Cắt giảm điều kiện kinh doanh lĩnh vực ngân hàng: Cần cân đối lợi ích tổng thể
Theo báo cáo của NHNN, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý được thống kê là hơn 200 điều kiện. NHNN đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hơn 80 điều kiện, đạt trên 30%; trong đó, đề xuất cắt giảm hơn 40 điều kiện (đạt trên 50% tổng số phương án đề xuất).
NHNN vừa hoàn thiện báo cáo tổng hợp phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh sau khi tiếp thu ý kiến của Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan. Theo đó, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hơn 80 điều kiện. Những nỗ lực này cho thấy cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) luôn là nhiệm vụ được NHNN quan tâm, thực hiện.
NHNN đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hơn 80 điều kiện
Bước chuyển từ sự chủ động
Qua 4 năm triển khai Nghị quyết 19 (2014-2017), theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Điều này được phản ánh qua kết quả xếp hạng của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.
Đặc biệt, theo Báo cáo của World Bank (2018), chỉ số Tiếp cận tín dụng năm 2018 của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. Cả về điểm số và thứ hạng, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của khu vực OECD và Đông Á - Thái Bình Dương. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc và là chỉ số cao thứ 2 trong 10 chỉ số của Việt Nam trong Báo cáo.
"Đáng lưu ý là Việt Nam đã đạt mục tiêu đề ra về chỉ số Tiếp cận tín dụng trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Nó cũng phản ánh nỗ lực không dừng của Việt Nam và ngành Ngân hàng qua nhiều năm", TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM đánh giá.
Để đạt kết quả đó, từ nhiều năm nay, NHNN đã chủ động rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC) nhằm cắt giảm tối đa các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa TTHC góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Đây được xác định là công việc thường xuyên, được chú trọng ngay từ khâu đề xuất, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do có sự quan tâm và tổ chức chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách TTHC từ nhiều năm nay, nên hầu như không có phản ánh, kiến nghị của DN về điều kiện kinh doanh.
Thông qua kết quả rà soát gần đây của NHNN, cũng như các Bộ, ngành liên quan cho thấy không có quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng gây ảnh hưởng tới cơ hội đầu tư, kinh doanh cho DN và TCTD trong quá trình hoạt động.
Từ năm 2016, để phù hợp với Luật Đầu tư, NHNN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, như Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số 57/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng; Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.
Đặc biệt, trong năm 2017, NHNN đã hoàn thành việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bãi bỏ, sửa đổi một số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các TCTD, bao gồm bỏ thủ tục chấp thuận của NHNN khi TCTD thay đổi tên chi nhánh hoặc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước; bỏ thủ tục xác nhận đăng ký điều lệ của TCTD...
Những nỗ lực của NHNN cũng đã được ghi nhận với 3 năm liên tiếp NHNN đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính các Bộ, ngành, cơ quan ngang bộ (Par-Index 2017) do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ công bố. Giá trị chỉ số 92,36% không chỉ cao nhất trong 19 bộ, ngành mà còn là cao nhất trong các cơ quan được xếp hạng, gồm cả 63 tỉnh, thành phố.
Cân bằng bài toán lợi ích
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo tinh thần Công văn số 174/TTg-KSTTHC của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/2/2018, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát và xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa tổng thể các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý, nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống các TCTD và DN. Kết quả, NHNN đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 80 điều kiện đạt tỷ lệ 34%, trong đó đề xuất cắt giảm hơn 40 điều kiện (đạt trên 50% tổng số phương án đề xuất).
Trên cơ sở phương án cắt giảm, hiện nay NHNN cũng đang gấp rút xây dựng Nghị định và Thông tư để sớm trình và báo cáo Chính phủ trong quý III năm nay. Tuy nhiên, NHNN phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc triển khai rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như áp lực tỷ lệ cắt giảm.
Bởi trong những năm qua, đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2012, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách TTHC, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh với tỷ lệ cắt giảm khoảng 10%/năm. Đồng thời, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh là công việc thường xuyên, được thực hiện ngay từ khâu đề xuất, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong cả quá trình thực hiện, nên dẫn tới không phát sinh các thủ tục, điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Bên cạnh đó, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng có tính nhạy cảm rất lớn, cả khách hàng, ngân hàng và cơ quan quản lý đều có thể chịu các rủi ro liên quan. Do đó, công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng phải đảm bảo tính chặt chẽ, phòng ngừa khủng hoảng và các tổn thất lan truyền. Việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh cần phải hết sức cân nhắc, thận trọng để tránh bị tổ chức, cá nhân lợi dụng, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tạo ra những hậu quả pháp lý rất lớn đối với công chức có liên quan.
Trong định hướng hoàn thiện pháp luật theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang tập trung, nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, quy định về quản lý rủi ro của TCTD, quy định về công khai, minh bạch... theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm hình thành những chuẩn mực, điều kiện an toàn cao hơn trong hoạt động ngân hàng.
Mặt khác, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng hiện nay còn là cơ sở để NHNN kiểm tra, giám sát và có cơ chế xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, hoặc đền bù tổn thất thiệt hại cho khách hàng khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại, hay TCTD mất khả năng chi trả.
Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin truyền thông, khách hàng có thể tiến hành giao dịch ngân hàng qua mạng internet mọi lúc mọi nơi trên thế giới và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, thất thoát, do đó việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng hết sức cân nhắc để đảm bảo vai trò quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, giảm thiểu các rủi ro, tổn thất trong kinh doanh của các TCTD.
Tuy nhiên, không vì thế mà nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh từ phía NHNN trễ nải. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh sẽ không chỉ là yếu tố giảm bớt các điều kiện kinh doanh mà quan trọng hơn là việc thiết lập một quy trình xử lý với công nghệ hiện đại, đặc biệt là yếu tố con người hành chính mang tính phục vụ. Đây là yếu tố cốt lõi thực hiện mục tiêu kép, vừa giúp DN và người dân tiết giảm chi phí thời gian và nhân lực trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh bền vững.
Theo báo cáo của NHNN, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý được thống kê là hơn 200 điều kiện. NHNN đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hơn 80 điều kiện, đạt trên 30%; trong đó, đề xuất cắt giảm hơn 40 điều kiện (đạt trên 50% tổng số phương án đề xuất).
Thời báo ngân hàng