MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu hỏi phỏng vấn: "Nếu có thể, bạn muốn mình trở thành loài cây gì?" - Ứng viên tếu táo trả lời, không ngờ được nhận ngay vào làm

02-04-2022 - 15:55 PM | Sống

Người phỏng vấn gật đầu hài lòng và thông báo cô gái có thể đi làm ngay hôm sau.

Kỹ năng xử lý tình huống là kỹ năng "thực chiến" nhất, quyết định trực tiếp đến sự thành bại trong công việc. Những người có kỹ năng xử lý tình huống thường được lãnh đạo đánh giá cao, cơ hội tăng lương và thăng tiến rộng mở hơn. Ngược lại, những nhân viên xử lý kém có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Về lâu dài, nhân viên đó rất dễ bị đào thải.

Vì vậy, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng luôn chuẩn bị hàng loạt câu hỏi nhằm khai thác kỹ năng xử lý tình huống của các ứng viên. Qua câu trả lời, họ sẽ đánh giá được khả năng tư duy, chỉ số EQ, cách giải quyết vấn đề,….

Mới đây, một công ty hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật đã có câu phỏng vấn khá thú vị nhưng cũng tương đối khó khiến nhiều ứng viên tỏ ra lúng túng. Câu hỏi có nội dung như sau:

"Nếu có thể, bạn muốn mình trở thành loài cây gì?".

Câu hỏi phỏng vấn: Nếu có thể, bạn muốn mình trở thành loài cây gì? - Ứng viên tếu táo trả lời, không ngờ được nhận ngay vào làm - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Ngồi trước hội đồng tuyển dụng là 3 ứng viên tiềm năng. Họ đã vượt qua vòng lọc hồ sơ, việc tiếp theo là trả lời những câu hỏi hóc búa. Ứng viên đầu tiên lúng túng, không đưa ra được câu trả lời. Nhà tuyển dụng chỉ gật đầu rồi bỏ qua. Đây là ứng viên không tự tin vào bản thân, khả năng xử lý tình huống khẩn rất kém.

Tiếp đó, ứng viên thứ 2 tự tin nói: "Tôi muốn trở thành cây xương rồng, tôi muốn bản thân luôn mạnh mẽ vươn lên dẫu cuộc sống có nhiều thách thức". Câu trả lời khá thú vị nhưng nhà tuyển dụng chỉ mỉm cười, có vẻ chưa hài lòng.

Đến ứng viên thứ 3 là một cô gái có dáng vẻ mảnh mai nhưng toát lên khí chất ngời ngời. Cô gái bật cười, thoải mái trả lời: "Nếu có thể, tôi muốn trở thành loài cỏ dại". Nhà tuyển dụng nhíu mày: "Vì sao bạn lại chọn một loài cây tầm thường như vậy?".

Cô gái tự tin đáp: "Cỏ dại là một loài cây mà đức hạnh của nó vẫn chưa được khám phá. Cỏ dại luôn hạnh phúc với cả những khoảnh khắc bị lãng quên, bị ruồng bỏ. Chỉ cần lắng nghe, quan sát, ta sẽ thấy tính hữu dụng trong cái vô dụng của cỏ dại.

Dù hiện hữu trong dáng vẻ mong manh nhưng cỏ dại lại sở hữu khả năng chống chịu rất tốt. Tuy thời tiết có khắc nghiệt đến đâu thì cỏ dại cũng không hề hấn gì, ở đâu có đất, ở đấy có cỏ dại. Dù bị con người phá bỏ nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nó lại sinh sôi phát triển.

Cỏ dại biết mình hiện hữu là có lý do. Thay vì đi tìm lý do cho vĩ đại, chúng cứ lặng lẽ trao mình cho đất, cho trời. Không điên cuồng tích luỹ sức mạnh để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt, cũng chẳng cần chiêu trò để chứng minh tính hữu dụng. Vậy nên, một cơn bão đi qua, những cây lớn có thể bị quật ngã nhưng với cỏ dại, chúng cứ như được tưới tắm sạch sẽ cho mát mẻ và tràn đầy sức sống hơn nữa. Chúng thầm lặng nhưng không có nghĩa vô ích, bé nhỏ nhưng không có nghĩa yếu đuối".

Theo bạn, nhà tuyển dụng sẽ chọn ứng viên nào? Dĩ nhiên là ứng viên số 3 rồi. Qua màn trả lời ấn tượng, hội đồng xét tuyển đánh giá cô gái là người có năng lực, chủ động giải quyết vấn đề, có tính cách phù hợp với vị trí công việc đang tuyển dụng. Sau đó, HR thông báo cô gái có thể bắt đầu ngay công việc vào sáng hôm sau.

Còn bạn, khi đối mặt với câu hỏi hóc búa này, bạn sẽ đưa ra câu trả lời như thế nào để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng?

Theo Ứng Hà Chi

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên