MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO AhaMove: Khởi nghiệp rồi lại làm thuê vì hết tiền, sau đó lại khởi nghiệp tiếp

Con đường khởi nghiệp của CEO AhaMove không bằng phẳng. Cựu giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội từng kiệt quệ về tài chính do khởi nghiệp thất bại và đi làm thuê để kiếm sống, tiếp tục nuôi mộng làm riêng.

Không bao giờ thay đổi mục tiêu cuộc đời

Rời phố đi bộ Hồ Gươm đầy ồn ào, TS. Trần Lương Sơn đến với không gian của Salon Văn hóa Cà phê thứ bảy và chia sẻ về khởi nghiệp. Có lẽ không sai khi coi đây là chất “ngược đời”, vì phần lớn startup đều kiếm tìm nơi rộng lớn để bàn thảo về các kế hoạch “trời biển” thay vì nói nhỏ trong một quán cà phê ở Quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, ông Sơn có một suy nghĩ khác. “Những khó khăn, khủng khiếp trong khởi nghiệp thì chia sẻ trong những chỗ như thế này, còn những hội trường lớn, màu mè người ta chỉ nói chuyện to tát, chuyện thành công” – TS. Trần Lương Sơn khẳng định.

Ông Trần Lương Sơn là người nghiên cứu khoa học, nhưng rồi lại chọn trở thành doanh nhân trong ngành công nghệ thông tin với việc sáng lập công ty phần mềm VietSoftware. Trước đó, ông Sơn từng học tập tại Đại học Thép và Hợp kim Mát-xcơ-va (Liên Xô), Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).


TS. Trần Lương Sơn

TS. Trần Lương Sơn

“Cuối thàng 11/2017, tôi sẽ dự Hội nghị cấp cao toàn cầu về Khởi nghiệp tổ chức tại Ấn Độ, với tư cách là một người kết nối, không phải với tư cách một doanh nhân, nhà đầu tư. Có vẻ như họ thấy tôi dạy học tại trường cấp 3, tại các tỉnh, trường đại học, chương trình MBA, tại Viện hàn lâm khoa học. Mỗi nơi có một chương trình kết nối mọi người với nhau. Xu thế kết nối ở Việt Nam còn nhỏ nhưng đang phát triển” – ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, luôn giữ cố định mục tiêu là điều dễ nhận thấy ở những người khởi nghiệp. Họ có muốn đóng góp cho mọi người cho xã hội bằng con đường kinh doanh do chính mình khởi xướng.

Trần Thị Kim Dung, sáng lập viên sàn thương mại điện tử TangTang.vn cho biết, doanh nhân là mục tiêu đã được đặt ra, từ khi còn trên ghế trường phổ thông. Nhưng nếu xét về công việc thì hoàn toàn khác biệt. “Tôi cũng phải đi theo xu hướng. Công nghiệp 4.0 đang tới gần và doanh nghiệp nào không bắt kịp chắc chắn sẽ bị đào thải. Đó là lời giải thích cho lý do tại sao doanh nghiệp của tôi đang kinh doanh theo kiểu truyền thống (offline), nhưng lại chuyển hướng sang online vào cuối năm 2015” – Trần Thị Kim Dung chia sẻ.

Tuy nhiên, không có nhiều trở thành doanh nhân ngay khi vừa tốt nghiệp. Làm thuê là cách thu nhận kinh nghiệm thực tế và tinh thần để dám đứng lên khởi nghiệp. Trong 2-3 năm, chị Dung đã công tác tại hơn chục doanh nghiệp. Không phải nhảy việc theo sở thích, mà đây là quá trình bổ khuyến những mảnh ghép còn thiếu, chuẩn bị cho dự án khởi nghiệp sau này.

Làm thuê cũng có khi vì hết tiền

Từng là giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng Nguyễn Trường, sáng lập viên - CEO AhaMove đã bỏ lại mọi thứ sau khi nhìn thấy sự thay đổi và cảm thấy có thể tận dụng được cơ hội. “Việc bỏ hết danh vị đã bị gia đình, anh em “chửi”: “sao ngu thế”,... nhưng mình vẫn lựa chọn” – Nguyễn Trường nói.

Tuy nhiên, sau chuyến du học tại Mỹ là liên tiếp những thất bại khi khởi nghiệp trong nước, cựu giảng viên đại học buộc phải tạm dừng mong muốn và chọn một bến đỗ để “làm thuê”. Có 2 lý do khiến Trường đưa ra quyết định: Thứ nhất, trả lời câu hỏi “Tại sao mình thất bại?”; Thứ hai, tài chính đã kiệt quệ.


Kinh tế chia sẻ đã mang đến nhiều thành công cho các startup.

Kinh tế chia sẻ đã mang đến nhiều thành công cho các startup.

Nguyễn Trường lại mạo hiểm với dự án AhaMove sau 7 tháng ở Adayroi (sàn thương mại điện tử thuộc Tập đoàn VinGroup). Niềm tin của nhóm khởi nghiệp đặt vào nền kinh tế chia sẻ, điều đã giúp Uber, Grab đã gặt hái được thành công và vượt ra ngoài quê hương của họ.

“Mình chỉ là một hạt cát rất nhỏ thôi nhưng nếu có người đồng hành tương tự như mình thì sẽ giúp ích cho Việt Nam rất nhiều. Bản thân mình luôn liều lĩnh, mạo hiểm, điên rồ, không đặt yếu tố tiền bạc, lợi nhuận lên đầu” – Nguyễn Trường chia sẻ.

Hành trình khởi nghiệp luôn có những khó khăn, phải đối mặt với bất định. Steve Jobs, nhà sáng lập Apple từng nói: “Hãy yêu cái gì mình làm, làm cái gì mình yêu, luôn dại khờ, luôn luôn khát khao”. Sau những thất bại và vụng dại, với khao khát, đam mê khi khởi nghiêp, quyết không bỏ cuộc thì chắc chắn những nhà sáng lập sẽ tạo dựng được thành công.

TS. Trần Lương Sơn kể rằng, người vợ đã không cho ông thế chấp căn nhà lần thứ tư nữa. Nhưng vốn trong kinh doanh không chỉ là tiền, mà còn có thêm kiến thức. Ngoài khởi xướng kinh doanh, ông vẫn có thể đóng góp khi giúp một ai đó có thêm kiến thức, được học hành.

“Kinh doanh và phi kinh doanh đều cần “tinh thần kinh doanh”. Kết quả trừ đi chi phí phải lớn hơn “không”. Trong kinh doanh thì đó là tiền, còn trong hoạt động phi lợi nhuận thì đó là kết quả đóng góp xã hội” – TS Trần Lương Sơn nhận định.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên