MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặt vé online: Xu hướng mới của startup VN hay chỉ là bong bóng xịt?

12-09-2014 - 14:11 PM |

Rất nhiều startup mô hình booking online đã và đang phát triển tại thị trường Việt Nam, liệu nó có giúp kích cầu ngành công nghệ và Thương mại điện tử?

Trong một dịp công tác tại Sài Gòn, tôi được người bạn đang hoạt động trong lĩnh vực giải trí mời đi cafe. Câu chuyện không có gì đặc biệt cho đến khi ra về, bạn tôi sử dụng Uber để gọi xe. Khá ngạc nhiên vì theo những gì trong tiềm thức, tôi định hình rằng đó là một người cập nhật công nghệ có phần chậm, làm sao anh ấy có thể bắt kịp xu hướng với dịch vụ còn đang chập chững bước chân vào Việt Nam này?

Bạn tôi cho biết do “làm nghề giải trí, mỗi lần dự sự kiện không thể đi taxi vì hơi bôi bác, lại càng không thể đi xe máy, mua ô tô thì chi phí lớn quá. Uber đáp ứng tốt về việc cung cấp ô tô đi lại mà không treo biển taxi, giá thành lại rẻ nữa”. Thật ra không chỉ dừng lại ở các ứng dụng đặt xe, mô hình đặt chỗ (booking) đã và đang phát triển một cách rất mạnh mẽ như “cơn sóng” groupon, bán lẻ trực tuyến, mạng xã hội… Thậm chí nó còn có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy ngành Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam.

Tiên phong trong thầm lặng

Không truyền thông rầm rộ, không khua chiêng gõ trống ồn ào như những phong trào start-up trước đây, song không vì thế mà booking online chịu lép vế. Mô hình này phát triển với một số lượng lớn các đơn vị, công ty khởi nghiệp và đa dạng hóa cả về loại hình dịch vụ.

Đầu tiên, đi đầu trong làn sóng này phải kể đến chính những dịch vụ bán vé của các rạp chiếu phim CGV, Lotte Cinema hay Galaxy Cinema v..v… Sau đó là dịch vụ đặt vé của các hãng hàng không như Vietnam Airline, Jetstar, VietJetAir và một số hãng hàng không khu vực Đông Nam Á khác, hay như Vetau của ngành đường sắt Việt Nam.

Picture 1
Đặt vé online sẽ giúp giảm thiểu những cảnh xếp hàng mua vé như thế này

Bên cạnh các tập đoàn và tổng công ty lớn, rất nhiều start-up nhỏ lẻ cũng chạy đua với xu hướng mới. Điển hình như dịch vụ đặt vé trực tuyến cho các show, tour lưu diễn trên TicketBox, Mox, VNTIC,... ngoài ra còn có hai startup khác tại Hà Nội là Sukienvui và Tacke nhưng theo ghi nhận tới thời điểm viết hai, cả hai dịch vụ trên đã có dấu hiệu tạm ngừng hoạt động.

Với mảng đặt văn phòng, khách sạn du lịch, chúng ta đón nhận sự xuất hiện của Agoda và mới nhất là ông lớn Airbnb. Gần đây nhất là hàng loạt ứng dụng đặt xe mà tôi đã nói ở phần đầu bài viết như Uber, GrabTaxi, EasyTaxi.

Picture 2
Agoda là một đơn vị tiêu biểu về mô hình OTA thành công trên thế giới

Mỗi sản phẩm đều phục vụ những mục đích khác nhau với đủ ngành nghề, loại hình, nhưng nhìn chung nó giải quyết đúng vấn đề mà người dùng cần chứ không phải cái người dung muốn, đó là sự tiện lợi và có giá trị gia tăng.

Làn sóng thực sự?

Theo báo cáo về tương lai số ở Đông Nam Á của Comscore năm 2013, công ty sở hữu agoda.com chiếm vị trí đầu tiên về số lượng người truy cập (unique visitor) ở Việt Nam và các nước ĐNA.

Con số thống kê trên có phần đúng vì rất nhiều khách du lịch tới Việt Nam hoặc người Việt đi du lịch đều đặt phòng qua Agoda. Nói ở một tầm lớn hơn thì rõ ràng Agoda đã trở thành "bá chủ" trong ngành này tại Việt Nam, nó dường như là một Google thứ hai dành riêng cho việc tìm phòng khách sạn. Hiện tại đã lượng đặt phòng tại khách sạn 5 sao VN thông qua Agoda đã ở mức 35 - 40%.

Điểm mạnh của Agoda không chỉ ở sự tiện dụng, ở việc không cần gọi điện kiểm tra trực tiếp mà nó còn có thể so sánh giữa các khách sạn cùng khu vực, giúp bạn giữ chắc chắn chỗ với giá cam kết, ngoài ra giá đặt phòng tại đây cũng thấp hơn so với phương thức đặt truyền thống.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi trong lĩnh vực khách sạn, để trống phòng một ngày có nghĩa là ngày doanh thu từ căn phòng đó sẽ mất đi mà không bù lại được. Các khách sạn đều tổ chức nhiều kênh bán hoặc đặt phòng với nhiều mức chiết khấu để giảm tối thiểu số phòng trống mỗi tối. Với thế mạnh có thể mang tới khách hàng ngay lập tức bù chỗ trống, OTA như Agoda được hưởng mức chiết khấu cao nhất, giúp giá phòng rẻ hơn.

Để một start-up hay một dịch vụ thương mại điện tử có thể sống sót đòi hỏi bạn phải tìm ra và giải quyết tốt cái người dùng cần, cho họ cảm giác "sướng". Nó có thể là nhu cầu (need), đơn giản như tôi muốn mua một chiếc vé xem phim ở gần cuối rạp mà không phải đến tận nơi đặt vé. Tôi muốn đảm bảo người ta giữ chắc chắn chỗ đó cho tôi. Hay khi người dùng nhận ra họ không cần tới tận nơi thuê phòng nghỉ, chỉ cần ngồi nhà với máy tính là có thể đặt được, thậm chí giá đặt còn rẻ hơn so với việc đi ngoài trời nắng giữa mùa hè tới địa điểm đó.

Agoda và các dịch vụ OTA khác như Uber, GrabTaxi đã giải quyết tốt nhu cầu, cho khách hàng "sướng" nên việc thành công là điều dễ hiểu. Chúng đang mang lại lợi ích thực tế có thể nhìn thấy ngay cho khách hàng, việc booking online trở thành trào lưu có lẽ chỉ là việc sớm hay muộn.


Picture 4

Rõ ràng khi các dịch vụ booking online ra đời, nó giải quyết được những vấn đề cấp bách như giảm thiểu chi phí phải đi đến tận rạp chiếu phim đặt vé trước. Giải quyết vấn đề thời gian lẫn chi phí đi lại, hay điện thoại khi phải đến một nơi nào đó. Chính những nhu cầu hay mong muốn này đã sản sinh ra những động lực rất lớn để các start-up booking online phát triển và động lực để người dùng sử dụng các dịch vụ này.

Một yếu tố khác phải kể đến đó chính là hạ tầng cơ sở. Trong những năm qua, thương mại điện tử mặc dù được kỳ vọng rất nhiều tại Việt Nam, tuy nhiên nó lại chưa mang lại nhiều giá trị như mong muốn. Đó chỉ là bề nổi mà thôi, nếu nhìn kỹ lại chúng ta sẽ thấy trải qua nhiều năm làm thương mại điện tử tại Việt Nam, các công ty đi trước đã để lại một cơ sở hạ tầng khá tốt như các công nghệ về vận hành, đối soát v..v..đặc biệt phải kể đến việc thanh toán online. Không chỉ dừng lại ở đó, các “bậc đàn anh” đi trước đã giáo dục, giúp cho người dùng hiểu hơn về thương mại điện tử.

 Picture 5

Sắp tới sẽ có nhiều ứng dụng booking được “du nhập” vào Việt Nam nhờ sự phát triển rộng rãi của Smartphone

Khó khăn và thách thức

Tuy là một làn sóng lớn, nhưng mô hình này vẫn gặp phải những rào cản nhất định như những làn sóng khác. Việc có vượt qua được những khó khăn và thách thức này không sẽ quyết định xem đây là một xu hướng thúc đẩy công nghệ VN hay chỉ là những quả bong bóng xịt. Có hai điều tôi muốn nói, đó là những rào cản về tâm lý và nắm bắt đúng thị trường - nhu cầu thị trường.

Sự ra đi của hai dịch vụ sukienvui và tacke của Hà Nội cho thấy thị trường tại đây chưa có đủ cung lẫn cầu về giải trí so với thị trường TP.HCM (có TicketBox và Mox), dẫn đến việc doanh thu không đủ bù đắp chi phí vận hành và giải thể là câu chuyện tất yếu. Giá vé cho mỗi chương trình giải trí trung bình khoảng 100 - 150 nghìn đồng, do vậy phần "hoa hồng" (commission) cho bên thứ ba quá ít.

Ví dụ trên cho thấy dù hệ thống của bạn "ngon" nhưng không nhìn nhận, nắm bắt đúng tình hình thực tế thị trường thì sản phẩm hoàn toàn có thể chết yểu.

 

Picture 6
Trang web sukienvui đã không còn hoạt động nữa

Một yếu tố khác là tâm lý ngẫu hứng của người Việt. Họ thường không lên lịch cho các hoạt động vui chơi giải trí, đặc biệt là ăn uống. Đây cũng là điều dễ hiểu tại sao mà các dịch vụ đặt bàn ăn tại nhà hàng (booking table) vẫn chưa thể định hình và phát triển tại Việt Nam. Rõ ràng trong tiềm thức, nhu cầu phải đặt trước vé cho những chương trình giải trí nhỏ lẻ phổ biến như phòng trà chưa có nhiều, nếu không đặt trước họ vẫn có thể tới trực tiếp để sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh OTA có tiếng như Agoda và sắp tới là Airbnb, vẫn còn rất nhiều mô hình đang phải bù lỗ để dần dần tạo thói quen, educate người dùng, tạo ra nhu cầu như Uber. Theo một nguồn tin không chính thống mà GenK có được thì tất cả xe ô tô của dịch vụ Uber hiện nay đều là xe thuê của một công ty, không phải hình thức chia sẻ phương tiện đi lại lai với dịch vụ booking như của nước ngoài, và họ chấp nhận chịu lỗ để tạo thói quen sử dụng cho người dùng.

Người Việt còn có một suy nghĩ cố hữu, đó là các tập đoàn toàn cầu sẽ chuyên nghiệp, làm việc tốt hơn công ty trong nước. Chính lý do trên khiến rất nhiều OTA VN cạnh tranh với Agoda như iVivu, mangdatphong hay Mytour chưa thể vươn lên, dù theo số liệu từ Comscore, Mytour đứng thứ 2 về lượt truy cập website book phòng tại Việt Nam.

Với những dịch vụ OTA đặt vé xem phim online, có thể thấy rõ "đất sống" của công ty thứ ba gần như không có. Rạp CGV hay Lotte khó có thể chấp nhận chìa API cho hệ thống như TicketBox sử dụng làm trung gian đặt chỗ. Ngoài ra có rất nhiều mô hình dịch vụ phát triển tốt tại Việt Nam như nhà hàng, quán bar, rạp hát chưa có hệ thống tích hợp online, tạo rào cản giữa online và offline.

Bên cạnh những khó khăn trên, chúng ta còn thấy rất nhiều yếu tố như rào cản địa lý, văn hóa, lòng tin hay chính sách chưa thực sự khuyến khích cho các mô hình, dịch vụ tiện ích này có thể phát triển hơn nữa.

Tạm kết

Làn sóng nào cũng vậy, dù cho là booking hay bán lẻ đều gặp phải những rào cản và khó khăn nhất định trong việc vươn lên khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên những rào cản trên không phải quá lớn để có thể ngay lập tức khẳng định được rằng mô hình này sẽ nhanh chóng lụi tàn như Groupon.

Thực tế, nó đã và đang phát triển một cách âm thầm nhưng đủ mạnh mẽ để tạo một cú hích tích cực tới cộng đồng startup công nghệ còn non trẻ của nước nhà. Qua đây chúng ta cũng thấy rằng, trong một hai năm trở lại đây, những đơn vị đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin bắt đầu đi dần vào thực chất thay vì khua chiêng trống hay truyền thông rầm rộ như trước đây.

>> Dịch vụ đặt taxi trực tuyến: Sức mạnh về tay gã khổng lồ?

Tuấn Anh - Đường Tăng

dungtq

Genk/Infonet

Trở lên trên