MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật - Hàn leo lên một nấc thang mới, thị trường chứng khoán châu Á, tiền tệ và dầu bắt đầu rung lắc

02-08-2019 - 11:43 AM | Tài chính quốc tế

Sau động thái áp thuế bất ngờ từ phía Mỹ và Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng, thị trường châu Á chìm trong sắc đỏ.

Thị trường chứng khoán

Chứng khoán châu Á diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, sau khi Mỹ bất ngờ thông báo sẽ áp thuế với 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc - động thái đẩy căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm từ ngay đầu phiên: Shanghai Composite giảm 1,58%, Shenzhen Component sụt 2,36% và Shenzen Composite mất 2,125%. Ở Hong Kong, Hang Seng Index giảm 2,28%, trong đó cổ phiếu Tencent mất tới 2,86%.

Tại Nhật Bản, Nikkei 225 "bay" 2,13% trong phiên giao dịch buổi sáng, cổ phiếu của nhà sản xuất robot Fanuc có mức vốn hoá lớn sụt 3,62%. Topix cũng giảm 1,93%. Sang thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi lùi 1,06%.

S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,53%. Ngoài ra, tăng trưởng doanh số bán lẻ của quốc gia này đạt tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng vào tháng 6, theo Reuters. Chỉ số MSCI Asia (không tính Nhật Bản) mất 1,45%.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Thông báo này được đưa ra sau khi 2 quốc gia kết thúc vòng đàm phán của tuần này, các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tái khởi đọng ở Washington vào đầu tháng 9.

Trước đó, ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được thoả thuận ngừng bắn tại Osaka, Nhật Bản sau khi các cuộc đàm phán hồi tháng 5 đi vào tình trạng bế tắc - nguyên nhân thúc đẩy ông Trump áp thuế với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc.

Tapas Strickland, nhà kinh tế tại National Australia Bank, cho hay: "Không rõ nguyên nhân của động thái áp thuế mới này đến từ đâu. Dù lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng dường như ông Trump vẫn quyết tâm trừng phạt, hy vọng Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực và chấp nhận những yêu cầu của Mỹ."

Chuyên gia giải thích rằng với kịch bản này thì "không có cách nào để Trung Quốc có thể xoay chuyển mà không bị 'mất mặt', vì mọi thứ đi ngược lại với yêu cầu lốt lõi của Trung Quốc về việc loại bỏ thuế quan. Có thể rằng Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách tăng cường những hàng rào phi thuế quan, cũng như tung các gói kích thích để tránh những 'cơn gió ngược chiều'."

Nhật Bản loại bỏ Hàn Quốc khỏi 'danh sách trắng'

Tại châu Á, nội các Nhật Bản đã thông qua kế hoạch loại bỏ Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" - các quốc gia được hưởng đặc quyền thương mại với Tokyo. Động thái này được đưa ra sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu 3 loại nguyên vật liệu công nghệ cao quan trọng sang Hàn Quốc hồi tháng trước.

Nhật Bản cho biết biện pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Nước này chỉ ra rằng Seoul kiểm soát xuất khẩu không hiệu quả cũng như lòng tin đã bị ảnh hưởng nặng nề, sau khi toà án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người lao động bị cưỡng bức ở thời chiến.

Về phần mình, Hàn Quốc trước đây cũng cảnh báo rằng hợp tác an ninh với Nhật Bản có thể bị phá vỡ nếu họ loại nước này ra khỏi danh sách trắng. Quốc gia này vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu các bộ phận và vật liệu trung gian của Nhật Bản, đặc biệt là linh kiện điện tử và các sản phẩm hóa học, trong ngành sản xuất.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip lớn ở Hàn Quốc đã giảm: Samsung giảm 0,44% và SK Hynix giảm 2,7%. Cổ phiếu ngành sản xuất cũng có diễn biến tương tự: Nhà sản xuất thép Posco giảm 2,46%, Samsung Heavy Industries giảm 1,97%, Hyundai Steel giảm 1,71% và Lotte Chemical giảm 1,3%.

Thị trường tiền tệ và dầu

Chỉ số USD Mỹ dao động quanh mức 98.306 sau khi giảm từ mức trên 98,5 ngày hôm qua. Đồng yen Nhật Bản, được coi là một "hầm trú ẩn" an toàn, đã chứng kiến ​​mức tăng mạnh so với đồng USD từ mức 109,2 ngày hôm qua. Hiện dao dịch quanh mức 107,05. Trong khi đó, AUD giao dịch trao tay ở mức 0,6800/USD sau khi giảm từ mức trên 0,684 trong phiên trước đó.

Trong bối cảnh bất ổn thương mại, giá dầu đã chứng kiến ​​sự sụt giảm lớn nhất trong 4 năm vào thứ Năm, với hợp đồng tương lai dầu thô Mỹ giảm 7,9% xuống còn 53,95 USD/thùng. Dầu thô Brent cũng chứng kiến ​​ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2016, giảm hơn 6% xuống còn 60,67 USD/thùng.

Giá dầu chật vật để phục hồi vào sáng thứ Sáu trong giờ giao dịch châu Á, với dầu thô Brent tăng 1,79% lên 61,58 USD/thùng và dầu thô Mỹ tăng 1,48% lên 54,75 USD.

Hương Giang

CNBC

Trở lên trên