MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Canh bạc của tổng thống Hàn Quốc

28-09-2018 - 10:14 AM | Tài chính quốc tế

Nếu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cải thiện quan hệ với Triều Tiên mà thiếu đi sự tiến triển trong phi hạt nhân hóa, quan hệ giữa Seoul và Washington sẽ rạn nứt

Hãy thử đặt bản thân vào vị trí tổng thống Hàn Quốc. Đất nước bạn phụ thuộc vào liên minh với Mỹ để chống lại quốc gia láng giềng Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích nước bạn về vấn đề thương mại, dọa tấn công Triều Tiên trong gần cả năm và thậm chí được cho là đã soạn thảo một thông điệp Twitter có nội dung ra lệnh rút về nước người thân của binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc - động thái có thể bị hiểu là khúc dạo đầu cho chiến tranh.

Bạn sẽ làm gì? Hẳn là phải xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên càng nhanh càng tốt và nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Đó chính xác là những gì thế giới đã chứng kiến hồi tuần rồi trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 của năm nay giữa Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng. Sứ mệnh này coi như đã hoàn thành, ít nhất là cho đến thời điểm này. Tại cuộc gặp mới nhất, 2 nhà lãnh đạo thông báo đạt được một loạt thỏa thuận, từ giảm thiểu căng thẳng quân sự tới thực hiện nhiều cuộc đoàn tụ gia đình hơn. Đồng thời, ông Kim đồng ý thăm Hàn Quốc, qua đó có thể trở thành lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên làm điều này. Những bước đi nói trên có khả năng giảm nguy cơ xung đột và duy trì đà ngoại giao hiện nay.

Tuy nhiên, điều kém chắc chắn hơn là tiến triển trong việc giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên. "Triều Tiên bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục thực hiện thêm các biện pháp, như tháo dỡ vĩnh viễn các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon khi Mỹ thực hiện các biện pháp tương ứng theo tinh thần của Tuyên bố chung Mỹ - Triều ngày 12-6". Hiện vẫn chưa rõ "các biện pháp tương ứng" mà Mỹ sẽ phải thực hiện là gì.

Trong khi Washington lo ngại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc phải sống ngay kế bên Triều Tiên và nhiều người ở đó muốn quan hệ liên Triều cải thiện bất kể vấn đề hạt nhân tiến triển ra sao. Vậy nên, ông Moon đang đánh cược. Nếu ông cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng mà không đạt được tiến bộ cụ thể nào về vấn đề hạt nhân, quan hệ Seoul - Washington có thể rạn nứt nghiêm trọng.

Trung Quốc sẽ ủng hộ Hàn Quốc gắn kết với Triều Tiên, khoét rộng hơn rạn nứt giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nhật Bản sẽ thêm lo lắng vì mối đe dọa từ Triều Tiên và sự phản đối của Tokyo đối với biện pháp ngoại giao có thể đẩy Tokyo và Seoul - hai đồng minh của Washington – ra xa nhau hơn.

Tổng thống Moon nhận ra rằng hóa giải căng thẳng với Triều Tiên sẽ chỉ tiến xa nếu không quá chú trọng tới tiến triển về phi hạt nhân hóa, như những gì đã thể hiện các vòng đàm phán ngoại giao Triều - Hàn vừa qua. Có điều liên minh vững mạnh với Mỹ và tiến triển về phi hạt nhân hóa đều cần thiết để duy trì sự ủng hộ của công luận đối với chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, cũng như là đòn bẩy cần thiết để có được những nhượng bộ từ ông Kim.

Canh bạc của tổng thống Hàn Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 của năm nay Ảnh: AP

Dù chưa hoàn hảo, nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc nên được Mỹ ủng hộ. Việc Washington kề vai sát cánh với ông Moon sẽ khiến Triều Tiên và Trung Quốc không có cơ hội khoét rộng rạn nứt giữa liên minh Mỹ - Hàn, đồng thời duy trì cơ hội đạt đột phá ngoại giao. Và sẽ không có cách tiếp cận nào với Triều Tiên - thỏa hiệp ngoại giao hay duy trì răn đe - có thể thành công mà không có sự đoàn kết giữa Seoul và Washington.

Mỹ nên ủng hộ nỗ lực ngoại giao Hàn - Triều bằng cách tán thành tuyên bố không ràng buộc về chấm dứt chiến tranh Triều Tiên - điều đang được cả Bình Nhưỡng và Seoul thúc đẩy và là điều ông Trump đã hứa với nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore. Đổi lấy bước đi này là việc đóng cửa cơ sở hạt nhân có thể kiểm chứng được mà ông Kim đặt trên bàn tại cuộc gặp Tổng thống Moon. Đây sẽ là một bước đi quan trọng mà cả hai bên có thể thúc đẩy.

Trong khi ý định của ông Kim vẫn chưa lộ rõ, câu hỏi chủ chốt ở đây là liệu Mỹ có khả năng thúc đẩy giải pháp ngoại giao hay không. Dù ông Trump chính là người đưa Mỹ vào con đường ngoại giao với Triều Tiên trước tiên, ông không có khả năng tận dụng các cuộc đàm phán ngoại giao phức tạp và dường như chỉ quan tâm tới thành công bề ngoài.

Tổng thống Trump cũng không thể theo đuổi một chiến lược nhất quán. Sau một năm đe dọa chiến tranh, ông thông báo cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, rồi hủy cuộc gặp trong cơn giận dữ và nối lại nó vài ngày sau đó khi ông Moon ra sức vun vén.

Gần đây, Tổng thống Trump một lần nữa lại hủy ngang chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng chỉ vài giờ sau khi chuyến đi được thông báo hồi tháng 9. Tình hình càng thêm phức tạp khi các cố vấn có lập trường cứng rắn của ông Trump, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, đều không ủng hộ các cuộc gặp này.

Tiến trình ngoại giao với Triều Tiên luôn chất chứa nhiều rủi ro. Chính phủ Hàn Quốc có thể không được thực tế cho lắm về những gì có thể đạt được gì thông qua ngoại giao. Cái giá mà Triều Tiên đòi hỏi để đạt tiến triển có thể quá cao và chính quyền Mỹ chưa được chuẩn bị thấu đáo để thành công trong vòng ngoại giao này. Thế nhưng, những cơ hội ngoại giao như vậy rất hiếm và nếu không có một liên minh Mỹ - Hàn khỏe mạnh, sẽ không có cách nào đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.

Mỹ phải cho hòa bình một cơ hội và điều đó cũng có nghĩa là cho ông Moon một cơ hội.

(lược dịch theo báo The Guardian)

Theo Đỗ Quyên

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên