MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Carlsberg có thể ngăn cản quá trình thoái vốn Nhà nước tại Habeco?

Hiện Habeco có cơ cấu cổ đông khá cô đặc với 3 cổ đông sở hữu hơn 99% cổ phần gồm Bộ Công Thương (81,79%), Carlsberg (17,08%) và Carlsberg Đông Dương (0,15%); như vậy chỉ còn gần 1% cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường, tương đương 2,7 triệu cổ phiếu.

Mới đây, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho Tổng CTCP Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco) được đăng ký giao dịch trên Upcom. Theo đó, Habeco có vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng, đăng ký giao dịch 231,8 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán BHN.

Ngày giao dịch đầu tiên và giá tham chiếu vẫn chưa được công bố và nhiều khả năng Bộ Công thương sẽ tiến hành thoái vốn khỏi Habeco sau khi giao dịch trên Upcom.

Tính theo mức giá đang được chào mua trên thị trường OTC là 48.000 đồng/cp thì vốn hóa Habeco sẽ đạt trên 11.000 tỷ đồng, tương đương vốn hóa Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (VEF) và là doanh nghiệp lớn nhất trên Upcom.

Hiện Habeco có cơ cấu cổ đông khá cô đặc với 3 cổ đông sở hữu hơn 99% cổ phần gồm Bộ Công Thương (81,79%), Carlsberg (17,08%) và Carlsberg Đông Dương (0,15%); như vậy chỉ còn gần 1% cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường, tương đương 2,7 triệu cổ phiếu.

Carlsberg có thể ngăn cản việc thoái vốn của Nhà nước tại Habeco

Việc Carlsberg có thể ngăn cản quá trình thoái vốn của Nhà nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra bởi Carlsberg hiện là cổ đông lớn thứ 2, sở hữu 17,23% cổ phần của Habeco và đã ký thỏa thuận chiến lược về quyền ưu tiên tăng tỷ lệ sở hữu trong trường hợp Nhà nước thoái vốn.

Thỏa thuận này rõ ràng hạn chế Chính phủ trong việc lựa chọn người mua tiềm năng do Carlsberg có quyền phủ quyết. Giới đầu tư cho rằng, không loại trừ khả năng thỏa thuận này sẽ phải được đàm phán lại trước khi số cổ phần lớn của nhà nước được bán ra.

Trong trường hợp của Sabeco, Heineken nắm cổ phần nhỏ hơn nhiều, chỉ là 5% và do đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến câu chuyện thoái vốn của Nhà nước và do đó, việc thoái vốn ở Sabeco nhìn chung sẽ thuận lợi hơn nhiều so với Habeco.

Cổ phiếu Habeco “ế ẩm”, Sabeco tăng “phi mã”

Sabeco và Habeco là 2 “ông lớn” trong ngành bia Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 2 doanh nghiệp này đang ngày càng nới rộng. Cụ thể, trong khi Sabeco vẫn duy trì vững chắc ngôi vị dẫn đầu ngành bia Việt Nam trong suốt hàng chục năm qua thì Habeco đã đánh mất vị trí thứ 2 về tay Heineken và rơi xuống đứng thứ 3 với thị phần khoảng 20%.

Theo báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm, trong khi doanh thu Sabeco đạt 14.736 tỷ đồng – tăng 3%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.984 tỷ đồng – tăng 24% so với cùng kỳ 2015 thì doanh thu Habeco chỉ là 4.039 tỷ đồng – giảm 13% và lợi nhuận trước thuế đạt 417 tỷ đồng – giảm 38%.

Với kết quả kinh doanh không mấy tích cực cùng những vướng mắc về cổ đông chiến lược Carlsberg, cũng dễ hiểu khi cổ phiếu Habeco không nhận được nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư. Trên thị trường OTC, cổ phiếu Habeco hiện chỉ được chào mua quanh ngưỡng 48.000 đồng/cp, thấp hơn cả mức giá 50.015 đồng/cp trong đợt IPO diễn ra năm 2008. Không những vậy, lượng đặt mua Habeco cũng khá thưa thớt cho thấy sự “ế ẩm” của cổ phiếu này.

Trong khi đó, cổ phiếu Sabeco đang được hàng loạt “đại gia” bia trên thế giới như Heineken, Ab-Inbev, SABMiller, Asahi, Singha, Thai Beverage…xếp hàng chờ mua. Trên thị trường OTC, cổ phiếu Sabeco hiện được chào mua quanh ngưỡng 120.000 đồng/cp, cao gấp rưỡi cách đây 2 tháng và cao hơn 70% so với mức giá IPO năm 2008 là 70.000 đồng/cp.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên