Câu hỏi khó của Tổng giám đốc Samsung Việt Nam và chuyện 200.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp
"Các bạn tưởng tượng mình sẽ là người như thế nào trong 30 năm nữa?" là câu hỏi của Tổng giám đốc Samsung Việt Nam năm 2014. Không có nhiều sinh viên, hay thậm chí là cử nhân, thạc sĩ đã ra trường có thể trả lời được. Và gần 200.000 người trong số họ vẫn thất nghiệp.
- 17-08-2016Gần nửa triệu lao động có chuyên môn thất nghiệp
- 07-08-2016Công nhân may mặc có nguy cơ thất nghiệp vì robot
- 30-07-20166 điều chứng tỏ "thất nghiệp" không còn là nỗi ám ảnh của sinh viên mới ra trường
- 11-07-2016Từ chàng trai mù thất nghiệp đến giao dịch viên ngoại hối xuất sắc tại Standard Chartered
Cách đây 2 năm, tháng 11/2014 tại Đại học Kinh tế Quốc dân có một buổi nói chuyện giữa ông Tổng giám đốc công ty Samsung Việt Nam bấy giờ là Shim Won Hwang với 500 bạn sinh viên. Một chi tiết đáng chú ý trong buổi nói chuyện là câu hỏi được ông đặt ra: “Các bạn tưởng tượng mình sẽ là người như thế nào trong 30 năm nữa?". Đáp lại câu hỏi ấy là sự lúng túng của khán phòng, cũng có một vài cánh tay lác đác trả lời, nhưng tựu chung vẫn là sự mơ hồ, không rõ ràng.
Câu chuyện cũ mà như mới khi nhìn vào bản báo cáo vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố.
Theo đó, nhóm lao động có trình độ đại học trở lên và nhóm cao đẳng nghề hiện là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Trong quý II/2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có tới hơn 418.000 người có chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên với hơn 191.000 người, tiếp đến là cao đẳng chuyên nghiệp với 94.800 người và trung cấp chuyên nghiệp với 59.100 người.
Con số 191.000 cử nhân thất nghiệp là con số biết nói. Nó khiến cho người ta không khỏi hoài nghi về những gì sinh viên được học, được dạy ở trường lớp. 4 đến 5 năm học đại học, nhưng các tân cử nhân hầu hết mù mờ về tương lai chính mình. Họ không hình dung ra được mình muốn làm gì, trở thành cái gì.
Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn bị đơn vị tuyển dụng lao động từ chối vì thiếu kỹ năng làm việc, kinh nghiệm. Bởi những gì họ học được trên giảng đường vẫn rất xa lạ so với nhu cầu tuyển dụng.
Ví dụ để trở thành ứng viên tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản, phải có “năng lực giải quyết vấn đề”. Yếu tố hàng đầu này được ông Matsushita Takashi, cố vấn Cao cấp Hình thành Dự án, Văn phòng JICA tại Việt Nam giải thích là khả năng phát hiện, đề ra các hướng giải quyết khi có một sự việc gì xảy ra. Ông Takashi cũng cho biết thêm doanh nghiệp Nhật Bản rất chuộng những nhân viên “không biết nghe lời” mà có suy nghĩ độc lập để tìm ra và bảo vệ ý kiến của mình trước cấp trên.
Hay như ông Shim Won Hwang đã “dội thẳng gáo nước lạnh” vào tư duy bằng cấp của các bạn sinh viên Việt Nam khi tuyên bố Samsung nói riêng và tư duy kinh tế các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung thì “thái độ quan trọng hơn kỹ năng”. Đấy là sự cần cù, khả năng sáng tạo cũng như thái độ với những người xung quanh. Ông CEO người Hàn này cũng tỏ ra nghiêm khắc với tấm bằng đại học khi thẳng thừng tuyên bố “kiến thức nền thì bất cứ ai qua trường lớp cũng có được”.
Thất nghiệp sẽ vẫn là câu chuyện được nhắc dài dài, nhưng để thay đổi nó, không chỉ cần sự kết hợp, giải quyết giữa các bộ ban ngành, mà còn cần thay đổi tư duy của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, để không còn những câu trả lời đầy lúng túng, mông lung khi được hỏi “bạn muốn làm gì trong tương lai”.