MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh giác: Đây là 3 ‘rủi ro’ lớn nhất mà các doanh nghiệp tại nền kinh tế số 1 thế giới phải đương đầu trong năm 2024, thế giới liệu có bị ảnh hưởng?

15-01-2024 - 10:30 AM | Tài chính quốc tế

Cảnh giác: Đây là 3 ‘rủi ro’ lớn nhất mà các doanh nghiệp tại nền kinh tế số 1 thế giới phải đương đầu trong năm 2024, thế giới liệu có bị ảnh hưởng?

Các doanh nghiệp Mỹ đang bắt đầu năm 2024 với sự lạc quan nhưng còn thận trọng vì có thể vẫn còn nhiều rủi ro phía trước.

Năm 2023, nền kinh tế Mỹ đã tránh được suy thoái kinh tế và thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt một cách ổn định trong suốt năm qua. Người Mỹ tiếp tục chi tiêu, giúp các nhà cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ và đơn vị sản xuất tiếp tục duy trì hoạt động.

Khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm ngoái - điều khiến các nhà kinh tế và nhà đầu tư có phần bối rối - có thể vẫn sẽ tồn tại. Hiện có nhiều khả năng lạm phát có thể quay trở về mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh - một kỳ tích hiếm có được gọi là "hạ cánh mềm". Fed cũng được cho là sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp có nhiều cơ sở để lạc quan thì bức tranh toàn cảnh vẫn tồn tại một số vấn đề.

Tuần trước, các cuộc khảo sát từ Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia Mỹ (NFIB), tổ chức lớn nhất tại Mỹ đang bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và The Conference Board đã nêu chi tiết những rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp hiện đang lo lắng.

Dưới đây là một số rủi ro hàng đầu đối với các doanh nghiệp Mỹ trong năm 2024, CNN đưa tin .

Đối với những doanh nghiệp mới thành lập, nguy cơ suy thoái vẫn rình rập và có thể đem tới nhiều “vật cản”.

Conference Board đã công bố một cuộc khảo sát với hơn 1.200 giám đốc điều hành vào thứ tư và liệt kê suy thoái kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của họ. Kết quả cho thấy 37% giám đốc điều hành tại Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc suy thoái trong năm tới.

Nền kinh tế chắc chắn đang phải đối mặt với một số cơn gió ngược: Người Mỹ đang nợ nần chồng chất khi họ tiếp tục dùng khoản tiền tiết kiệm sau đại dịch trong khi các ngân hàng đang thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay của họ.

Một số nhà kinh tế và nhà đầu tư vẫn cho rằng suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong năm nay, trong khi những người khác thì không.

Theo khảo sát của The Conference Board, mối quan tâm lớn thứ hai của các nhà điều hành doanh nghiệp là lạm phát .

Kể từ khi bùng nổ gần ba năm trước, lạm phát nay đã hạ nhiệt đáng kể nhưng nó vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed - và hơn bất cứ điều gì mà người Mỹ đã quen trước đại dịch.

Nhà kinh tế trưởng Dana Peterson của The Conference Board cho biết: “Mặc dù các thước đo lạm phát đã chậm lại nhưng mức giá vẫn cao hơn nhiều so với mức mà nhiều công ty quen thuộc. Nhiều công ty cũng vẫn đang phải chịu áp lực tăng lương do thiếu lao động ở một số ngành”.

Cuộc khảo sát tháng 12 của NFIB đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng chỉ ra lạm phát quay trở lại là vấn đề đáng lo hàng đầu trên Main Street.

Nhà kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB cho biết trong một thông cáo: “Lạm phát và chất lượng lao động luôn là một vấn đề phức tạp, khó khăn đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ và họ không tin rằng tình hình sẽ tốt hơn trong năm 2024”.

Theo các cuộc khảo sát hàng tháng của NFIB, tâm lý của các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ vẫn ở mức ảm đạm, mặc dù lạm phát đã chậm lại đáng kể trong năm qua. Chỉ số lạc quan của cuộc khảo sát đứng ở mức 91,9 trong tháng 12, “đánh dấu tháng thứ 24 liên tiếp dưới mức trung bình 50 năm là 98”.

Một rủi ro khác đối với doanh nghiệp vào năm 2024 là lãi suất . Mặc dù Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay nhưng lãi suất sẽ không quay trở lại mức gần 0.

Các dự báo kinh tế mới nhất của các quan chức Fed công bố vào tháng trước cho thấy rằng họ kỳ vọng lãi suất về lâu dài sẽ ổn định ở mức dưới 3%. Mặc dù tỷ lệ này giảm so với mức phạm vi 5,25-5,5% hiện tại, mức cao nhất trong 23 năm, nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ gần như bằng 0 trong những ngày đầu của đại dịch mà Fed đã giảm để giữ cho nền kinh tế đứng vững.

Điều đó có thể trở thành một vấn đề khi các công ty vay vốn kinh doanh vào năm 2020 cần tái cấp vốn, điều này có thể xảy ra ngay trong năm nay đối với nhiều công ty.

Nhà kinh tế Peterson nói: “Nếu bạn có một loạt công ty có số nợ khổng lồ sắp đến hạn và phải tái cấp vốn với lãi suất cao hơn đáng kể, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ vỡ nợ”.

"Điều đó chắc chắn sẽ tác động trở lại thông qua thị trường tài chính, các tổ chức cho họ vay tiền hay các nhà đầu tư. Những căng thẳng tài chính đó có thể làm giảm sự sẵn sàng cho vay của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp khác và cả người tiêu dùng", bà nhận định.

Đặc biệt, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính sách kinh tế được Mỹ thực hiện chắc chắn sẽ có phần nào tác động đến thị trường toàn cầu. Ví dụ, việc tăng lãi suất của FED có thể gây hiệu ứng dây chuyền trên khắp phần còn lại của thế giới.

Ngoài ra thị trường cần chú ý một số sự kiện kinh tế tài chính trong tuần này :

Thứ 2:

- Các thị trường ở Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Martin Luther King Jr

Thứ 3:

- Báo cáo thu nhập từ Morgan Stanley và Goldman Sachs

- Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu tháng 12 về sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định, tỷ lệ thất nghiệp và tổng sản phẩm quốc nội quý IV.

Thứ 4:

- Báo cáo thu nhập Alcoa

- Dữ liệu lạm phát tháng 12 tại Anh

- Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu tháng 12 gồm doanh số bán lẻ và dữ liệu tháng 11 về hàng tồn kho kinh doanh.

- Báo cáo giá xuất nhập khẩu tháng 12 của Mỹ và số liệu về sản xuất công nghiệp

Thứ 5:

- Bộ Thương mại Mỹ báo cáo việc khởi công xây dựng nhà ở và giấy phép xây dựng trong tháng 12

- Số lượng đơn xin hỗ trợ thất nghiệp mới trong tuần kết thúc vào ngày 13/1 tại Mỹ

- Nhật Bản công bố dữ liệu lạm phát tháng 12

Thứ 6

- Báo cáo thu nhập PPG

- Đại học Michigan công bố cuộc khảo sát sơ bộ về niềm tin người tiêu dùng tháng 1/2024.

- Hiệp hội môi giới bất động sản Mỹ báo cáo doanh số bán nhà hiện có trong tháng 12.

Tham khảo CNN

Bạch Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên