Câu chuyện bên trong công cuộc cải tổ lớn nhất lịch sử 50 năm qua của Intel
Trẻ hóa nguồn lực, thuê sếp từ ngoài, xoay mảng kinh doanh... Intel đang thực hiện cuộc cải tổ lớn ra sao?
Không lâu sau khi Intel công bố báo cáo tài chính quý đầu năm nay với các nhà đầu tư phố Wall, CEO Intel Brian Krzanich đã chuẩn bị gấp rút cho cuộc họp toàn công ty Business Update Meeting, hay thường được gọi là "BUM".
Tình thế hiện tại của Intel đang khá căng thẳng: Công ty gần đây đã thông báo sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 11% nhân lực. Đây được coi là cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử của Intel.
Theo một số nhân viên tham gia cuộc họp, công ty không đưa ra bất cứ thông báo chi tiết nào về đợt cắt giảm này. Trong suốt cuộc họp, CEO Krzanich đã được chất vấn rất nhiều về các nhà máy bị đóng cửa, các dự án bị dừng hoạt động cũng như mục tiêu lâu dài của cuộc tái cơ cấu.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao ông lại quyết định tăng lương cho chính mình giữa lúc công ty đang phải gồng mình tiết kiệm chi phí qua việc cắt giảm nhân sự, Krzanich cho biết ông đã bắt đầu làm việc với mức lương thấp và hiện vẫn ở dưới mức lương trung bình so với CEO các công ty khác. Krzanich kiếm tổng cộng 14,6 triệu USD trong năm qua, tăng 3,5 triệu USD so với năm trước đó.
Một nhân viên mới bị sa thải cho biết “Có thể Krzanich xứng đáng được tăng lương, thế nhưng liệu ông ta có phải người phù hợp với vị trí CEO này không?”
Krzanich vẫn đang tiến hành nhiều thay đổi lớn trong nội bộ Intel, một trong những công ty kiểu mẫu và từng được coi là biểu tượng của ngành tại Thung lũng Silicon. Trong bối cảnh thị trường PC đang dần thu hẹp lại, mảng kinh doanh chip PC cốt lõi của hãng không thể gồng gánh được vai trò làm bệ đỡ cho công ty nữa, Intel đang bắt đầu phải chuyển sang cung cấp máy chủ và chip cho các thiết bị thông minh cũng như thu hút thêm các tài năng trẻ tuổi về đầu quân cho công ty.
Tuy nhiên, những bước chuyển dịch này lại đang gia tăng khoảng cách giữa Krzanich và những người bảo thủ trong công ty. Intel hiện nay đang ngập trong khủng hoảng với sự thiếu vắng của một lộ trình rõ ràng cũng như một người có khả năng đương đầu tốt hơn với những chuyển biến mới trong lĩnh vực công nghệ.
Cho dù thế nào đi nữa thì đối với nhiều nhân viên, Intel nay đã khác xưa rất nhiều. Một cựu nhân viên từng dành hơn 30 năm làm việc tại công ty cho biết “Tôi đã làm việc tại Intel khá lâu nhưng 1-2 năm trở lại đây đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên trước những gì đang diễn ra. Intel đã thay đổi quá nhiều so với khi tôi mới vào làm.”
Đào thải lớp nhân viên lớn tuổi
Trong đợt cải tổ lần này, con số 12.000 người bị sa thải mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nhiều nhân viên Intel tin rằng Krzanich đang muốn “thay máu” toàn bộ công ty bằng cách thế chỗ những viên ngoài tuổi 40 bằng những người trẻ tuổi hơn với nhiều ý tưởng phá cách và táo bạo hơn.
Trên thực tế, theo số liệu Intel công bố cho các nhân viên bị sa thải, 79% lượng nhân viên bị sa thải tại các công ty Mỹ là những người đã qua tuổi 40. Trong đợt cắt giảm nhân viên hồi tháng 4 vừa qua của Intel, những người thuộc nhóm U40 cũng có nguy cơ bị sa thải cao gấp 2,5 lần so với nhóm còn lại.
Nhìn vào thực trạng hơn 60% nhân sự của Intel đều thuộc nhóm U40, con số trên có lẽ không có gì quá ngạc nhiên. Thêm vào đó, những con số này cũng chưa phản ánh hết toàn bộ cuộc tái cơ cấu bởi nó chưa bao gồm các nhân viên không mang quốc tịch Mỹ và mới chỉ là tính những người bị sa thải đợt đầu tiên. Tuy nhiên, nhìn chung thì nhóm nhân viên 40 tuổi vẫn là đối tượng dễ mất việc nhất.
Một nhân viên cũ của công ty lại cho rằng “Việc Intel đẩy bớt lứa nhân sự lớn tuổi và dạn dày kinh nghiệm đi có thể mang lại chút lợi ích ngắn hạn cho tình hình tài chính của công ty nhưng về lâu dài sẽ là một sai lầm.”
Tuy vậy, không phải ai cũng phản đối các sáng kiến của Krzanich. Một cựu nhân viên cấp cao của Intel, người đã có tới hơn 20 năm làm việc tại công ty trước khi bị sa thải trong đợt cắt giảm vừa qua cho biết đây là một bước đi vì lợi ích lâu dài cho công ty.
Ông cho biết tổng số nhân lực của Intel đã tăng từ 100.000 người năm 2011 lên đến 112.000 năm 2016. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ 2011-2016, doanh thu của công ty vẫn dậm chân tại chỗ ở mức 55 tỷ USD cùng mức lợi nhuận ngày càng giảm. Qua đợt cải tổ lần này, Intel lên kế hoạch tính tới giữa năm 2017 có thể cắt giảm chi phí tới 1,4 tỷ USD và đưa mức lương trên đầu người lên cao nhất trong lịch sử công ty.
Nhân viên này cũng cho biết “Đội ngũ nhân lực hiện nay của Intel đã khá già cỗi, và để cải tổ công ty, không có cách nào khác bạn buộc phải thải loại bớt những người này”.
Đáp lại câu chuyện trên, Intel có gửi một bản thông báo trong đó viết rằng:
“Công cuộc tái cơ cấu của chúng tôi là một sáng kiến toàn diện được thiết kế ra để chuyển dịch công ty từ sản xuất chip PC sang thành một hãng cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây cũng như chip cho hàng tỷ thiết bị thông minh trong tương lai. Các quyết định sa thải được dựa hoàn toàn trên năng lực của từng người và những đòi hỏi thực tế của công ty trong chiến lược mới. Những yếu tố như tuổi tác, chủng tộc, quốc tịch, giới tính,… đều không liên quan gì tới quyết định họ có được làm việc tiếp hay không. Chúng tôi cam kết sẽ giúp đỡ, hỗ trợ tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc cải tổ này".
Thuê các vị trí cấp cao từ ngoài
Ngoài việc “trẻ hóa” nguồn nhân lực, Intel còn tiến hành một số chiến lược chưa từng có trong quá khứ: thuê các quản lý cấp cao từ bên ngoài.
Trang tổng hợp các lãnh đạo công ty hiện nay cho thấy có tới 1/3 trong số 23 quản lý top đầu được thuê lại từ các công ty khác trong những năm gần đây.
Và người đại diện tiêu biểu nhất của làn sóng thuê ngoài này là Dr. Venkata “Murthy” Renduchintala, chuyên viên được Intel trả tới 25 triệu USD đề giành về từ tay Qualcomm.
Không quá nổi bật với những người không ở trong ngành công nghiệp bán dẫn nhưng Renduchintala đã có 10 năm làm việc tại Qualcomm và nắm giữ tới vị trí lãnh đạo mảng chip của hãng này. Hầu hết những người từng tiếp xúc đều đồng ý rằng ông rất thông minh, lãnh đạo tốt và cũng đòi hỏi rất cao trong công việc.
Một cựu nhân viên Qualcomm cho biết “Nếu bạn tình cờ ghé qua phòng làm việc của Murthy thì rất có khả năng bạn sẽ nghe thấy tiếng ông đang quát tháo hay phàn nàn ai đó. Ông ấy không bao giờ ngại thể hiện quan điểm riêng của mình một cách vô cùng cứng rắn.”
Tại Intel, Renduchintala giữ vai trò lãnh đạo mảnh chip PC, điện thoại và IoT với quyền lực chỉ đứng sau CEO Krzanich. Trong suốt thời gian công bố báo cáo tài chính và giải trình với các cổ đông tháng 4 vừa qua, Krzanich đã ủng hộ ông rất nhiều và có nói với các nhà đầu từ rằng Renduchintala sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra lại tất cả các sản phẩm trước khi công ty hoàn thiện kế hoạch tái cơ cấu.
Linley Gwennap, chuyên gia phân tích của Linley Group cho biết: “Krzanich đang cố đưa những chiến lược mới vào điều hành công ty, nhưng điều đó cũng khá khó thực hiện bởi trước nay Intel có cơ chế đề bạt nội bộ cho các vị trí cấp cao. Krzanich muốn làm đảo ngược lại tất cả nên tôi nghĩ ông ấy đang cố đưa những nhân sự bên ngoài vào các vị trí cao nhất.”
Mặc dù nắm giữ vị trí rất cao trong Intel nhưng Renduchintala lại luôn giữ một hình ảnh bình thường giản dị. Hầu hết các nhân viên đều cho biết họ chưa từng thấy ông xuất hiện trước công chúng.
Tuy nhiên, nhiều nhân viên Intel cũng không thực sự ủng hộ Renduchintala sau bài nói chuyện của ông vào tháng 5 vừa qua. Theo một khảo sát được thực trên trên ứng dụng công sở Blind, 94 trong tổng số 95 nhân viên Intel cho biết qua bài phát biểu, họ “chỉ thấy được tầm nhìn chứ không thấy một chiến lược cụ thể nào” hay “chẳng thấy cả tầm nhìn lẫn chiến lược”. Chỉ có duy nhất một người cho rằng Renduchintala đã thuyết trình rất tuyệt vời.
Không còn là một hãng chip PC
Tất cả những thay đổi này đều đến như một hậu quả của việc thị trường PC đang trên đà lao dốc. Trong quá khứ, Intel từng kiếm được rất nhiều tiền từ chip PC, nhưng bây giờ cũng đành phải thừa nhận thực tế rằng hãng cần một hướng đi khác để bù trừ lại những mất mát trên thị trường PC.
Doanh số bán PC lao dốc sau 5 năm kể từ khi lên đỉnh vào 2011 (đơn vị: triệu chiếc)
Chuyên viên phân tích Stacy Rasgon cho rằng Krzanich đang cố xoay hướng Intel từ chỗ phụ thuộc vào PC sang các ngạch khác. Những hướng đi mới có thể không mấy dễ dàng nhưng là điều thiết yếu cần làm lúc này.
Theo đó, các mảng kinh doanh hiện nay của Intel đều xoay quanh mảng cung cấp máy chủ và trung tâm dữ liệu, hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận nhanh chóng với 90% thị phần trong tay. Năm ngoái, mảng cung cấp trung tâm dữ liệu của Intel đã giúp hãng kiếm về 16 tỷ USD doanh thu, 1/3 tổng số doanh thu cả năm. Hiện công ty đã dành một số vốn không nhỏ cho các hoạt động từ nghiên cứu, phát triển đến marketing cho mảng kinh doanh này, cùng lúc đó cắt bớt kinh phí cho mảng sản xuất chip các thiết bị IoT.
Rasgon cũng cho rằng Intel đã làm khá tốt việc chuyển về mảng kinh doanh truyền thống sang các mảng mới.
Đã 3 tháng trôi qua kể từ khi Intel công bố cắt giảm nhân viên. Kể từ đó đến nay, tất cả các bộ phận của công ty đều phải làm việc không ngừng nghỉ và được yêu cầu phải lọc ra một số nhất định các nhân viên thể hiện kém, những người có thể sẽ phải đối mặt với việc bị sa thải.
Điều này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới văn hóa nội bộ của công ty. Một kỹ sư 28 tuổi của Intel cho biết anh luôn có cảm giác như đang làm việc cho một công ty không cần mình và thật khó để nhóm lại được ngọn lửa nhiệt huyết trước đây. Người này cũng kể về một lần đi lượn qua khu căng tin cũng có nhìn thấy một loạt ghế mới được công ty đánh dấu là “Dành cho NEO” – viết tắt của New Employee Orientation (Buổi định hướng cho nhân viên mới) như để gia tăng thêm áp lực cho thế hệ các nhân viên cũ như anh.
Trí Thức Trẻ/ Genk