MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp bù lãi suất có thể cứu DN khỏi cạn kiệt dòng tiền?

22-09-2021 - 14:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Về tổng thể, chính sách cấp bù lãi suất có thể giúp gia tăng phúc lợi xã hội bởi DN “ốm” thì người lao động “yếu”, ngược lại DN “khoẻ” thì người lao động có việc làm, có thu nhập...

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua đã và đang đẩy rất nhiều doanh nghiệp, cả quy mô lớn lẫn quy mô nhỏ, nhà nước lẫn tư nhân, trong nước cũng như ngoài nước, rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền, khó tiếp tục trụ vững nếu dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.

Trong một cuộc khảo sát với 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tháng 8 vừa qua, có tới 86,4% cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1 - 3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền.

Trong khi sức chịu đựng của doanh nghiệp là có hạn và hiện đã tới hạn thì những giải pháp hỗ trợ vừa qua tính cấp bách không cao, mà chưa giải quyết được khó khăn trước mắt của hầu hết doanh nghiệp là cạn kiệt dòng tiền.

Sáng kiến chính sách cấp bù lãi suất không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp (DN) mà còn kích hoạt nguồn vốn trong xã hội. Có thể nói, chính sách "cấp bù lãi suất" của Quốc hội là một trong những chính sách chạm đến khó khăn lớn nhất và ngay trước mắt của doanh nghiệp hiện nay. Tuy vậy, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc "kéo" lãi suất xuống thấp sẽ có thể làm "méo" thị trường tài chính.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, khoảng 2.400 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ 4% lãi suất có thể huy động tới 60 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. Đặc biệt và ý nghĩa hơn ở chỗ, chính sách này về tổng thể sẽ giúp gia tăng phúc lợi xã hội bởi DN “ốm” thì người lao động “yếu”, ngược lại DN “khoẻ” thì người lao động có việc làm, có thu nhập...

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cho biết, hiện nay, DN đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều DN bộc lộ ra sự đuối sức, thậm chí kiệt quệ, do đó, nếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí cho DN, điều đó sẽ khuyến khích DN mạnh mẽ hơn trong tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu chính sách giảm lãi suất cho vay này được đưa vào thực tế thì cũng chỉ hỗ trợ được 1 phần cho những DN đã có hoạt động tín dụng tốt với ngân hàng, tức là họ đã tiếp cận được tín dụng với ngân hàng, nay sẽ được tiếp cận với lãi suất thấp hơn, giảm chi phí lãi suất cho DN.

“Mong muốn của cộng đồng DN để chính sách về tín dụng được phát huy hết những tác dụng thì ngân hàng cũng cần tính toán làm sao để có thể cho được nhiều DN có thể tiếp cận tín dụng hơn trên cơ sở đẩy trọng số về phương án kinh doanh khả thi của DN lên cao hơn tài sản thế chấp. Chỉ khi nào gỡ được điều đó thì nhiều DN mới có thể tiếp cận tín dụng hơn, từ đó, mới phát huy được hết những ý nghĩa của 1 chính sách tín dụng cũng như phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho DN thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng”, ông Tô Hoài Nam nêu quan điểm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực VINASME, theo quy định, ngân hàng được phép cho DN tiếp cận nguồn vốn với tài sản đảm bảo dưới hình thức tín chấp, về mặt khung pháp lý đã có nhưng trên thực tế, hiện ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay, tỷ lệ DN được vay tín chấp rất thấp, đặc biệt đối với các khoản vay mới.

“Giảm lãi suất chỉ dành cho đối tượng đã đủ các tiêu chuẩn để vay nhưng vấn đề của DN cần nhất là phải được vay. Do đó, cộng đồng DN mong muốn ngân hàng mở rộng hơn nữa đối tượng vay để các DN được tiếp cận nhiều hơn với tín dụng chính thống từ phía các ngân hàng”, ông Tô Hoài Nam nêu rõ.

Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính – kinh tế, trên thế giới, các quốc gia đều có những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chính sách về tiền tệ nên theo cơ chế thị trường vì chính sách về tiền tệ thể hiện tính nhất quán của thị trường vốn và thị trường vốn nên giảm sự can thiệp của Nhà nước ở tầm vĩ mô, Nhà nước chỉ nên kiểm soát về an toàn rủi ro.

“Nếu như Quốc hội và Chính phủ can thiệp vào lãi suất cho vay mà không phải điều hành qua cơ chế tự nhiên theo quy luật kinh tế thị trường của Ngân hàng Nhà nước thông qua lãi suất tái chiết khấu, điều khiển thị trường mở mà lại dùng bù lãi suất từ Chính phủ để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp thì tôi cho điều đó là không phù hợp với việc phát triển thị trường vốn”, TS. Đinh Thế Hiển nêu ý kiến.

TS. Hiển cho biết, trong thực tế một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì có một số ngành nghề, một số lĩnh vực là có bù lãi suất chẳng hạn như có giai đoạn Nhà nước muốn phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước bù lãi suất một phần; hay Nhà nước muốn phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, Nhà nước có thể bù lãi suất một thời gian, nhưng chuyện đó là trong ngắn hạn thì vẫn chấp nhận được và nguồn vốn đó là nguồn vốn từ đầu tư phát triển của Chính phủ đã được Quốc hội giao trong thẩm quyền để họ tính toán đưa ra gói hỗ trợ cụ thể chứ không phải thông qua việc bù tiền để giảm lãi suất. “Việc đưa lãi suất xuống thấp theo đề xuất này sẽ làm méo thị trường tài chính”, TS. Đinh Thế Hiển nói.

Theo ông Hiển, trợ giúp DN thoát khỏi khó khăn do Covid-19 không nên được giải quyết thông qua những chính sách như vậy mà nên tạo điều kiện thông thương hàng hóa, nhanh chóng đầu tư vào các hạ tầng giao thông để phục vụ sản xuất…

“Có nhiều cách để hỗ trợ DN và những chính sách đó nên hướng theo tiêu chuẩn chung của thị trường, không nên làm méo thị trường vốn trong vấn đề lãi suất”, ông Hiển nhấn mạnh./.


Theo Trần Ngọc - Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên