MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Be group chia sẻ bí quyết để “chơi với tay to” và “nhá hàng” việc có lãi

04-03-2023 - 10:17 AM | Doanh nghiệp

CEO Be group chia sẻ bí quyết để “chơi với tay to” và “nhá hàng” việc có lãi

Điều này tiếp tục gây chú ý. Bởi, trong cuộc chiến “đốt tiền”, hầu như mọi tay chơi đều đang lỗ và mải miết tìm kiếm điểm hoà vốn.

“Sản phẩm có thể không phải 10 điểm nhưng khách hàng dùng và quay lại, nhờ đó mô hình kinh doanh của Be Group có lãi được ”, CEO Be Group – bà Vũ Hoàng Yến - chia sẻ tại sự kiện mới đây.

“Be Group có gì mà đòi cạnh tranh với Grab?”

Trở lại với câu chuyện của Be Group, ra mắt vào năm 2018, khi thị trường gọi xe Việt bước đầu sôi động và chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của những tên tuổi quốc tế như Grab, Uber… Be Group gây chú ý. Dĩ nhiên, khuynh hướng thị trường lúc bấy giờ cho rằng Be Group có lẽ sớm biến mất như nhiều trường hợp, bởi “Be Group có gì mà đòi cạnh tranh với Grab?”.

Thực tế, với Grab, một doanh nghiệp nội địa không thể so găng về vốn, về kinh nghiệm.

Có lúc Be Group cũng chạy đua mở rộng danh mục hoạt động, dù vậy phương châm “không đốt tiền” khiến đơn vị cân đối lại. Đơn cử, Be Food từng định ra mắt hồi năm 2019 nhưng đã dừng lại. Bảo toàn nguồn lực, đầu tư trọng tâm và phân tích “insight” khách hàng giúp Be Group tồn tại đến hiện tại. Công ty cũng đã 3 lần thay đổi CEO, và định hướng thì không thay đổi.

“Be group hay công ty nào, kinh doanh Offline hay Online, thì cũng phải trả lời câu hỏi làm sao tối ưu lợi nhuận, tăng trưởng tốt và ít đốt tiền nhất”, bà Yến nói.

Và để trả lời câu hỏi muôn thưở “Be Froup có gì mà đòi cạnh tranh với Grab?”, bà Yến cho biết cần thiết quay lại câu chuyện kinh doanh truyền thống. Trong kinh doanh, một cửa hàng trông rất sang, rất đẹp nhưng chưa biết người ta làm ăn tốt đến đâu? Ngược lại, có những cửa hàng nhìn bình thường nhưng lại có khách thân thiết, và giá trị trên đơn hàng họ có khi lại tốt.

Riêng giá cả, một trong những yếu tố thu hút khách hàng. “G iá như thế nào là tốt? ”, CEO Be Group đặt vấn đề. Theo bà, giá tốt hiểu đơn giản khi người tiêu dùng nghĩ nó tốt tức là nó tốt, và điều này không đồng nghĩa doanh nghiệp (cụ thể là Be Group) phải đốt tiền.

Đó là tất cả những gì khi nói về Be Group, và tại sao mô hình này vẫn duy trì, phát triển đến hiện tại. Và để làm được điều này, “bí quyết” duy nhất theo CEO là dữ liệu.

Be Group “nhá hàng” đã có lãi?

“Năng lực ở đây là đọc được dữ liệu và đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Khách của mình năm trước sẽ rất khác khách của mình năm nay . Nên , phải tập trung năng lực đọc dữ liệu để có thể đầu tư được đúng chỗ . Như các bạn biết, Be Group chơi với nước ngoài , tính cạnh tranh duy nhất là nhân sự , ở đây là con người hiểu thị trường, hiểu công nghệ .. .

Sản phẩm có thể không phải 10 điểm nhưng khách hàng dùng và quay lại, nên mô hình kinh doanh của Be Group có lãi ”, bà Yến nhấn mạnh.

Dù chưa công bố, tuy nhiên thông qua chia sẻ mới nhất của CEO, Be Group “nhá hàng” đã có lãi?

Mục tiêu có lãi được Be Group tuyên bố trong bối cảnh nhận được khoản vay từ Deutsche Bank, bao gồm một điều khoản cho phép tăng nguồn tài chính lên tới ít nhất 100 triệu USD. Số tiền này được Be Group sử dụng để mở rộng và nâng cao các dịch vụ chính, bao gồm dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và ngân hàng số.

Điều này tiếp tục gây chú ý bởi trong cuộc chiến “đốt tiền”, hầu như mọi tay chơi đều đang lỗ và mải miết tìm kiếm điểm hoà vốn.

“Anh cả” là Grab được biết đặt mục tiêu hòa vốn trên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) vào nửa cuối năm 2024. Trong quý 2/2022, khoản lỗ của Grab đã được thu hẹp còn 572 triệu USD, thấp hơn nhiều mức 801 triệu USD một năm trước đó.

Theo lãnh đạo Grab, khoản lỗ EBITDA đã điều chỉnh vào nửa cuối năm nay, dự kiến đạt 380 triệu USD, cải thiện 27% so với nửa đầu năm. Grab kỳ vọng thu về 1,25-1,3 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến mảng giao hàng sẽ chạm điểm hòa vốn vào 2 quý đầu tiên của năm 2023. Trong khi các hoạt động của ngân hàng số cũng được dự báo đạt điểm hòa vốn vào năm 2026.

Trong khi đó, theo báo cáo, GoTo (vận hành Gojek) cũng đang “còng lưng” gánh mức lỗ ròng lên tới gần 1 tỷ USD chỉ trong nửa đầu 2022, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, tiền thân của Be Group là CTCP Dịch vụ Công nghệ VEEP được thành lập vào tháng 5/2018, có trụ sở tại Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ ban đầu chỉ 200 triệu đồng với cơ cấu 3 cổ đông. Tuy nhiên sau hơn 3 tháng, các cổ đông đồng loạt rời khỏi VEEP và sự xuất hiện của Tổng giám đốc (CEO) Trần Thanh Hải vào thời điểm đó đã làm tăng vốn công ty lên 100 tỷ đồng, VEEP “thay tên đổi họ” thành Be Group và đặt trụ sở tại quận 1, Tp.HCM cuối tháng 10/2018.

CEO Thanh Hải không phải gương mặt xa lạ trong giới kinh doanh, ông được biết đến là người đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn VNG, đồng sáng lập và nguyên Tổng Giám đốc Fim+, thành viên HĐQT Sacombank Securities, Chủ tịch HĐQT chudu24.com, đồng sáng lập và nguyên Tổng Giám đốc Vina Data.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên