MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cánh tay phải" của ông Tập Cận Bình: Trung Quốc không thể phát triển một mình

17-11-2021 - 11:37 AM | Tài chính quốc tế

"Cánh tay phải" của ông Tập Cận Bình: Trung Quốc không thể phát triển một mình

Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người vẫn được truyền thông phương Tây mô tả là "cánh tay phải" của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhấn mạnh Trung Quốc không thể phát triển biệt lập với thế giới.

Ông Vương Kỳ Sơn cho biết Trung Quốc và thế giới phải hợp tác cùng nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhân vật số 2 ở Trung Quốc cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm nhiều quốc gia đang nâng cao các rào cả trước lo ngại về an ninh quốc gia.

"Trung Quốc không thể phát triển trong sự cô lập với thế giới và thế giới cũng không thể phát triển nếu không có Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không lung lay trong quyết tâm cải cách sâu rộng và mở cửa", ông Vương Kỳ Sơn nói tại Diễn đàn Kinh tế mới của Bloomberg ở Singapore.

"Trong tương lai, Trung Quốc sẽ mở rộng vòng tay của mình, mang lại nhiều cơ hội đầu tư và tăng trường hơn cho thế giới. Chúng tôi muốn đóng góp phần nào của mình vào việc xây dựng một nền kinh tế thế giới cao cả và một cộng đồng vì tương lai chung của nhân loại", ông Vương nhấn mạnh.

Những tuyên bố của ông Vương Kỳ Sơn được đưa ra một ngày sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kết quả, nhìn chung là khả quan khi hai bên đồng ý tiếp tục trao đổi về nhiều chủ đề ngay cả khi họ đối đầu với các vấn đề khác.

Ông Vương nói rằng mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc tác động đến "tương lai thế giới" và cho biết đôi bên nên "hành động dựa trên những hiểu biết chung quan trọng đạt được giữa 2 nhà lãnh đạo với trọng tâm là hợp tác, quản lý và kiểm soát những khác biệt.

Trong những năm gần đây, Mỹ và một số đồng minh của họ đã đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với đầu tư của Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia. Cùng với đó, phương Tây cũng hạn chế xuất khẩu các công nghệ tiên tiến tới Trung Quốc.

Những động thái đó, cùng với sự thiếu hụt chất bán dẫn, đã thúc đẩy giới chức Trung Quốc tìm kiếm những đột phá về công nghệ để đảm bảo nước này không phụ thuộc vào phương Tây, nhất là khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang nỗ lực thống trị các ngành công nghiệp quan trọng đối với tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên