Cập nhật Covid-19 ngày 13/4: Số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ tiếp tục tăng mạnh; biện pháp phong toả cho thấy hiệu quả tích cực ở châu Âu; thủ tướng Anh được xuất viện
Tính đến ngày 13/4, thế giới ghi nhận tổng số ca nhiễm nCoV là 1.851.264, trong đó có 114.160 trường hợp tử vong và 422.572 người đã hồi phục. Cho đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và lây lan đến 210 quốc gia, vùng lãnh thổ.
- 11-04-2020Cập nhật Covid-19 ngày 11/4: Số ca tử vong trên toàn cầu tăng gấp đôi trong gần 1 tuần; Italy, Pháp kéo dài thời gian phong toả
- 10-04-2020Cập nhật Covid-19 ngày 10/4: Trung Quốc chỉ ghi nhận 1 ca tử vong trong 24 giờ, số người chết ở New York tăng kỷ lục
- 09-04-2020Cập nhật Covid-19 ngày 9/4: Số ca nhiễm trên toàn cầu vượt 1.500.000, các ca tử vong ở châu Âu tiếp tục tăng mạnh
Mỹ hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới với 560.055 ca nhiễm, tăng 27.176 ca so với ngày hôm trước, có thêm 1.513 người chết, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 22.090. Theo thống kê mới nhất của Associated Press, hơn 2.700 ca tử vong do Covid-19 đều có liên quan đến các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc dài hạn, tăng từ khoảng 450 trường hợp trong 10 ngày trước - đây là con số đáng báo động chỉ trong 2 tuần qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết con số thực còn cao hơn nhiều vì các bang đều có những ca tử vong mà chưa được xét nghiệm.
Ngày hôm qua, lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ 50 bang của Mỹ đều tuyên bố tình trạng thảm hoạ khi số ca tử vong cùng số ca nhiễm tăng liên tiếp. Việc ban bố tình trạng thảm hoạ có thể giúp chính quyền các bang sử dụng ngân sách liên bang để ứng phó với đại dịch.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.804 trường hợp nhiễm mới trong 1 ngày, tăng lên 166.831 ca, có thêm 603 trường hợp tử vong, hiện số người chết 17.209. Số ca nhiễm mới ở quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát, cho thấy biện pháp phong toả có hiệu quả rất tích cực. Dẫu vậy, Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết quốc gia này vẫn trong tình trạng phong toả chặt chẽ, dù một số lệnh hạn chế đối với lao động ngành không thiết yếu đã được nới lỏng, nhóm này được trở lại làm việc nhưng vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội.
Ca dương tính với nCoV ở Italy hiện là 156.363, tăng 4.092 trường hợp trong 1 ngày, với 19.899 người chết, có thêm 431 trường hợp. Số ca tử vong mới ở quốc gia châu Âu này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/3. Ngoài ra, số trường hợp được điều trị tại bộ phận chăm sóc đặc biệt cũng giảm trong 9 ngày liên tiếp sau khi tăng ổn định từ ngày 3/4 cho đến khi đạt đỉnh ở mức 4.058 người. Số ca nhiễm mới tăng lên con số hàng nghìn là do Italy đẩy nhanh quy mô xét nghiệm, trong 4 ngày qua đã có khoảng 200.000 người được xét nghiệm.
Trong khi đó, tại Pháp, số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần và số bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt cũng giảm ngày thứ 4 liên tiếp. Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận 2.937 ca nhiễm mới trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 132.591, thêm 561 trường hợp tử vong, hiện có 14.393 người chết. Bộ Y tế cho hay: "Chúng tôi đã nhận thấy dịch bệnh đã bắt đầu chững lại. Nhưng vẫn phải cảnh giác vì các bệnh viện và ICU đang phải điều trị một số lượng bệnh nhân rất lớn."
Anh là ổ dịch lớn thứ 5 châu Âu với 84.279 ca nhiễm, với 10.61 trường hợp tử vong. Thủ tướng Boris Johnson đã được xuất viện và sẽ tiếp tục điều trị, theo dõi ở nhà nghỉ dưỡng tại vùng ngoại ô Chequers. Theo phát ngôn viên của Thủ tướng, hiện tình hình sức khoẻ của ông có chuyển biến rất tích cực.
Iran hiện là vùng dịch lớn thứ 2 châu Á, với 71.686 ca nhiễm và 4.474 người chết.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia ghi nhận số nguời nhiễm cao nhất với 4.683 trường hợp và 76 ca tử vong. Trong khi đó, Indonesia có số người chết lớn nhất khu vực bới 373 ca trong số 4.241 người nhiễm. Singapore hiện đang đối diện với làn sóng bùng phát thứ 2, có thêm 233 ca nhiễm trong 1 ngày, nâng tổng số lên 2.532 và có 8 trường hợp tử vong.