MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá trị Việt trên đất Phi Châu

01-06-2012 - 17:40 PM |

Mới hơn một năm "chân ướt chân ráo" sang "mở cõi" Mozambique, những gì mà người Viettel làm được thực sự là một kỳ tích. Phần đa trong gần 400 người Việt tại Movitel đều mới chỉ trên dưới 30 tuổi.

Thật xúc động khi chứng kiến giá trị Việt được tỏa sáng, được yêu tin và tôn trọng. Vui hơn, hãnh diện hơn khi làm nên điều này là những người Viettel, những người lính Cụ Hồ, mang thương hiệu Việt “quốc doanh” đã thành danh trên chính quê hương đi cạnh tranh quốc tế. Nói một cách dân dã hơn, họ là những người tiên phong, mang “chuông Việt” đi đánh xứ người…

"Viet Nam, Movitel - OK!"

Chúng tôi đặt chân đến Mozambique vào những ngày đầu đông châu Phi khi cùng đoàn lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel sang khai trương kinh doanh mạng Movitel (thương hiệu của Viettel tại đây). Trái với vẻ khó đăm đăm và hành chính ì ạch khi làm thủ tục nhập cảnh cho những đoàn khách khác, đoàn chúng tôi lại nhận được những sự niềm nở, đầy thân thiện và cùng với đó là thủ tục rất nhanh gọn mang tính "ưu tiên" của các nhân viên an ninh sân bay thủ đô Maputo.

Như hiểu vẻ ngạc nhiên của các nhà báo Việt Nam, một nhân viên an ninh tươi cười giơ ngón tay cái lên trời và nói "Viet Nam, Movitel - OK!". Anh Nguyễn Huy Thọ, TGĐ Công ty Đầu tư quốc tế Viettel (VTG) cũng cười và bảo rằng: "Các anh sẽ còn thấy nhiều điều ngạc nhiên về tình cảm của dân ở đây với người Việt ta. Không phải khoe đâu, nhưng công của Viettel đấy!".

Quả thực, trong những ngày ở đất nước châu Phi này, đi từ thủ đô Maputo đến các tỉnh xa lắc, xa lơ như Tete, Gaza… với cái mác "Viet Nam, Movitel" chúng tôi luôn nhận được sự chào đón ân tình với những nụ cười thiện cảm. Ở Mozambique, khi chạy xe trên đường, nhất là người nước ngoài sẽ rất hay bị cảnh sát, quân đội kiểm tra giấy tờ và "hành" nhưng mỗi khi bị chặn lại, chúng tôi chỉ cần đọc "thần chú" Movitel là được vui vẻ cho qua.

Đặc biệt, điều ngạc nhiên hơn cả đối với chúng tôi là sự kiện khai trương kinh doanh mạng Movitel tổ chức tại thủ đô Maputo, tối 15/5 vừa qua. Sự hiện diện cùng lúc của ngài Tổng thống, Thủ tướng, 18 bộ trưởng trong nội các Mozambique và rất nhiều nghị sĩ Quốc hội tại buổi lễ khai trương của một doanh nghiệp là một điều "xưa nay hiếm" ngay tại quốc gia này và đủ nói lên uy tín, sự yêu mến của chính quyền đối với một thương hiệu Việt còn trẻ măng trên đất nước của họ.

Trong không gian đầy sắc màu dân tộc Mozambique, đích thân Tổng thống Armando Emilio Guebuza đã xúc động nói rằng: "Cách đây hơn một năm, khi Chính phủ cấp giấy phép cho mạng viễn thông thứ ba này, ai đó trong chúng ta còn nghi ngờ về lý do có mặt của Movitel. Nhưng các bạn đã chứng minh được thiện chí và tấm lòng với người dân Mozambique bằng chính hành động của mình. Chúng tôi đánh giá cao sự đầu tư nghiêm túc của Viettel, Movitel vào hạ tầng viễn thông và CNTT của Mozambique; đồng thời trân trọng cảm ơn về những đóng góp của các bạn vào sự phát triển an sinh xã hội của quốc gia mà chương trình internet miễn phí đến các trường học, chương trình tài trợ chính phủ điện tử là những ví dụ sinh động…".

Tôi hỏi anh Thọ: "Vì sao Viettel mới bắt đầu kinh doanh tại Mozambique, tức là chưa có nhiều sự tương tác, chưa có điều kiện tạo thiện cảm thông qua dịch vụ; vậy kênh nào giúp các anh có được sự yêu mến của người dân ở đây đến vậy?". Ông trung tá, TGĐ VTG, vốn là một sĩ quan thông tin trưởng thành từ Quân khu 4 cười hiền và nói một câu rất triết lý: "Nếu chúng ta đến với một thái độ tôn trọng, chúng ta sẽ nhận lại được sự tôn trọng. Ta thật lòng với bạn, bạn sẽ thật lòng với ta. Cứ cho đi, trước khi muốn nhận. Chúng tôi quan niệm, đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh việc kinh doanh thì cần giữ thể diện quốc gia. Trước khi là người lính, là người Viettel, thì chúng tôi là người Việt Nam… Do vậy, Viettel đầu tư trên quan điểm bền vững, dung hòa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng…".

Và anh phân tích, điểm mạnh, lợi thế cạnh tranh của Viettel so với các thương hiệu viễn thông khác trên thị trường này chính là tinh thần "ba cùng" - cùng hợp tác đầu tư, cùng làm và cùng chia sẻ lợi ích - với người bản địa. Trong khi các nhà mạng khác chỉ đầu tư vào những vùng đô thị, tập trung khai thác thu lợi nhuận thì Movitel lại phát triển theo hướng "Mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau", đưa dịch vụ đến với khắp các vùng miền với giá rẻ, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận dịch vụ và hỗ trợ an sinh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của ta là những người bạn sang để cùng làm, cùng chịu đựng gian khổ và chuyển giao kiến thức công nghệ cho nhân viên bản xứ chứ không phải là những ông chủ "cưỡi ngựa xem hoa". Điều quan trọng nữa là "nhập gia tùy tục"; khi mình biết tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục của bạn, họ sẽ có ứng xử tương tự với mình… Có được thiện cảm và sự đồng thuận xã hội, tức là đã có 50% thắng lợi.

Trị giá của thành công

Mặc dù chỉ mới bắt đầu đặt chân sang Mozambique để triển khai đầu tư từ tháng 4/2011, song với nỗ lực vượt bậc, Viettel đã lắp đặt được 1.800 trạm phát sóng, phủ 100% quận huyện, đóng góp trên 50% hạ tầng mạng di động cho quốc gia châu Phi này. Viettel cũng đã lắp đặt hơn 12.600km cáp quang, đóng góp hơn 70% hạ tầng cáp quang toàn Mozambique. Bên cạnh đó, Viettel còn xây dựng được một mạng lưới bán hàng rộng khắp với 50 cửa hàng, 25.000 điểm bán, đại lý trên tất cả các xã để phân phối sản phẩm - dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng. Không chỉ kinh doanh mà công ty còn đào tạo và đem đến công ăn việc làm cho gần 30.000 người dân bản xứ…

Với kết quả này, Movitel của Viettel đã trở thành nhà mạng có hạ tầng tốt nhất, phủ sóng sâu rộng nhất tại Mozambique, vượt qua các nhà mạng khác như MCel hay Vodacom (là những thương hiệu lớn, đã có hàng chục năm khai thác tại thị trường này).

Làm lễ chúc phúc cho trạm BTS của Movitel.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2012, Viettel sẽ đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng mạng lưới tại Mozambique lên 20.000 km cáp quang; 3.200 trạm phát sóng (tiếp đó sẽ nâng lên 4.000 trạm) phủ sóng tới 80% dân số và dự kiến đạt 2,5 triệu thuê bao với doanh thu khoảng trên 60 triệu USD để bắt đầu có lãi. Viettel quyết tâm đưa Movitel trở thành nhà mạng số 1 về mọi mặt tại Mozambique vào năm 2013 và mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực khác như truyền hình cáp, truyền hình mặt đất tại đây. Mozambique cũng được Viettel coi là "bàn đạp" để mở rộng đầu tư sang Kenya, Tanzania và Cameroon, hình thành hệ thống dịch vụ viễn thông mạnh tại khu vực châu Phi.

Có thể nói rằng, chỉ với hơn một năm "chân ướt chân ráo" sang "mở cõi" tại một địa bàn đầy lạ lẫm và khó khăn, những gì mà người Viettel làm được thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ, một kỳ tích. Nhưng, sẽ càng khâm phục hơn, nếu chúng ta biết rằng, kỳ tích ấy được lập nên bởi những người rất trẻ. Phần đa trong gần 400 người Việt tại Movitel đều mới chỉ trên dưới 30 tuổi.

Trong những ngày cùng đoàn công tác đi khảo sát địa bàn, chúng tôi đã gặp và ấn tượng vô cùng với những người Viettel trẻ tuổi. Đó là hình ảnh ở Chi nhánh Movitel tỉnh Tete, nơi cách xa Matupo gần 2.000km, cả một địa bàn rộng lớn, từ đầu đến cuối tỉnh dài hơn 500 km, vừa phải triển khai mở tuyến, lắp trạm vừa phải triển khai kinh doanh, vậy mà toàn chi nhánh chỉ có 14 cán bộ người Việt Nam.

Họ phải ngày đêm đi tuyến, bám trụ địa bàn, làm việc trong một điều kiện hết sức gian khổ, nhiều lúc dưới cái nóng 47oC để hoàn thành nhiệm vụ được giao là lắp đặt hơn 1.000 km cáp quang, gần 70 trạm BTS và triển khai công tác phát triển dịch vụ xuống từng làng xã. Đó là hình ảnh Giám đốc Chi nhánh Tete Dương Anh Đức, mới 27 tuổi đời, nhưng đã có thâm niên 2 năm làm việc tại Viettel Campuchia rồi lên đường bay thẳng Mozambique, về quê lấy vợ, sau một tuần lại đi ngay. Đức xốc vác và điều hành công việc bằng "5 thứ tiếng".

Thật lạ lùng, do bất đồng ngôn ngữ, để truyền đạt một vấn đề với những nhân viên Mozambique, nhiều khi Đức dùng cả tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Việt, ngôn ngữ cơ thể và cả… thổ ngữ Quảng Bình quê anh, chắp nối mỗi thứ một từ, vậy mà công việc vẫn trôi chảy… Và đó là hình ảnh chàng thanh niên Hà Nội Trương Việt Hùng, Trưởng trạm của Movitel tại Chokwe. Hùng là người Việt Nam duy nhất ở đây cùng với đội ngũ nhân viên Mozambique, chịu trách nhiệm "cai quản" một diện tích 65.000 km2 (rộng bằng vài tỉnh ở Việt Nam) với 35.000 dân thuộc 7 huyện của tỉnh Gaza.

Người dân nóng lòng chờ mua sim Movitel.

Kể đôi chút vậy để phần nào hình dung trị giá của thành công mà người Viettel "làm một năm bằng nhà mạng khác làm 10 năm" ở đất này cũng phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, sức lực và cả những hy sinh. Nhưng có một điều mà chính chúng tôi cũng băn khoăn là làm thế nào mà những người lãnh đạo Viettel lại có thể "lôi kéo" được những bạn trẻ Việt Nam đến với vùng đất lạ này? Thổi vào họ một ước mơ chinh phục, khám phá thôi thì chưa đủ. Ưu đãi về tài chính cũng không hẳn vì mức lương mà Viettel chi trả chưa hẳn đã cao. Và sẽ là sáo rỗng chăng, nếu ta chỉ nói về khát vọng cống hiến…

Đem băn khoăn này hỏi Đại tá, Phó TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng, anh cười và bảo: "Những điều bạn nói đã đúng một phần, nhưng quan trọng hơn là với văn hóa Viettel, dù đã đứng vào hàng ngũ quân đội hay chưa, mỗi nhân viên của chúng tôi đều xác định mình là chiến sĩ và sẵn sàng "ra trận" bất cứ lúc nào. Mặt khác, ở tập đoàn chúng tôi, bao giờ cũng vậy, tướng đi trước, quân đi sau. Người lãnh đạo bao giờ cũng phải làm gương, phải là người tiên phong mở đường, anh em cứ nhìn đó mà theo… ". 

Còn tôi, tôi nghĩ rằng, người Viettel rất giỏi truyền lửa; những người trẻ này tin rằng, những nỗ lực của họ hôm nay chính là thành quả họ hưởng ngày mai. Họ nhìn vào người lãnh đạo của mình mà làm việc. Họ tin sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với cống hiến của mình. Quan trọng hơn, họ cống hiến hết mình vì biết rằng mình được hậu thuẫn, được đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai và phía sau họ luôn là một hậu phương vững chắc…

Mozambique là quốc gia thứ 4 (ngoài Việt Nam) mà Viettel đầu tư đã đi vào hoạt động sau Campuchia, Lào và Haiti. Thật may khi cả ở 4 nước Viettel đều đã gặt hái được những thành công bước đầu. Năm 2011, từ nguồn đầu tư nước ngoài, họ đã chuyển về nước được những đồng đôla đầu tiên (40 triệu), đồng thời gây dựng tại các nước bạn một hạ tầng kinh doanh vững chắc ở vị thế dẫn đầu. Dự kiến, đến hết năm 2012 này, tập đoàn sẽ chuyển thêm về nước  80 triệu USD và sẽ có thị trường nước ngoài lớn gấp 2 lần trong nước… Trong khát vọng hướng ra biển lớn với hành trình mục tiêu "một tỉ dân - một tỉ khách hàng", có thể nói, những  thành quả nêu trên thật đáng khích lệ.

Chia tay Mozambique, tôi cứ nhớ mãi câu nói của anh Nguyễn Mạnh Hùng: "Mang tiền Nhà nước đi nước ngoài đầu tư, chúng tôi không ngại khó ngại khổ và luôn nỗ lực để có được thành công cao nhất. Nhưng bạn biết đấy, mười vụ, thắng bảy thua ba mà tổng thể là thành công rồi. Chứ mười vụ thắng cả mười là điều không thể. Vì thế, chúng tôi rất cần cái nhìn cảm thông, chia sẻ của những người ở nhà. Hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, nhiều khi không chỉ là lợi nhuận…"

Theo Phạm Nguyễn
An ninh Thế giới

tanhoa

Trở lên trên