MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc do Nhà nước đầu tư: Đề xuất thu phí cao sẽ gây hệ lụy xấu

Nhiều người dân và chuyên gia tiếp tục bày tỏ lo ngại rằng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí.

Thu phí cao tốc đầu tư công là câu chuyện được đưa ra suốt nhiều năm qua, thế nhưng thu như thế nào và có nên hay không vẫn chưa có lời giải. Gần đây, trong dự thảo Luật Đường bộ đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư. Thậm chí, văn bản của Cục Đường bộ Việt Nam gửi Bộ GTVT đề xuất thu phí cho rằng, tất cả đường cao tốc do Nhà nước đầu tư Quốc hội nên ban hành nghị quyết để thu phí. Trước ý kiến của Bộ GTVT về thu phí, người dân và doanh nghiệp bày tỏ ý kiến lo lắng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ GTVT cho biết, đề xuất thu phí đường bộ do Nhà nước đầu tư là để thu hồi vốn và tái đầu tư vào phát triển chung. Còn việc thu phí bảo trì đường bộ để làm công tác duy tu bảo trì. Hai loại phí này hoàn toàn khác nhau.


Anh Nguyễn Minh, một tài xế chia sẻ, bản thân anh đã đóng phí đường bộ và giờ thu thêm phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là không phù hợp. Theo anh Minh, nếu thu phí cao tốc phải bỏ phí bảo trì đường bộ và phải sử dụng hệ thống thu phí không dừng tự động mới tạo ra sự minh bạch, công bằng.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hữu Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt cho rằng: “Nếu Nhà nước thu phí cao tốc được đầu tư từ ngân sách thì nên bỏ thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện đi. Bởi thu thêm phí sử dụng dịch vụ cao tốc tại các trạm thu phí sẽ khiến phí chồng phí”.

Cao tốc do Nhà nước đầu tư: Đề xuất thu phí cao sẽ gây hệ lụy xấu - Ảnh 2.

Đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư được lắp sẵn biển trạm thu phí. Ảnh: Lê Hữu Việt

Theo ông Bằng, nếu thu thêm phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ khiến chi phí vận tải tăng, tác động vào giá hàng hóa, dịch vụ. 2 năm COVID-19 xảy ra, ngành vận tải đến nay vẫn chưa hồi phục. Giờ đây thêm việc thu phí nữa sẽ dẫn đến doanh nghiệp kiệt quệ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả phân tích: Ngân sách xây cao tốc do người dân đóng góp thông qua nộp thuế, phí và lệ phí. Hiện ô tô lưu hành, chủ xe phải đóng phí bảo trì đường bộ, nếu thu phí cao tốc sẽ gây phí chồng phí. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc thu này sẽ gây khó cho doanh nghiệp và người dân.

“Bộ GTVT muốn đưa việc thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách vào luật nhưng luật phải chờ Quốc hội phê duyệt. Vì vậy, việc đề xuất Quốc hội đưa ra nghị quyết là để tiến trình thu phí nhanh hơn. Tuy nhiên, lý lẽ của Bộ GTVT đưa ra không thuyết phục khi cho rằng, trên thế giới nhiều nước cũng thu. Tuy nhiên, các nước phát triển không thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư. Hiện, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ áp dụng thu ở một số tuyến. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam thấp nên việc thu phí sẽ tạo gánh nặng”, ông Long nói và chia sẻ thêm, hiện nay, chỉ số CPI 4 quý thấp, để khoan thư sức dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Nhà nước phải dùng công cụ thuế - giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Vậy mà Bộ GTVT lại đề xuất làm ngược lại.

“Nhà nước sử dụng thuế để làm đường, giờ lại tiếp tục thu phí cao tốc là chưa hợp lý. Việc thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng có thể làm phát sinh các chi phí khác kèm theo và khiến giá hàng hóa tăng theo”, ông Long nói và cho biết thêm, nếu thiếu nguồn để bảo trì đường bộ và đầu tư cao tốc mới thì cần xem lại việc sử dụng ngân sách đã hiệu quả hay chưa. Ngành giao thông cần có cơ chế thu hút đầu tư cao tốc theo hình thức xã hội hóa.

Thu phí để làm những gì?

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay pháp luật chỉ quy định thu phí sử dụng đường bộ (thu theo đầu ô tô hằng năm để bảo trì đường bộ) qua cơ chế phí và thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án BOT bằng cơ chế giá. Phạm vi áp dụng phí sử dụng đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách là tất cả đường cao tốc do Nhà nước đầu tư có đường song hành.

Cục Đường bộ chưa đề xuất mức phí cụ thể và đưa ra nguyên tắc xác định mức phí dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau: Tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước để bố trí kinh phí bảo trì dự án và hoàn vốn đầu tư; Việc thu phí được tính toán theo từng đoạn, tuyến đường cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.

Theo Cục Đường bộ, hiện nay, có 14 tuyến đường cao tốc thực hiện thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ theo cơ chế giá, mức thu dao động 1.000 - 2.100 đồng/PCU (đơn vị xe con quy đổi)/km tùy theo phương án tài chính của dự án. Mức thu bình quân khoảng 1.652 đồng/PCU/km.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, nếu Nhà nước đầu tư con đường nối từ tỉnh A đến tỉnh B mà ở đó chưa có con đường nào thì không nên thu phí. Còn Nhà nước đầu tư một con đường mới từ tỉnh A đến tỉnh B mà trên tuyến đó đã có một quốc lộ hoặc đã có đường để cho nhân dân sử dụng thì có thể thu phí ở trên đường cao tốc vừa mới làm. Tuy nhiên, ông Tạo cho hay, mức phí sử dụng cao tốc Nhà nước đầu tư phải thấp hơn mức phí BOT.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên