Cay mắt với những mẩu chuyện về những phận đời tha huơng, ở lại Sài Gòn mưu sinh ngày Tết
Tết đến, ai cũng có một nơi để trở về, để được quây quần bên những người thân yêu, thế nhưng không phải ai cũng may mắn được trở về. Nỗi buồn của những người con xa quê ở giữa thành phố này thật sự mông lung và lạc lõng.
- 17-02-2018Trang phục truyền thống của các nước đón Tết âm lịch có gì khác biệt
- 16-02-2018Món ăn ngày Tết ở Nhật Bản không chỉ đẹp mắt mà còn đầy ý nghĩa tốt lành
- 16-02-2018Tết cho con ăn - uống - chơi thế nào là hợp lý? Cha mẹ cần nắm rõ để chăm trẻ đúng cách!
Thời sinh viên tôi có thằng bạn quê ở miền Trung, Tết nó tranh thủ ở lại thành phố làm phục vụ quán ăn để kiếm ít tiền phụ giúp cho ba má. Khi tất cả những đứa bạn trong phòng đã tay xách tay mang ra ga tàu về quê đón Tết, thì nó vẫn lầm lũi đi làm đến tối muộn mỗi ngày. Có lần tôi đùa: mày đúng là tấm gương vượt khó gương mẫu. Nó cười méo xẹo bảo: mày phải trải qua cảm giác đó, cái cảm giác 12 giờ đêm 30 Tết, nghe tiếng pháo hoa nổ vang trời nhưng lòng trống trải, nhìn ra ngoài đường thấy người ta đi chơi xuân mà nước mắt cứ trào. Lầm lũi trở về phòng trọ chợt nhận ra chỉ còn mình với 4 bức tường bỗng dưng thèm cái cảm giác đoàn tụ đến ngây dại.
Vậy đó, có đôi lúc mày sẽ cảm thấy tiền có thể mua được rất nhiều thứ, nhưng tuyệt nhiên không thể mua được cái giây phút bên gia đình. Và sau rất nhiều buổi tối một mình ăn cơm thiên hạ tự nhiên thèm cái cảm giác được ngồi bên mâm cơm đạm bạc của mẹ cha.
"Rủ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang" - Thế Lữ
Người thợ ảnh 13 năm trên đường hoa Nguyễn Huệ
Đường Hoa Nguyễn Huệ năm nào cũng được trang hoàng rực rỡ, người Sài Gòn đưa nhau đi du xuân, chụp ảnh rộn ràng cả thành phố. Anh thợ chụp ảnh người miền Tây đứng thẩn thờ một góc đường ngắm nhìn dòng người rộn rã.
"13 năm nay năm nào anh cũng nhận chụp ảnh dạo ở đường hoa Nguyễn Huệ, nên không thể về đón tết cùng gia đình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn chứ trong thâm tâm ai cũng muốn được ăn cái tết trọn vẹn cùng gia đình" - anh Thái (43 tuổi) buồn thiu nói.
Những khúc ca xuân vang lên rộn rã bên tai, rằng tết đến rồi, tết đoàn viên, rằng những người con xa quê được trở về bên gia đình, càng khiến người tha hương thêm chạnh lòng. Anh Thái nhìn vô định: "Nhớ nhà, mà đồng tiền khó kiếm quá nên phải ráng đi làm". Giữa muôn vàn tiếng cười chợt nhận ra khoé mắt mình cay cay.
"Nhớ quê, mà không có tiền thì như không có Tết!"
Ông Thành (50 tuổi) người Bến Tre, lên Sài Gòn bao nhiêu năm là cũng bấy nhiêu năm đón tết xa gia đình. Ông cười nhẹ tênh: riết rồi quen. Nghèo mà, mỗi ngày đi khắp thành phố bán buôn cũng chỉ kiếm được tầm 150 ngàn, sống tằn tiện chỉ đủ qua ngày đâu dám nghĩ đến chuyện sắm sửa tết nhất.
Ông Thành nói với tôi: "Nhớ quê lắm, mà không có tiền thì cũng coi như không có Tết", rồi ông lặng lẽ khuất trong dòng người đang tất bật đón xuân.
"Tôi có chờ đâu, có đợi đâu. Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?" - Chế Lan Viên
"Tôi sẽ về quê mình chứ, nhưng không phải bây giờ!"
Đã 10 năm rồi, bà Hiền (65 tuổi, Hưng Yên) chẳng còn được cùng bà con hàng xóm ngồi quây quần bên nồi bánh chưng nóng hổi, xúm xít kể cho nhau nghe về chuyện con chuyện cháu. Đã lâu rồi, từ ngày theo chồng vào Sài Gòn mưu sinh bà chẳng còn được đón một cái tết trọn vẹn. "Tết quê tôi vui lắm, bà con hàng xóm đến nhà thăm nhau vui lắm. Rồi cùng gói bánh, thức đêm nấu bánh, đem bánh đi biếu người này người khác. Vui lắm chú ạ!"
"Tôi sẽ về quê mình chứ, nhưng không phải bây giờ. Đến lúc không còn đủ sức để bán buôn ngoài đường, ngoài xá như thế này, tôi sẽ về quê để được thắp nén hương ngày tết cho ông bà, và để được nằm trên mảnh đất quê hương" - người đàn bà bán hàng rong ở Sài Gòn quay mặt đi, giấu nỗi buồn tủi vào dòng xe tấp nập phía xa.
"Con đi đã mấy năm rồi Quên lần thăm hỏi vài đôi câu nào. Giật mình chân bước chênh chao. Mùa xuân gõ cửa mà đau trong lòng" - Hoàng Cửu Long
Nói không buồn là nói xạo đó!
"Đây là năm đầu tiên anh đón tết ở Sài Gòn" - anh Quý (28 tuổi, Vĩnh Long) tâm sự. Là con út trong gia đình, sau khi xuất ngũ anh xin ba má lên thành phố làm việc để phần kiếm thêm thu nhập, phần thử thách bản thân. Anh bảo tính chất công việc này buộc phải luôn có người túc trực, thế nên anh em đành chấp nhận đón tết xa gia đình.
Hỏi buồn không, thì chắn chắn là có, nói không buồn là nói xạo đó! Nhưng mà, anh bảo, đến một lúc nào đó con người ta đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm về cuộc đời, thì sẽ phải tập cách vượt qua những cảm giác cô đơn để đối diện với rất nhiều những lo toan cuộc sống.
Điện thoại đổ chuông, phía bên kia đầu dây hỏi: Khi nào con về quê?. Anh Quý cười bảo: Năm nay con ở lại trực tết rồi, chắc qua tết mới về được...
Tết ở quê đi chơi, ở thành phố đi bán vé số!
"Tết ở thành phố với tết ở quê khác nhau chỗ nào?" - tôi hỏi nhóc Đạt (11 tuổi). Nó trầm tư suy nghĩ 2 giây rồi nhoẻn miệng đáp: "Tết ở quê con được đi chơi, còn tết ở thành phố phải đi bán vé số".
Đây đã là năm thứ 6 mẹ con nhóc Đạt đón tết ở Sài Gòn. Gọi là đón chứ thực ra cũng chả chẳng phải tết. Đêm giao thừa, lúc người người đi chùa cầu an là lúc mẹ con nhóc Đạt co ro ngoài cổng chùa để bán vé số. Chị Nguyệt bảo: "Cả năm mới có dịp tết là mọi người mua vé số nhiều, nên mấy mẹ con phải tranh thủ bán". Bán hết vé số thì cũng hừng sáng, mấy mẹ con mệt lã ôm nhau ngủ ngoài trời, cái lạnh thấm vào da thịt.
"Có một người nghèo không biết tết. Mang lì chiếc áo độ thu tàn! Có đứa trẻ thơ không biết khóc Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!" - Chế Lan Viên.
Trí thức trẻ