MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp giấy xây dựng sai phép: Trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy đến đâu?

03-04-2024 - 07:51 AM | Bất động sản

Cấp giấy xây dựng sai phép: Trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy đến đâu?

Cán bộ của UBND quận Cầu Giấy làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai theo quy định của pháp luật.

Như VOV.VN đã phản ánh , hộ gia đình nhà bà Trần Thị Bích Hà (số 1, ngách 184/41/18, phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) nằm trong dự án treo hơn 20 năm, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Không còn chỗ ở nào khác, bà Trần Thị Bích Hà thực hiện đầy đủ các quy trình và được UBND quận cấp giấy phép xây dựng để thực hiện xây dựng ngôi nhà trên đất sổ đỏ của mình. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày, UBND quận Cầu Giấy quyết định thu hồi giấy phép này với lý do "việc cấp giấy phép xây dựng trên là sai".

Cấp giấy xây dựng sai phép: Trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy đến đâu?- Ảnh 1.

Hiện trạng công trình bị thu hồi giấy phép xây dựng sau khoảng 10 ngày được cấp phép

Phía UBND quận Cầu Giấy thừa nhận trách nhiệm: "Đây là sai sót của quận Cầu Giấy. Các bộ phận chuyên môn đã thiếu sót trong việc rà soát hồ sơ dẫn đến việc tham mưu cho lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy ký cấp giấy phép xây dựng sai quy định". Sau đó, Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy đã xin lỗi gia đình bà Trần Thị Bích Hà. Và đang tiến hành làm việc với gia đình bà Trần Thị Bích Hà về phương án bồi thường kinh phí đã bỏ ra xây dựng 1 phần công trình".

Cấp giấy xây dựng sai phép: Trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy đến đâu?- Ảnh 2.

Ông Vũ Trung Kiên - Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết, một số địa phương các dự án treo tồn tại qua nhiều năm, rất khó khắc phục, đặc biệt là dự án nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thuộc diện thu hồi nhưng không thực hiện đúng tiến độ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc triển khai dự án quá lâu, dẫn đến đời sống của người có quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xin giấy phép xây dựng đối với nhà ở khó thực hiện. Vụ việc cấp giấy phép xây dựng thuộc diện tích đất đã bị thu hồi của những gia đình tại Dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), điển hình gia đình bà Trần Thị Bích Hà là minh chứng.

Khi sử dụng đất, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND có thẩm quyền. Theo quy định tại Điều 46 Luật Đất đai 2013 và khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi các Luật liên quan đến quy hoạch 2018, thì diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất, để người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định của pháp luật.

Cấp giấy xây dựng sai phép: Trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy đến đâu?- Ảnh 3.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội

Do đó, việc xem xét thời điểm thu hồi đất là một trong những yếu tố quan trọng để xác định điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi đất trong kế hoạch nhằm đảm bảo cho người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào Điều 103 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thuộc UBND cấp huyện đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý. Khoản 5, Điều 94 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) quy định: “Đối với công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ.... chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo”.

Như vậy, UBND cấp huyện cấp cấp phép xây dựng sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì trách nhiệm thuộc về cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Theo đó, cơ quan cấp phép phải thu hồi giấy phép trong trường hợp cấp sai và bồi thường cho người được cấp giấy phép trong trường hợp có thiệt hại. Trường hợp, công trình đã xây dựng, mà không phù hợp với quy hoạch, trái quy định pháp luật thì buộc phải tháo dỡ.

Căn cứ tại khoản 5 Điều 104 Luật Xây dựng 2014 quy định về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đó là: “Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định của pháp luật'.

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ thiệt hại mà cơ quan, người có thẩm quyền phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, và Nghị định 27/2012/NĐ-CP, cụ thể: Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì việc bồi thường sẽ được xác định dựa trên: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi bồi thường theo Điều 13 của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước; Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật gây ra đối với người bị thiệt hại. Đồng thời, Điều 24 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định trường hợp viên chức khi thực hiện nhiệm vụ hoặc công việc được phân công có lỗi gây ra thiệt hại thì đơn vị quản lý viên chức sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường sau đó viên chức có lỗi gây thiệt hại sẽ phải hoàn trả lại cho đơn vị.

Vụ việc trên, UBND quận đã kịp thời nhận lỗi sai và đã đưa ra giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, trên tinh thần sai đến đâu thì sửa và khắc phục hậu quả đến đó theo đúng quy định pháp luật. Để khắc phục vấn đề tồn đọng trên, Luật Đất đai 2024 đã dành Chương V (Điều 60 đến Điều 77) để quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Văn Ngân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên