MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo tình trạng sử dụng giấy tờ giả mua hàng trả góp

08-08-2017 - 20:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua hàng trả góp.

Đối tượng phạm tội hầu hết là những kẻ có tiền án, tiền sự, không có công ăn, việc làm... đã lợi dụng sự sơ hở, thiếu giám sát, quản lý của các công ty tài chính, các cửa hàng, siêu thị kinh doanh dưới hình thức trả góp, đơn giản về thủ tục thế chấp, người mua chỉ cần một chiếc chứng minh nhân dân và hai số điện thoại) là việc thiếu kiểm tra thông tin để mua các loại hàng hóa có giá trị cao như điện thoại di động, máy tính, xe máy... rồi chiếm đoạt.

Vụ án vừa được TAND tỉnh Hà Nam đưa ra xét xử cách đây không lâu, phần nào cho thấy sự dễ dãi của các cơ sở kinh doanh hàng trả góp hiện nay. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này là Nguyễn Ngọc Thanh (46 tuổi, trú tại phường Quang Trung, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), có một tiền án về hành vi cố ý gây thương tích, 3 tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản.

Tháng 10-2016, Thanh nhặt được giấy CMND mang tên Chu Thể Tam (trú tại Bến Đục, Hương Sơn, Mỹ Đức, TP Hà Nội) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.

Do trước đó, Thanh từng vay vốn của của Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam để mua hàng trả góp tại TP Phủ Lý nên anh ta biết được các công ty tài chính cho vay vốn mua hàng trả góp thủ tục đơn giản và có nhiều sơ hở.

Vì vậy, sau khi nhặt được giấy chứng minh nhân dân trên, Thanh nảy ý định dùng giấy tờ này để thực hiện hành vi lừa đảo. Thanh bóc ảnh của Chu Thể Tam và dán ảnh của anh ta vào chứng minh thư này.

Đối tượng Lại Thị Loan.

Đối tượng Lại Thị Loan.

Ngày 6-2, Thanh lấy được giấy phép lái xe mang tên Tam. Để che đậy hành vi phạm tội, đối tượng còn chuẩn bị các sim điện thoại khác nhau, lắp vào máy điện thoại Samsung S5 và điện thoại OPPO của Thanh.

Với thủ đoạn này, khi nhân viên của các công ty tài chính liên lạc, Thanh cung cấp cho họ số điện thoại anh ta dùng hằng ngày và các số điện thoại là người thân trong gia đình Thanh để làm hợp đồng vay vốn. Từ ngày 10-2 đến ngày 18-2, Thanh đã lừa đảo, chiếm đoạt của 3 công ty tài chính trên địa bàn tỉnh Hà Nam với số tiền gần 30 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: Ngoài thủ đoạn trên, thời gian gần đây Công an tỉnh Hưng Yên cũng điều tra, làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua hàng trả góp cũng rất tinh vi.

Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thanh Hương (31 tuổi, ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Hoàng Thị Dung (27 tuổi, ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, cuối năm 2015, lợi dụng nhu cầu vay vốn của nhiều cá nhân, Hương mở hiệu cầm đồ cho vay lãi ngày với lãi suất cao tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Những người có nhu cầu vay tiền, đối tượng này yêu cầu họ mang chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu gốc để làm thủ tục mua xe SH dưới hình thức trả góp tại cửa hàng Honda Hợp Thành, ngã tư Phố Nối, huyện Mỹ Hào.

Sau đó, Hương cấu kết với Hoàng Thị Dung, nhân viên tư vấn tín dụng của ngân hàng lập hồ sơ khống, để ngân hàng giải ngân cho vay tiền. Toàn bộ thủ tục mua xe trả góp, đối tượng Hương đứng ra làm và trả trước 30% số tiền, 70% số tiền còn lại, người vay phải trả. Sau khi đã hoàn thành thủ tục mua xe trả góp, đối tượng này đã hợp thức hóa hóa đơn của chiếc xe đứng tên mình rồi mang bán để lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên đã làm rõ đối tượng Hương lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 10 chiếc xe SH, với trị giá lên đến gần 500 triệu đồng. Trong những vụ án này, ngoài thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội còn phải kể đến sự buông lỏng quản lý của các công ty tài chính. Như đã nói ở trên, các thủ tục tài chính rất đơn giản, chỉ một chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe...

Trong khi đó, nhân viên các cơ sở bằng mắt thường không thể phát hiện được đâu là CMND thật, đâu là giả. Vì thế, các đối tượng đã lợi dụng sổ hộ khẩu và chứng minh thư của người khác để dán ảnh của người khác vào đó. Rất nhiều trường hợp, các thông tin trên chứng minh và hộ khẩu không trùng khớp nhau song vì doanh số bán hàng, các nhân viên đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua...

Cá biệt, một số đối tượng còn liều lĩnh đóng giả là người có tên trong chứng minh để thực hiện việc vay vốn, mua hàng trả góp nhằm chiếm đoạt tài sản của các công ty như trường hợp của Lại Thị Loan (27 tuổi, ở tại tổ 7, phường Quang Trung, TP Phủ Lý, Hà Nam) đã mạo danh chị Lê Thị Bình Minh ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để thực hiện hành vi phạm tội.

Để hạn chế các vụ việc như trên, các công ty kinh doanh tài chính, hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại kinh doanh dưới hình thức bán trả góp cần nâng cao tinh thần cảnh giác.

Với các hồ sơ xin mua hàng dưới hình thức trả góp, cần phải kiểm tra thông tin một cách kỹ lưỡng... Trong trường hợp nghi ngờ cần phải phối hợp với cơ quan Công an nơi gần nhất để thông báo sự việc. Cùng với đó, các đơn vị kinh doanh cần công khai phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng để cùng nhau tự phòng ngừa, tự bảo vệ.

Theo Xuân Mai

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên