Cát khan hiếm, giá tăng vọt
Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng bất ngờ khan hiếm khiến giá tăng chóng mặt.
- 19-02-2023Nguy cơ chậm tiến độ nhiều dự án do thiếu cát
- 09-02-2023Một siêu mỏ cát ở Quảng Ngãi được đấu giá lên đến 380 tỉ đồng
- 11-01-2023Thông tin mới nhất về cầu Cát Lái nối Tp.HCM với Đồng Nai
Nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng và người xây nhà đứng ngồi không yên vì không có cát phục vụ công trình, giá cát lại tăng cao gần gấp đôi so với trước, lên 400.000 - 500.000 đồng/m3.
Chủ một đại lý cát ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho biết gần 10 năm kinh doanh vật liệu xây dựng, chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Trước Tết, đại lý vẫn hoạt động bình thường nhưng sau khi bán mở hàng đầu năm lại phải đóng cửa vì đại lý chỉ có 1 mỏ cung ứng cát tại huyện Đại Lộc nhưng đã dừng hoạt động 1 tháng nay.
Theo người dân và các DN xây dựng, sở dĩ giá cát tăng cao là vì cuối năm ngoái, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Kể từ thời điểm đó, nhiều mỏ cát lớn trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc bất ngờ "án binh bất động", không khai thác cát khiến nguồn cung trên thị trường khan hiếm.
Cát xây dựng khan hiếm, giá tăng vọt đã ảnh hưởng rất lớn đến các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, nhiều công trình xây dựng từ nguồn vốn nhà nước đang phải tạm dừng thi công. Nhiều dự án có vốn đầu tư gần 100 tỉ đồng không thể tìm nổi nguồn cung ứng 3 m3 cát/ngày khiến hàng trăm nhân công, máy móc thiết bị không thể hoạt động. Giá cát tăng cũng dẫn đến giá vật liệu liên quan đến cát như bê-tông tươi, ống bi, cọc… tăng theo khiến DN càng làm càng lỗ.
Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn đã gửi văn bản xin ý kiến UBND tỉnh bởi công trình đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện mở thầu nhưng không có DN nào ngó ngàng. Nguyên nhân là vì công trình cần khoảng 10.000 m3 cát trong khi các mỏ cát trên địa bàn thị xã hết hạn, còn mỏ cát ở Đại Lộc, Duy Xuyên thì lại không hoạt động.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định tỉnh sẽ có những biện pháp cứng rắn để thiết lập lại trật tự việc khai thác khoáng sản tại địa phương. "Tỉnh yêu cầu các chủ mỏ cát phải thực hiện việc khai thác và bán theo trữ lượng cho phép quy định rõ trong giấy phép khai thác. Cấm tình trạng không khai thác để tạo ra khan hiếm giả tạo nhằm đẩy giá" - ông Quang nói.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đầu tuần tới ông sẽ chủ trì buổi họp để nghe các ngành liên quan báo cáo, giải quyết tình trạng khan hiếm cát, giá tăng cao. Ngày 20-2 vừa qua, ông Lê Trí Thanh cũng đã ký công văn về việc tăng cường công tác quy hoạch và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong công văn, ông Thanh yêu cầu UBND các địa phương liên quan khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư trong vùng dự án để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng trên địa bàn…
Người lao động