MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt giảm nhiều loại chứng chỉ 'hành' cán bộ, công chức

“Trước đây tôi đã nói khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì nay tập trung chủ yếu vào trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước. Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt bổ nhiệm cán bộ, còn văn bản chứng chỉ khác chỉ phục vụ quá trình đào tạo tiếp theo”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 9/11.

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu tại phiên chất vấn. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) nêu vấn đề “phải quét nhà mình trước rồi mới quét nhà người khác” mà ông Lê Vĩnh Tân đề cập trước đây. Đại biểu hỏi, trong nhiệm kỳ, Bộ trưởng đã kiểm tra, xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm; Bộ Nội vụ có giải pháp gì để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, công chức, viên chức.

Trả lời câu hỏi, ông Tân cho biết, năm 2017, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ được Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm 8 đơn vị, đến nay đã xử lý, giải quyết xong. Khẳng định vấn đề công vụ, Bộ Nội vụ luôn “tiên phong, làm trước”, ông Tân cho biết, những trường hợp tuyển dụng sai, không đúng đều được xử lý. Về sử dụng và tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ làm rất nghiêm minh, thực hiện “ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn các đơn vị khác”. “Nếu phát hiện cán bộ, công chức của ngành Nội vụ vi phạm trong đạo đức công vụ, hoặc gây khó khăn trong thực hiện công vụ đối với các bộ, ngành, địa phương, tôi đề nghị các đại biểu cung cấp thông tin cho Bộ trưởng. Chúng tôi sẽ cương quyết và xử lý nghiêm”, ông Tân nói.

Cùng nêu chất vấn tư lệnh ngành Nội vụ, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề nghị thông tin về việc bao giờ bỏ những chứng chỉ liên quan đến viên chức, như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà Bộ trưởng đã hứa tại kỳ chất vấn trước. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai Luật Sửa đổi Luật Cán bộ, Luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

“Nghị định của Chính phủ đã quy định, đối với trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD&ĐT, ví dụ như ngoại ngữ thuộc về trình độ bậc 3 thì không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu trường đại học đào tạo chuẩn rồi thì không cần nữa”, ông Tân nói. Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính.

Cơ sở đánh giá “tham nhũng đang được kiềm chế”

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) viện dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp: Trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng này xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực nào, ai phải chịu trách nhiệm; Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm và giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng nêu trên.

“Cử tri rất vui mừng khi nghe Chính phủ báo cáo tình hình tham nhũng ở nước ta thời gian qua đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, căn cứ vào đâu để có được kết luận như nêu trên?”, ông Hà chất vấn.

Cắt giảm nhiều loại chứng chỉ hành cán bộ, công chức - Ảnh 1.

Sẽ tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức - Ảnh: Dangcongsan.vn

Trả lời vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái một lần nữa khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân và được quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. “Có thể nói trách nhiệm trực tiếp thuộc về người đứng đầu các cơ quan, các lĩnh vực để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân”, ông Khái nói. Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ những lĩnh vực, nguyên nhân và tình trạng nêu trên. Những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, cán bộ, công chức thiếu rèn luyện dễ xảy ra tham nhũng. Trước tình hình như vậy, Tổng Thanh tra cũng như Thanh tra Chính phủ đã đề xuất với Thủ tướng ban hành Chỉ thị làm giảm và chống gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến nhận định “tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói rằng, việc đánh giá tình hình tham nhũng hết sức khó khăn, mang tính chất rất trừu tượng. Tuy nhiên, với tư cách cơ quan tham mưu, Thanh tra Chính phủ cũng bám sát vào những nội dung có thể căn cứ vào đó để đánh giá. Thứ nhất, theo ông Khái, là ý kiến đánh giá của người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cảm nhận của người dân về tình hình tham nhũng. Ngoài ra, quốc tế cũng đánh giá qua chỉ số và cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới. Năm 2019, tổ chức này đánh giá Việt Nam tăng 21 bậc so với 2018, từ đứng thứ 117 lên thứ 96/198 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo ông Khái, đánh giá trên căn cứ vào những đánh giá, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. “Hằng năm trong báo cáo cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng có cân nhắc rất kỹ và đánh giá về tình hình tham nhũng”, ông Khái nói.

Nhiều cán bộ dùng giấy tờ giả

Trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng mua bán giấy tờ giả, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm, đường dây sản xuất giấy tờ giả, chứng chỉ giả quy mô rất lớn. Các đối tượng sẵn sàng làm giả nhiều loại giấy tờ, chứng chỉ, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học, bằng lái xe. Giấy tờ giả được dùng để lừa đảo và hòng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, đánh giá cán bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, ngay trong đội ngũ cán bộ, nhiều người sử dụng giấy tờ giả. Về giải pháp, ông cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cơ quan chức năng và người dân về phương thức mua bán giấy tờ; tiến hành rà soát việc sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả và xử lý nghiêm.

Theo Luân Dũng - Văn Kiên

Theo Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên