MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện phái sinh là “zero sum game”

BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về câu chuyện chứng khoán phái sinh đang "nóng" trên thị trường hiện nay.

Theo thống kê của HNX, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 98,34% tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai. Nhà đầu tư tổ chức trong nước mới chỉ chiếm 1,54%, tập trung chủ yếu vào hoạt động tự doanh của các CTCK. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,12% giao dịch toàn thị trường. Ông có bình luận gì về những con số này?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) được xây dựng từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Trong thời gian đầu, được sự đồng ý của Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HNX chỉ đưa ra một sản phẩm đầu tư, đó là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 . Các nhà đầu tư cá nhân được phép tham gia thị trường này như là một hình thức đào tạo thực tiễn, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm về thị trường này.

Thời gian đầu khai trương, quy mô TTCKPS còn nhỏ, do đó sản phẩm được lựa chọn là hợp đồng tương lai trên chỉ số chứ không phải hợp đồng tương lai trên từng cổ phiếu riêng lẻ cũng là để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ quan điểm đó, việc tham gia giai đoạn đầu TTCKPS của hầu hết các nhà đầu tư cá nhân, chưa có sự tham gia nhiều của nhà đầu tư tổ chức không có gì lạ. Quy mô TTCKPS chưa đủ lớn để hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia. Với quy mô của TTCKPS hiện nay, các tổ chức đầu tư lớn khó tham gia hedging (phòng ngừa rủi ro), nếu họ muốn hedging một lượng lớn hợp đồng thì thị trường phái sinh chưa thể đáp ứng. Ở Việt Nam hiện nay có những công ty Quản lý quỹ có giá trị quỹ khoảng vài chục nghìn tỷ đồng hoặc có công ty đang quản lý hàng tỷ USD.

Có một sự đối lập về thanh khoản của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và giá trị giao dịch của các hợp đồng tương lai, liệu TTCKPS có hút tiền từ TTCK cơ sở sang? Vai trò kênh huy động vốn của thị trường chứng khoán cơ sở theo ông đã bị ảnh hưởng thế nào?

Về việc này phải tính toán liệu TTCKPS có thực sự hút tiền không và con số là bao nhiêu?

Mở ra một kênh đầu tư mới cho nhà đầu tư tham gia việc hút tiền từ các kênh khác là đương nhiên. Khi có thêm kênh đầu tư mới cho người dân lựa chọn, có thể họ sẽ rút tiền gửi tiết kiệm hoặc bán bớt chứng khoán trên HOSE hoặc HNX… để có tiền đầu tư vào chứng khoán phái sinh, cũng như trước đó và hiện nay nhiều người vẫn nói chứng khoán cạnh tranh hút vốn với tiền gửi ngân hàng.

Khi chỉ có một cơ hội đầu tư thì nhà đầu tư có duy nhất một sự lựa chọn, nhưng khi có nhiều cơ hội đầu tư họ sẽ tự “san sẻ” số tiền họ có để đầu tư vào các kênh khác nhau. Đây là câu chuyện “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, phân tán rủi ro, cũng như xem xét lợi nhuận từng kênh trong tổng hoà đầu tư là như thế nào.

Việc nhà đầu tư “rút tiền” từ chứng khoán sang kênh chứng khoán phái sinh là có, nhưng sự rút tiền đó ở mức nào, ảnh hưởng quá như thế nào đến thị trường chứng khoán cơ sở? Sẽ tính toán được khi TTCKPS phát triển ở mức đỉnh điểm thì “hút” được bao nhiêu tiền từ thị trường chứng khoán cơ sở.

Nhìn trên quy mô hợp đồng cho thấy hiện dòng tiền chuyển sang TTCKPS khoảng 60,7 triệu USD, so với quy mô của thị trường chứng khoán cơ sở đang chiếm 70% GDP, khoảng 150 tỷ USD còn quá nhỏ,.

Với bất kỳ thị trường nào, nếu nhà đầu tư cá nhân thua lỗ dẫn đến tâm lý hoảng sợ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không vì thế mà không tạo thêm thị trường mới, kênh đầu tư mới, cắt mất cơ hội của nhà đầu tư… – trò chơi có người thắng kẻ thua, tổng hoà lại bằng không (0), vấn đề lãi - lỗ là bình thường.

Dự báo của ông về triển vọng TTCKPS thị trường chứng khoán cơ sở trong thời gian tới là như thế nào?

TTCKPS là sản phẩm mới và khó. Việc phát triển thị trường này hướng tới 2 mục tiêu: thứ nhất, tăng sản phẩm đầu tư và cơ hội đầu tư; thứ hai, ưu tiêu lớn nhất của TTCKPS là cung cấp công cụ để quản lý rủi ro, từ đó, khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức tham gia, giữ họ lại trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Chẳng hạn, trước đây, nếu thị trường chứng khoán cơ sở có biến động, những nhà đầu tư tổ chức lớn họ sẽ bán hết chứng khoán trong danh mục đầu tư. Nhưng nếu nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào thị trường thì họ phải nộp tiền vào tài khoản để không phải “force sell” - bán giải chấp. Cũng có nhà đầu tư đã hedging trên thị trường chứng khoán phái sinh, họ bỏ ra một chi phí để “short - bán”, nếu thị trường chứng khoán cơ sở giảm điểm, họ lấy lãi trên TTCKPS “đập” vào, giúp tình trạng “force sell” trên thị trường cơ sở ít đi.

Cho nên TTCKPS phải phát triển và nó phải phát triển đúng định hướng, mục đích. Làm sao để tăng cường hoạt động hedging và giảm bớt đi hoạt động đầu cơ, không có nghĩa là chặn đầu cơ, vì bất kỳ thị trường đầu tư nào cũng có đầu cơ.

Thời gian qua, nhiều ý kiến trái chiều về TTCKPS, nhưng trên thế giới một thị trường đầu tư chứng khoán hoàn hảo phải có phái sinh (phòng ngừa rủi ro).

Xin cảm ơn ông!

Theo Lan Anh

BizLIVE

Trở lên trên