Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Nông sản Việt xuất khẩu có ảnh hưởng?
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục diễn ra, hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động, trong đó, hàng rào kỹ thuật nguồn gốc xuất xứ sẽ bị soi.
- 22-06-2018Chữa “bệnh” bí đầu ra của nông sản Việt
- 20-06-2018Nông sản Việt vào Hàn Quốc phải kiểm tra 370 loại thuốc bảo vệ thực vật
- 13-06-2018Thị trường hàng hóa ngày 13/6: Dầu, vàng đi xuống trong khi nông sản, cao su và thép tăng giá đồng loạt
Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để xuất đi Mỹ?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho rằng, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc căng thẳng kéo dài, có thể các doanh nghiệp (DN) gỗ Trung Quốc sẽ chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam dưới dạng FDI, lấy xuất xứ để xuất sang Mỹ.
Theo ông Quyền, lâu nay, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Mỹ trong ngành hàng gỗ rất tốt. Hiện Việt Nam nhập khẩu một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ Mỹ và có xu hướng tăng lên. Chưa kể, nếu sử dụng gỗ nguyên liệu của Mỹ, sau đó, sản xuất và xuất đồ gỗ sang Mỹ sẽ không bị đánh thuế. Gỗ Mỹ thường có chất lượng tốt, chủ yếu gỗ rừng trồng, giá cả cũng phải chăng, phù hợp để làm các sản phẩm tiêu dùng nội địa.
Bước đầu, trong số khoảng 800 mặt hàng mà Mỹ soi xét để đánh thuế cao từ Trung Quốc, thì chưa có gỗ. Về thị trường Trung Quốc, ông Quyền cho hay, nhiều DN Việt Nam cũng muốn hạn chế xuất gỗ Việt Nam sang thị trường này, bởi họ toàn sản phẩm thô, như: dăm mảnh, gỗ bóc, tấm gỗ xẻ thô nhỏ…
Lãnh đạo Vietfores lo ngại, khi có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra, liệu Trung Quốc có chuyển tải hàng gỗ ở Trung Quốc sang Việt Nam dưới dạng FDI hay không, nhằm lấy xuất xứ hàng hóa ở Việt Nam từ đó xuất đi Mỹ. “Chúng tôi thấy có tín hiệu này và đang theo dõi sát”- ông Quyền nói.
Trong khi đó, với lĩnh vực thủy sản, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trước mắt, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chưa có ảnh hưởng với thủy sản của Việt Nam.
“Hiện nhu cầu tiêu thụ thủy sản đều tăng và xu hướng là sẽ chọn sản phẩm của quốc gia có khả năng chế biến và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Và vì thế, Việt Nam là một lợi thế. Đặc biệt, với Mỹ, thủy sản Việt Nam có một vị thế nhất định với người tiêu dùng của Mỹ”- ông Hòe nói.
Hàng rào kỹ thuật sẽ gắt hơn
Về các mặt hàng nông sản khác, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty CP Vinamit cho rằng, cuộc chiến Mỹ -Trung về thương mại sẽ dẫn đến việc áp đặt các hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn.
“Chắc chắn Việt Nam là một vùng đệm nhạy cảm. Cả hai bên đều nghi ngờ nhau và họ sẽ đặt những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này”, ông Viên nói.
Ông Viên cho biết, lâu nay, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất vào Trung Quốc không cần CO, tuy nhiên, bây giờ họ yêu cầu quả xoài, trái mít... xuất xứ cụ thể từ vùng nào ở Việt Nam. Vì thế, nếu Vinamit mà xuất bánh yến mạch sang Trung Quốc chắc chắn sẽ bị “rớt”, vì họ không tin Việt Nam có yến mạch, mà nghi ngờ ngay là nhập từ Mỹ, nên sẽ soi kỹ hơn về xuất xứ. Ở chiều ngược lại, phía Mỹ họ cũng có những nghi ngờ với những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chẳng hạn, như khoai tây, khoai lang, khoai môn, dứa... chắc chắn sẽ phải bị “gác” về nguồn gốc kỹ hơn.
“Nếu không có những mặt hàng có nguồn xuất xứ từ Mỹ hoặc Trung Quốc để bán sang một trong hai nước trên, mà ở đó Việt Nam là trung gian thì mình không có gì phải ngại. Còn nếu đã dùng nguồn hàng Trung Quốc để xuất sang Mỹ và ngược lại sẽ rơi vào tình trạng “năm ăn- năm thua”- ông Viên nói.
Tiền phong