MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt giảm từ 95% doanh nghiệp nhà nước xuống còn 20%, nền kinh tế này vươn lên thành quốc gia giàu có bậc nhất như thế nào?

07-08-2017 - 16:54 PM | Tài chính quốc tế

Năm 2016, mức GDP bình quân đầu người của Séc theo sức mua tương ứng (PPP) là 32.622 USD. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của Séc thuộc hàng thấp nhất Châu Âu với 3% còn tỷ lệ nghèo đói thấp thứ 2 trong khối OECD, chỉ đứng sau Đan Mạch.

Mới đây, việc Ngân hàng trung ương Séc (CNB) quyết định nâng lãi suất lên 0,25% đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia bởi đây không chỉ là lần nâng lãi suất đầu tiên của quốc gia này từ cuộc khủng hoảng năm 2008 mà còn báo hiệu cho đợt thắt chặt chính sách tiền tệ mới ở Châu Âu.

Tốc độ tăng trưởng tốt, dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều cùng tỷ lệ lạm phát đi lên khiến chính phủ Séc buộc phải có những hành động sau khoảng thời gian dài hạ lãi suất để kích thích kinh tế cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.

Với sự tăng trưởng cả về xuất khẩu lẫn kinh tế trong nước, tỷ lệ việc làm tại Séc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua trong khi mức lương bình quân tăng lên. Giá thị trường bất động sản cũng đi lên.

Động thái của Séc có thể báo hiệu một đợt thắt chặt chính sách tiền tệ tại Châu Âu sau 5 năm thực hiện các công cụ kích thích tăng trưởng. Hiện Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) vẫn giữ lãi suất ở mức âm và mua vào trái phiếu.

Trước đó vào năm 2012, Ba Lan đã nâng lãi suất còn Đan Mạch cũng thực hiện bước đi tương tự vào đầu năm nay.

Ngày 31/7 vừa qua, Bộ trưởng tài chính Séc đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2017 lên 3,1%, cao hơn mức dự đoán 2,9% trước đó.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến Séc có tốc độ tăng trưởng tốt cũng như trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế Châu Âu, thậm chí là một trong những thị trường đi đầu về nâng lãi suất chứ không phải Đức hay Pháp?

Thành viên đặc biệt của Liên minh Châu Âu (EU)

Nói đến những nước Đông Âu như Séc, người ta thường nghĩ đến một nền kinh tế chậm phát triển, chịu ảnh hưởng từ thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên, trên thực tế Séc là một quốc gia phát triển với mức thu nhập cao. Quốc gia này cũng là thành viên của EU nhưng sử dụng đồng tiền riêng của nước mình là Koruna. Nền kinh tế này cũng là thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bao gồm những quốc gia phát triển.

Năm 2016, mức GDP bình quân đầu người của Séc theo sức mua tương ứng (PPP) là 32.622 USD. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của Séc thuộc hàng thấp nhất Châu Âu với 3% còn tỷ lệ nghèo đói thấp thứ 2 trong khối OECD, chỉ đứng sau Đan Mạch.

Cộng hòa Séc cũng đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng những nền kinh tế thị trường tự do nhất thế giới, đứng thứ 31 trong bảng xếp hạng toàn cầu về cạnh tranh và 27 thế giới về chỉ số công nghệ sáng tạo. Theo tiêu chuẩn của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là tối thiểu 15.000 USD, Cộng hòa Séc đã là nước phát triển khi có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 32.710 USD vào năm 2016.

Khác với nhiều quốc gia tăng trưởng nóng, nền kinh tế Séc phát triển bền vững không lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Những ngành kinh tế chính của nước này bao gồm sản xuất thiết bị, máy móc, luyện kim, hóa chất, dược phẩm. Ngành công nghiệp của Séc đóng góp tới 37,5% GDP cho nền kinh tế, dịch vụ chiếm tới 60% còn nông nghiệp chỉ chiếm 2,9%.

Trên thực tế, nền công nghiệp của Séc phải ngược lại từ thế kỷ 19. Trước năm 1948, Séc là quốc gia có nền kinh tế cân bằng và ngành công nghiệp thuộc hàng phát triển nhất Châu Âu. Vùng Bohemia-Moravia (tiền thân của Séc) sản xuất đến 70% sản phẩm công nghiệp của đế quốc Hung-Áo thời kỳ đó.

Tuy nhiên, quyết định sai lầm của chính phủ khi quốc hữu hóa hàng loạt ngành thương mại, dịch vụ cũng như tập trung cho công nghiệp nặng mà bỏ qua nông nghiệp.

Đến năm 1950, chính phủ hầu như đã thâu tóm toàn bộ ngành bán lẻ ở Séc trong khi ngành công nghiệp nặng được hỗ trợ tối đa trong suốt thập niên 1950. Tuy nhiên, sự khai thác thiếu hiệu quả và mất cân bằng kinh tế đã khiến Séc chịu nhiều thiệt hại, năng suất giảm, lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp đi lên.

Năm 1968, chính phủ Séc bắt đầu có những cải cách kinh tế và thu được những hiệu quả nhất định. Dẫu vậy phải đến thập niên 1980, những ngành được đầu tư mạnh như điện năng, hóa học và dược phẩm mới thực sự giúp kinh tế Séc có nhiều đột phá.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Séc tiếp tục có hàng loạt những cải cách, đổi mới trong nền kinh tế. Thay vì dựa dẫm vào xuất khẩu tài nguyên hay nhân công giá rẻ, Séc tập trung vào những thế mạnh của mình trong ngành công nghiệp hóa chất, luyện kim nhờ nền tảng có từ lâu trước đó.

Với một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt cho công nghiệp cũng như lượng lao động có trình độ, quốc gia này tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như hướng đến các ngành công nghiệp thế mạnh. Nhờ thừa hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng từ nền công nghiệp phát triển trước cũng như trình độ lao động cao nên Séc dễ dàng phát triển được các ngành thế mạnh của mình.

Ngoài ra, việc cổ phần hóa hàng loạt ngân hàng cũng như doanh nghiệp nhà nước đã thu hút một lượng lớn dòng vốn quốc tế dù tình trạng tham nhũng vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.

Nhờ những bước đi quyết đoán của chính phủ, Séc đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư Mỹ khi muốn mở rộng ảnh hưởng tại Đông Âu cũng như những hàng sản xuất ô tô Châu Á muốn nhắm đến thị trường Châu Âu. Hơn nữa, một số nước phát triển trong khu vực khi đó cũng để ý đến thị trường này khi nền công nghiệp phát triển, chi phí sản xuất thấp hơn lại có lợi thế về vị trí địa lý, chi phí vận chuyển.

Hệ quả là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Séc đã tăng mạnh lên 86,75 tỷ USD vào năm 2007 và Mỹ luôn là 1 trong 5 nước đổ nhiều tiền nhất vào nền kinh tế này.

Cộng hòa Séc cũng là quốc gia hậu chủ nghĩa xã hội đầu tiên được các tổ chức tài chính thế giới xếp hạng tín nhiệm nhờ những cải cách triệt để.

Vượt cơn sóng dữ

Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nền kinh tế Séc có bước chuyển mình ngoạn mục cũng như phát triển đồng đều vững chắc là hướng đi của chính phủ. Ngay từ đầu thập niên 1990, quốc gia này đã cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và mỗi người dân đều có quyền lợi mua một phần cổ phiếu trong các công ty này hoặc bán chúng ra thị trường.

Động thái cổ phần hóa bằng cách bán cho mỗi người dân quyền mua cổ phiếu với mức giá tối thiểu nhất định đã tác động sâu rộng đến kinh tế xã hội tại đây khi kích thích cổ phần hóa cũng như tạo động lực kinh doanh trong dân chúng sau thời gian dài quốc hữu hóa. Chương trình này cũng khiến Séc trở thành nước có tỷ lệ sở hữu cổ phiếu bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Trong thời kỳ thuộc Liên Xô, Séc có đến 97% số doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thì nay tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn chưa đến 20%.

Mặc dù tăng cường cải cách nhưng Séc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vào năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến nền kinh tế Séc lao đao trong khi các vụ bê bối chính trị khiến nhà đầu tư nước ngoài lo lắng. Thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này lên tới 8% GDP.

Trước tình hình đó, chính phủ đã phải cắt 2,5% GDP chi tiêu công và tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân. Séc cũng cố gắng hoàn thiện hệ thống hành chính, luật pháp theo tiêu chuẩn quốc tế để hội nhập hơn nữa với thị trường Châu Âu.

Kinh tế Séc hồi phục vào năm 2000 nhờ tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu như Đức. Đến năm 2004, Séc trở thành thành viên của EU và điều đáng ngạc nhiên là cuộc khủng hoảng năm 2008 không ảnh hưởng mấy đến nền kinh tế này do người dân chủ yếu giao dịch bằng nội tệ thay vì đồng USD. Hơn nữa cuộc khủng hoảng năm 1997 đã khiến hệ thống ngân hàng của Séc cảnh giác hơn trước làn sóng đầu tư nước ngoài.

Năm 2015, tốc độ tăng trưởng 4,2% của Séc được đánh giá là cao nhất EU trong khi tỷ lệ thất nghiệp 5,9% là thấp nhất kể từ năm 2009.

Mới đây, hãng tin Reuters cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Séc tính đến tháng 6/2017 chỉ vào khoảng 2,9%, thấp nhất Châu Âu. Con số này thấp hơn mức 3,8% của Đức và tỷ lệ 7,7% bình quân của EU.

Tại Séc, chi phí nhân công thấp đã thúc đẩy các hãng sản xuất đặt nhà máy tại nơi đây, Mức lương bình quân theo giờ tại đây vào khoảng 10,2 Euro (12,1 USD) trong khi con số này tại EU nói chung là 25,4 Euro (30,2 USD). Ngành sản xuất tại các nhà máy hiện chiếm 1/3 tổng số lao động tại Séc và rất nhiều hãng ô tô như Toyota, Huyndai hay Peugeot đã đặt nhà máy tại đây.


Tỷ lệ thất nghiệp tại Séc thấp nhất Châu Âu

Tỷ lệ thất nghiệp tại Séc thấp nhất Châu Âu

Dẫu vậy, tình trạng thiếu lao động do dân số già hóa cũng như di cư của tầng lớp thanh thiếu niên sang các nước Phương Tây khác đã khiến đất nước bị thiếu hụt lao động và làm tăng mức lương tại đây. Số liệu chính thức cho thấy mức lương tháng tại Séc trong quý I năm nay đã tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, qua đó đe dọa đến tăng trưởng kinh tế.

Hiện chính phủ Séc đang cố gắng đầu tư nhiều hơn cho giáo dục cũng như tạo ra nhiều việc làm trình độ cao để đối phó với tình trạng lao động tay nghề thấp bỏ sang các quốc gia phát triển khác.

Theo BT

Thời Đại

Trở lên trên