MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện "Con Cò" và bài học "xuề xòa, dễ dãi mới ăn tiền"

11-12-2017 - 07:23 AM | Sống

Khác biệt giữa một thách thức và một cơ hội chỉ nằm ở thái độ của bạn. Khi niềm tin của bạn lớn hơn nỗi sợ hãi, thách thức sẽ biến thành cơ hội của bạn.

Thành ngữ có câu "kén quá hóa hỏng" bắt nguồn từ việc nếu kén của con tằm để lâu sẽ dính chặt vào hom khó gỡ ra - để lâu sẽ quá lứa lỡ thì. Cũng vậy, trong cuộc sống, nếu cứ quá cầu toàn, quá lựa chọn để mọi thứ được như ý mình thì rất khó, thậm chí có khi còn hỏng việc.

Câu chuyện ngụ ngôn "Con Cò" của La Fontain do Tú Mỡ dịch cũng là một bài học cho những người quá cầu toàn kén chọn. Chuyện kể rằng:

Mỏ dài tra cán cổ dài

Chú Cò trên bộ chân choài khẳng khiu,

Đi đâu thất thểu, lều nghều,

Cò dạo bước một chiều chơi rong,

Nó đi theo rẻo bờ sông

Dòng êm sóng lặng, nước trong, đẹp trời.

Mẹ đĩ Chép nhởn nhơ bơi

Cùng cha cu Trắm lượn chơi nghìn vòng.

Sát bờ cá lội thong dong,

Cò ta chỉ đớp là xong, khó gì.

Nhưng Cò còn khảnh, chờ khi

Ngấu hơn tí nữa, khai tì ngon ơ.

Kiêng khem, ăn uống đúng giờ.

Thường chúng ta luôn có tâm lý chờ đợi, lựa chọn những cơ hội tốt nhất, phù hợp nhất với mình mà bỏ qua những cơ hội khác đang ở ngay trước mắt. Đặc biệt, những người trẻ hiện nay thường chấp nhận cảnh thất nghiệp dài dài mà vẫn thẳng thừng từ chối đón nhận những cơ hội việc làm "kém miếng" hơn mong đợi vì cảm thấy công việc chưa tương xứng với bản thân. Đây cũng là một phần nguồn cơn của nghịch lý “thừa thiếu” trên thị trường lao động hiện nay và khá phổ biến ở những người trẻ.

Nhiều chuyên gia tuyển dụng cho rằng với những người trẻ, kén việc đôi khi bất lợi nhiều hơn là có lợi. Hãy xem mỗi công việc là một cơ hội thử thách. Làm việc trái ngành nghề đào tạo, chưa phù hợp với sở thích, mong muốn cũng là một cách để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị cho những bước tiến tiếp theo trong sự nghiệp. Tiếp chuyện chú Cò:

Lát sau Cò đói, dạo bờ ngó trông,

Cá Rô từ dưới đáy sông

Ngoi lên mặt nước, lượn vòng xung xinh.

Chú Cò ngủng nghỉnh làm thinh,

Chờ mồi thật thích khẩu mình mới xơi,

Lắc đầu chê hẩm chê hôi :

"Cò đây đừng tưởng như ai mà rằng!

Cá rô xứng miệng ta chăng,

Đồ tồi ấy chẳng thèm ăn, tanh mồm".

Chê Rô, Cò gặp Bống còm:

"Bống ư, đâu phải bữa tươm nhà Cò!

Trời ơi, trời có thấu cho,

Thứ này há mỏ nuốt vô sao đành!".

Còn là há mỏ suông tình,

Cá đi mất hết, tép ranh chẳng còn.

Bấy giờ đói đã nổi cơn,

Cò thôi đỏng đảnh, mừng rơn sướng rền

May còn vớ được con sên.

Trong cuộc sống, nhiều lúc hãy tạm bằng lòng với những gì mình có để làm tiền đề phấn đấu cho những ước mơ xa hơn - đặc biệt đừng đốt cháy giai đoạn, hay tích lũy đủ kinh nghiệm trước khi dấn thân vào lĩnh vực mới để không bị thất bại. Thực ra mọi việc trong cuộc sống đều do bạn lựa chọn, hãy chọn sớm đừng để đến lúc vào đường cùng phải tận dụng nốt lối thoát nơi ngõ hẻm.

Thành bại của con người nằm ở chỗ họ nhìn nhận và xác định chỗ đứng của mình như thế nào. Nếu bạn có những suy nghĩ tích cực thì mọi thứ xung quanh sẽ là điểm tựa tốt nhất để bạn hoàn thiện bản thân. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực và thái độ ỷ lại, thì mọi thứ lại chỉ có thể là vốn liếng để bạn tiêu xài phung phí. Những người luôn nhìn thấy và nắm bắt cơ hội ở bất cứ nơi nào thì rất ít khi thất bại.

Người thành công là luôn nắm bắt và tận dụng mọi cơ hội đến với mình. Cơ hội chỉ gõ cửa một lần. Nó có thể tốt hoặc xấu hơn nhưng không có cơ hội nào như nhau cả.

Câu chuyện "Con Cò" còn một đoạn kết:

Khó tính làm chi, việc chẳng nên,

Xuề xòa dễ dãi mới ăn tiền.

Tham vơ món bở thường khi hỏng

Mất cả chì chài trớn mắt lên.

Chê ỏng chê eo đừng quá quắt,

Nhiều no ít đủ chẳng lo phiền.

Bằng lòng với cuộc sống hiện tại cũng là một cách sống. Không phải bằng lòng để không có ý chí phấn đấu, mà bằng lòng để lấy bàn đạp vươn lên. Có điểm tựa mới có lực xuất phát. Khác biệt giữa một thách thức và một cơ hội chỉ nằm ở thái độ của bạn. Khi niềm tin của bạn lớn hơn nỗi sợ hãi, thách thức sẽ biến thành cơ hội của bạn.

Lan Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên