuộc chiến Iraq mới xảy ra. Nay vụ tấn công của Mỹ xảy ra trên lãnh thổ Iraq, mà không tham vấn gì họ, thì không khó hiểu tại sao phía Iraq phản ứng rất mạnh, trong đó có việc quốc hội Iraq thông qua yêu cầu Mỹ và đồng minh rút quân đội khỏi lãnh thổ Iraq.

Đó là phản ứng rất mạnh. Nhưng việc quản Mỹ sẽ rút và phải rút ngay hay chưa, còn phải xem xét từ nhiều góc độ và nắm thêm tình hình. Thứ nhất, quyết định quốc hội Iraq có ràng buộc không, báo chí nói rằng đó chỉ mang tính khuyến nghị. Nếu vậy, thì còn phải chờ xem chính phủ Iraq sẽ xử lý câu chuyện này ra thế nào.

Mặt khác, giữa Mỹ và Iraq chắc phải có thỏa thuận, quy chế đặc biệt về sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Iraq. Vậy thì hai bên dù có hay không, hẳn cũng sẽ phải thương lượng lại với nhau. Bây giờ hai bên đang đối đầu nhau, một bên nói phải rút, một bên nói rằng chúng tôi đến đây bao nhiêu năm, đầu tư bao nhiêu thứ, đổ bao nhiêu tiền của, để bảo vệ Iraq, thậm chí Mỹ còn dọa trừng phạt nếu bị buộc phải rút ngay.

Do vậy, không khí chính trị là căng và phức tạp, nhưng lực lượng quân sự Mỹ và nước ngoài tại Iraq có rút ngay hay không sẽ phải theo dõi thêm, sẽ còn là câu chuyện mà hai bên thương lượng tiếp với nhau.

Xin cám ơn ông về những chia sẻ!


Theo Ngọc Diệp

BizLive

Trở lên trên