MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới “hái ra tiền” nhờ kinh doanh bóng đá

26-01-2012 - 12:10 PM |

Kinh doanh bóng đá là một trong những “miếng mồi ngon” ở những nước có nền bóng đá phát triển bởi nó giúp các ông chủ “hái ra tiền” nhờ muôn vạn cách kinh doanh.

Bán bản quyền truyền hình

Truyền hình đóng vai trò rất quan trọng trong các giải đấu và nó thậm chí quyết định sự sinh tồn của mỗi đội bóng. Ở nhiều nước, ban tổ chức giải có thể đưa ra một nguyên tắc chung về bán bản quyền truyền hình của giải đấu, nhưng có những nơi, câu lạc bộ lại có quyền tự đàm phán bản quyền truyền hình một cách riêng rẽ.
 
Hiện nay, ở các nền bóng đá phát triển như Anh, Italia, Tây Ban Nha...bản quyền truyền hình bán cho ai và giá cả ra sao là do ban tổ chức quyết định. Đối với truyền hình trong nước, số tiền thu được sẽ chia theo tỷ lệ nhất định, trong đó có khoản phần trăm chia đều cho các đội tham gia giải, khoản chia cho các đội theo vị trí xếp hạng cuối mùa giải và phần trăm đảm bảo hạ tầng các trận đấu được phát sóng trên truyền hình. Với truyền hình bán ra nước ngoài, tiền bản quyền thường được chia bình đẳng cho các đội.

Bản quyền truyền hình không chỉ quan trọng với đội bóng, mà đó còn là miếng bánh ngon lành mà các hãng truyền hình thường phải cạnh tranh khốc liệt.

Chuyển nhượng cầu thủ

Các câu lạc bộ khổng lồ như Manchester United, Real Madrid hay Chelsea đều mang hình thù công ty thương mại hơn là một công ty thuần túy. Các ông chủ của những đội bóng này thường nói tới bóng đá bằng những ngôn ngữ kinh tế nhiều hơn. Họ chỉ coi câu lạc bộ như một thương hiệu, người hâm mộ là khách hàng còn cầu thủ và địa điểm thi đấu là thị trường.

Có những câu lạc bộ không ngần ngại chi ra cả đống tiền để mua được cầu thủ danh tiếng, bởi theo tính toán, ngoài những bàn thắng mang lại, tên tuổi của câu lạc bộ được đánh bóng, các ông chủ còn thu được gấp nhiều lần số tiền họ bỏ ra nhờ chính cầu thủ này đem lại. Hay cũng có những đội bóng chuyên đào tạo các cầu thủ giỏi, mua lại cầu thủ giỏi rồi sau đó chuyển nhượng để ăn tiền chênh lệch.

Trong lịch sử, có thể nhắc tới một số thương vụ chuyển nhượng đình đám như Christiano Ronaldo (từ Manchester United sang Real Madrid, giá 94 triệu Euro, năm 2009), Zinedine Zidane (từ Juventus sang Real Madrid với giá 76 triệu Euro vào năm 2001), Zlatan Ibrahimovic (từ Inter sang Barcelona, giá 66 triệu Euro, năm 2009), Kaka (từ AC Milan đến Real Madrid, giá 65 triệu Euro, năm 2009), Andry Shevchenko (từ AC Milan đến Chelsea, giá 46 triệu Euro, năm 2006), David Beckham (Manchester United tới Real Madrid, 35 triệu Euro, năm 2003), Wayne Rooney (từ Everton đến Manchester United, giá 27 triệu Euro, năm 2004)…


Vụ chuyển nhượng Christiano Ronaldo từ Manchester United sang Real Madrid
 năm 2009 được xem là đình đám nhất trong lịch sử

Cá cược

Cá cược bóng đá được xem là hợp pháp ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước có nền bóng đá phát triển mạnh như Anh, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…Đây là hình thức kinh doanh mà ở các câu lạc bộ thường không được tham gia vì lo sợ xảy ra bán độ.

Các tổ chức hoặc các nhà đầu tư lớn, mà thường nhất là những “tay anh chị khét tiếng” sẽ lập nên một “nhà cái”, giống như một sòng bạc. Nhà cái sẽ có các chuyên gia về bóng đá, nghiên cứu từng trận sau đó đưa ra độ chuẩn xác (tỷ lệ) để cho khán giả đặt cược. Hình thức kinh doanh này thường đem về cho nhà cái những khoản tiền khổng lồ và họ hiếm khi lỗ.

Trên thế giới hiện có các nhà cái lừng danh và chuyên nghiệp như Wiliam Hill, Bwin…

Dịch vụ ăn theo

Được đến thăm các sân nhà của Manchester United, Chelsea, Bayern Munich, AS Roma, Inter Milan, Real Madrid…hẳn là mơ ước của nhiều người, khi họ có thể tận mắt chứng kiến những khán đài, phòng thay đồ, nhà bảo tàng, nhà ăn…của các cầu thủ mà họ yêu mến. Tận dụng lợi thế này, các ông chủ của các đội bóng đã không ngần ngại mở các dịch vụ kinh doanh và “hốt bạc” từ khách du lịch.

Các đội bóng thường tổ chức các Stadium tour trong những ngày không có bóng đá để du khách có thể được thăm các khán đài đầy đủ tiện nghi, phòng thay quần áo của các cầu thủ nổi tiếng, nhà bảo tàng. Tất nhiên trong tour này, khách hàng cũng sẵn sàng xếp hàng dài để mua đồ lưu niệm với giá cao ngất trời. Một người đam mê Bastian Schweinsteiger (CLB Bayern Munich) hay Cristiano Ronaldo (Real Madrid) có thể bỏ ra hàng chục Euro để khuân về từ chiếc tách uống cà phê, bàn chải đánh răng, khăn tắm của các cầu thủ này được bày bán ở quầy lưu niệm.


Sân Old Trafford giúp Manchester United kiếm bộn tiền nhờ dịch vụ Stadium tour

Có những đội bóng như Manchester United còn kinh doanh cả rạp chiếu phim. Các hội viên của câu lạc bộ hoặc những fan của đội bóng lại có các chương trình đi cùng đội bóng đến thi đấu tại các thành phố khác hoặc du lịch nước ngoài để xem đội thi đấu với nhiều giá cả trọn gói khác nhau.

Cùng với bán bản quyền truyền hình, nhiều đội bóng còn mở thêm kênh truyền hình và phát thanh riêng, chẳng hạn người xem có thể trả tiền để xem ba trận đấu liên tiếp nhau hoặc thuê bao xem cả mùa bóng với những chương trình phỏng vấn, những hình ảnh nổi bật độc quyền của đội…

Cũng có những đội bóng như Chelsea sẵn sàng tổ chức các tour gặp gỡ những cầu thủ từng tạo nên lịch sử cho đội bóng này với giá khoảng 50 bảng Anh. Hay như một vé trọn gói để được xem trận đấu, khách hàng chỉ cần bỏ ra 250 – 300 bảng là được phụ vụ ăn buffet, có rượu vang và chỗ ngồi riêng biệt.

Ngoài ra, các đội bóng không quên liên kết với các dịch vụ khách sạn, quán bar, trung tâm chăm sóc sức khỏe hạng Vip để quảng cáo tới các khán giả mỗi khi có trận đấu diễn ra ở gần khu vực đó.

Quốc Anh

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên