MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cây quý' tỷ đô của Việt Nam đang được châu Âu tích cực săn đón, xuất khẩu tăng đột biến hơn 600% trong tháng 11/2023

04-01-2024 - 14:20 PM | Thị trường

Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu Đông Nam Á và thứ 7 trên thế giới mặt hàng này.

'Cây quý' tỷ đô của Việt Nam đang được châu Âu tích cực săn đón, xuất khẩu tăng đột biến hơn 600% trong tháng 11/2023 - Ảnh 1.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,22 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 3,4% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực hơn, hàng tồn kho tại các thị trường chính có xu hướng giảm.

'Cây quý' tỷ đô của Việt Nam đang được châu Âu tích cực săn đón, xuất khẩu tăng đột biến hơn 600% trong tháng 11/2023 - Ảnh 2.

Về thị trường, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ dẫn đầu đạt 6,6 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,55 tỷ USD, giảm 22,2%; Nhật Bản đạt 1,52 tỷ USD, giảm 11,5%; Hàn Quốc đạt 718 triệu USD, giảm 22,4%; Ca-na-đa đạt 183,4 triệu USD, giảm 16,8%...

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ phục hồi góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm, bởi trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 54,1% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng này tới thị trường Na Uy đang tăng trưởng mạnh từ đầu năm.

Cụ thể, trong tháng 11/2023, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt hơn 231 nghìn USD, tăng đột biến 604,3% so với tháng 11/2022. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu tháng 11 năm 2023. Tính chung 11T/2023, Na Uy nhập khẩu 3,73 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù tăng đột biến nhưng Na Uy chỉ chiếm 0,03% tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng so với 0,01% của năm 2022.

'Cây quý' tỷ đô của Việt Nam đang được châu Âu tích cực săn đón, xuất khẩu tăng đột biến hơn 600% trong tháng 11/2023 - Ảnh 3.

Na Uy là nước có điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt dẫn tới khó khăn trong việc khai thác gỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ ngành chế biến xuất khẩu. Do đó, nhu cầu nhập khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ là rất lớn và có mức tiêu thụ đồ nội thất bình quân đầu người cao nhất ở châu Âu. Hàng nhập khẩu chiếm gần 80% nguồn cung cấp trên thị trường.

Na Uy là thị trường rất tiềm năng đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam. Thông qua Na Uy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa hàng hóa sang các nước Bắc Âu, nhất là Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Ai Len...).

Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, Na Uy nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất nhà bếp và ghế khung gỗ. Trị giá nhập khẩu 3 mặt hàng này chiếm 86,8% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Na Uy.

Dư địa để khai thác các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Na Uy còn rất lớn, bởi tỷ trọng nhập khẩu vẫn còn rất thấp.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và là nhà xuất khẩu gỗ lớn thứ 7 trên thế giới. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao do chi phí lao động thấp hơn, thuế thấp hơn và được ưu đãi mức thuế nhất định khi xuất khẩu…


Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên