Các tập đoàn gia đình Hàn Quốc đua nhau vươn ra thế giới
Theo dữ liệu mới được công bố hôm 5/6, năm 2012, 43 tập đoàn gia đình có nhiều chi nhánh ở nước ngoài hơn gấp đôi so với các chi nhánh ở Hàn Quốc khi họ tìm cách mở rộng kinh doanh ở nước ngoài.
Dữ liệu tổng hợp được của hệ thống giám sát tài chính Hàn Quốc cho thấy, tính đến cuối năm 2012, số lượng các chi nhánh ở nước ngoài của các tập đoàn gia đình hay còn gọi là ‘chaebol’ này là 2693, nhiều hơn gấp đôi so với các chi nhánh tại Hàn Quốc.
Tập đoàn Samsung có nhiều nhất với 446 chi nhánh ở nước ngoài, nhiều hơn gấp gần 6 lần so với 76 chi nhánh ở Hàn Quốc.
Sau Samsung là Tập đoàn Hyundai Motor, nhà sản xuất ôtô lớn thứ 5 trên thế giới, với 233 chi nhánh nước ngoài, trong khi đó chi nhánh ở Hàn Quốc là 57.
SK Group, tập đoàn lớn thứ ba của Hàn Quốc có các mảng kinh doanh từ truyền thông di động đến lọc dầu, đứng ở vị trí thứ 3 với 218 chi nhánh ở nước ngoài, nhiều hơn gần gấp 3 so với 81 chi nhánh trong nước.
Số liệu cũng cho thấy các chi nhánh ở nước ngoài của tập đoàn LG và Tập đoàn Lotte tương ứng là 253 và 200. Trong khi đó, tập đoàn LG có 60 và Lotte chỉ có 74 chi nhánh ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, vẫn có một số ‘chaebol’ có chi nhánh trong nước nhiều hơn là ở nước ngoài. Ví dụ như Shinsegae Group, nhà bán lẻ lớn thứ hai của Hàn Quốc, có 28 chi nhánh tại Hàn Quốc và 5 chi nhánh ở nước ngoài.
Những tập đoàn này thành lập các chi nhánh ở nước ngoài khi họ xâm nhập vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, có một số chi nhánh nước ngoài hiện đang bị cáo buộc là nhằm mục đích rửa tiền.
Những nghi ngờ này xuất phát từ việc ‘chaebol’ thành lập các chi nhánh ở những nơi đánh thuế thấp. Một trường hợp mới nhất bị phát hiện là tập đoàn thực phẩm và giải trí CJ. CJ đã bị cáo buộc có một khoản quỹ ‘đen’ khổng lồ ở nước ngoài và trốn thuế.
Theo Phạm Khánh