MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc hai làn nhiều bất cập

Chỉ thời gian ngắn sau khi một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đưa vào sử dụng, hàng loạt bất cập trong thiết kế, tổ chức giao thông đã phát sinh, gây bất tiện, thậm chí uy hiếp tính mạng người đi đường. Các chuyên gia cho rằng, những bất cập trong thiết kế, xây dựng cao tốc bộc lộ thời gian qua không thể chấp nhận được và cần sớm điều chỉnh.

Mới khai thác đã lộ nhiều vấn đề

Với một loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đưa vào khai thác gần đây, sau thời gian ngắn sử dụng, nhiều bất cập trong thiết kế, xây dựng đã bộc lộ. Nhiều đoạn cao tốc mới đưa vào sử dụng đều chưa có trạm dừng nghỉ, khiến nhiều tài xế rơi vào cảnh muốn đi vệ sinh cũng không được, xe hết nhiên liệu không biết tìm cây xăng ở đâu.

Điển hình, toàn tuyến cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 250 km, chỉ có 1 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc cũ (đoạn Dầu Giây - Vĩnh Hảo chưa có), nên nhà vệ sinh duy nhất này luôn trong tình trạng quá tải, người đi cao tốc phải xếp hàng dài chờ tới lượt. Dù được gắn biển cao tốc, nhưng tốc độ xe chạy chỉ tối đa 80km/h, với 1-2 làn xe chạy mỗi chiều; không có làn dừng khẩn cấp/làn vượt dọc toàn tuyến…

Cao tốc hai làn nhiều bất cập - Ảnh 1.

Hiện trường vụ xe khách vượt ẩu rồi đâm tiếp xe 16 chỗ trên cao tốc La Sơn - Túy Loan chiều 30/5, làm 1 người chết và nhiều người bị thương. Ảnh: Thanh Trần

Anh Nguyễn Văn Hưng, tài xế xe hợp đồng ở Huế cho biết, anh thường chở khách qua lại giữa Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng trên cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên vì đi đường này không mất phí như đi Quốc lộ 1, đường lại không có xe máy. Tuy nhiên, cao tốc chỉ có 1 làn xe mỗi chiều, không có dải phân cách cứng, tốc độ tối đa 80km/h. Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn được vẽ vạch liền để phân làn, nếu không may gặp 1 xe chạy tốc độ dưới 80km/h, đặc biệt là xe tải, thì những xe phía sau phải “bò theo” vì không có vị trí vượt.

“Nếu gặp xe chạy chậm, muốn vượt phải chấp nhận vi phạm bằng cách lấn sang làn đường của xe ngược chiều, hoặc đi chậm chờ 6-7km tới vị trí được thiết kế làn vượt xe mới vượt được. Tôi không ít lần chứng kiến nhiều tài xế lấn làn để vượt do không thể bò theo xe khác chờ tới điểm vượt, nguy cơ tai nạn với xe chạy ngược chiều rất cao nếu khuất tầm nhìn, hoặc ban đêm tầm nhìn hạn chế”, anh Hưng nói.

Theo anh Hưng, đơn vị quản lý tuyến đường nên thiết kế lại vạch kẻ liền chia làn đường, bằng vạch đứt (cho phép xe lấn làn để vượt). Tối ưu nhất là mở rộng cao tốc thêm làn xe. Thực tế, thời gian qua, đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra trên tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên, kể cả với đoạn mới đưa vào sử dụng.

Cái khó bó cái khôn

Cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên đưa vào sử dụng chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách cứng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đã được cảnh báo ngay từ khi đang thi công. Đầu năm 2020, khi đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang thi công, cử tri tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT bố trí nguồn lực để mở rộng tuyến cao tốc này lên 4 làn xe.

Do cao tốc chỉ có 2 làn xe, khi đưa vào khai thác sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngày 22/7 vừa qua, làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét sớm đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe do lưu lượng phương tiện qua cao tốc ngày càng tăng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Cao tốc hai làn nhiều bất cập - Ảnh 2.

Cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên chỉ có 2 làn xe (mỗi chiều 1 làn xe chạy), nguy cơ tai nạn giao thông luôn hiện hữu. Ảnh: H.Việt

Được biết, giai đoạn 2016-2017, khi nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, Bộ GTVT đề xuất đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 4 làn xe, mở rộng cao tốc La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 định hướng sử dụng vốn vay ODA để thực hiện. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền sau đó quyết định cân đối lại vốn đầu tư công, trước mắt đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ 2 làn xe, chưa mở rộng cao tốc La Sơn - Túy Loan lên 4 làn xe. Thay vì mở 4 làn đường, dự án điều tiết vốn để làm thêm dự án cầu Mỹ Thuận 2 trong giai đoạn 1.

Lý giải về các tuyến cao tốc 2 - 4 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp, đại diện Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000km đường cao tốc. Để đạt mục tiêu này, cần nguồn vốn khoảng 813 nghìn tỷ đồng. Thực tế, tới năm 2020 mới bố trí được 395 nghìn tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí được thêm khoảng 370 nghìn tỷ đồng.

Do đó, để đạt mục tiêu đường cao tốc theo quy hoạch, Nhà nước thực hiện phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1), khi đủ nguồn lực và nhu cầu đi lại tăng thì mới đầu tư tiếp để hoàn chỉnh theo quy hoạch. Dù giai đoạn phân kỳ đầu tư, Bộ GTVT vẫn khẳng định, việc thiết kế, tổ chức giao thông vẫn đảm bảo mục tiêu rút ngắn thời gian đi lại, lưu thông an toàn, đúng quy định hiện hành, hiệu quả.

Về cao tốc mới thiếu trạm dừng nghỉ, đại diện Bộ GTVT cũng thừa nhận có bất cập, bất tiện cho người dân. Trong thiết kế các dự án cao tốc đều định hướng vị trí đặt trạm dừng nghỉ, nhưng phần công trình này có sức hút với nhà đầu tư, nhờ các hoạt động thương mại, nên bộ ưu tiên kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Dự kiến, cuối năm nay Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ kêu gọi đầu tư các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Dù được gắn biển cao tốc, nhưng hầu hết các đoạn cao tốc mới đều giới hạn tốc độ xe chạy tối đa 80km/h; thiết kế 1-2 làn xe chạy mỗi chiều; không có làn dừng khẩn cấp dọc toàn tuyến, chỉ có những vị trí dừng khẩn cấp, vượt xe với khoảng cách 6-10km mỗi vị trí. Điển hình như cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên (dài hơn 164km), đoạn Yên Bái - Lào Cai trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ có 1 làn xe chạy mỗi chiều, không có dải phân cách cứng...


Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên