CEO ESP Capital Lê Hoàng Uyên Vy: Việt Nam chưa thể có Unicorn vì startup chưa được hỗ trợ ở 4 điểm này!
Một trong những điểm yếu của Startup Việt là hoạt động xây dựng sản phẩm. Nhiều startup Việt giỏi về công nghệ lại rất chủ quan, không thật sự dùng số liệu để hiểu rõ được hành vi của khách hàng mà dựa vào những yếu tố cảm tính của riêng mình, cựu CEO Adayroi.com - hiện là giám đốc quỹ đầu tư ESP Capital Lê Hoàng Uyên Vy, nhìn nhận.
"Tôi nhận ra trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm ở vòng sơ khởi", cựu CEO Adayroi.com, hiện là giám đốc quỹ đầu tư ESP Capital - Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ.
Theo Uyên Vy, hiện Việt Nam đang có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ trước vòng gọi vốn Series A. Tuy nhiên, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm ở các vòng sơ khởi đang hoạt động tại Việt Nam lại ít hơn 10.
Những startup tại những thị trường như Singapore, Malaysia, Indonesia đang có lợi thế vượt trội so với Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn vốn ở các vòng sơ khởi, từ đó có thể nhanh chóng tăng trưởng để chiếm lĩnh thị trường.
Sau một thời gian khởi nghiệp , GĐ Quỹ ESP Capital nhận ra rằng: Một Startup muốn tăng tỉ lệ thành công cần sự đồng hành của một quỹ đầu tư ở 4 mảng hoạt động chính:
1. Tầm nhìn (Vision)
Những công ty khởi nghiệp thành công thường phải xác định một tầm nhìn đúng và đủ lớn. Với những công ty muốn đạt đến tầm Unicorn , các nhà sáng lập phải hiểu rõ độ lớn của thị trường và luôn phải có tham vọng mở rộng phạm vi hoạt động ra Đông Nam Á, tiếp đến là phạm vi toàn thế giới.
2. Xây dựng sản phẩm (Product)
Sau khi đã có tầm nhìn lớn, đội ngũ sáng lập cần phải xây dựng được một sản phẩm tốt, mang lại giá trị cho khách hàng. Việt Nam thường được đánh giá có chất lượng kỹ sư công nghệ giỏi.
Tuy nhiên, nhiều startups giỏi về công nghệ lại rất chủ quan, không thật sự dùng số liệu để hiểu rõ được hành vi của khách hàng mà dựa vào những yếu tố cảm tính của riêng mình. Vì vậy, một trong những công việc mà ESP Capital thường làm cùng startups là xây dựng những công cụ phân tích giúp "đo đếm" lại hoạt động của khách hàng trên web/app.
"Chúng tôi luôn cùng founders xem lại dữ liệu tiêu dùng của khách hàng để biết được sản phẩm của Startup đang bị sai ở chỗ nào, mất khách hàng ở điểm nào", Giám đốc Điều hành Quỹ ESP Capital nói.
3. Vận hành (Operation)
Khi đã có một sản phẩm tốt, việc tiếp theo là thiết kế được một quy trình vận hành bài bản để có thể tăng trưởng. "Tôi thường cùng với startup nghiên cứu, xây dựng một hệ thống xử lý 1 đơn hàng cũng giống như 1.000 đơn hàng, từ đó giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động."
4. Tăng tốc (Scale)
Đến lúc vận hành tốt, quy mô tăng lên, startup thường phải tăng tốc rất nhanh và mở rộng đội ngũ nhân sự. Thường ở giai đoạn sáng lập, quản lý 10 người rất dễ, 30 người tương đối khó nhưng đến ngưỡng 100 rồi 1.000 người thì nhiều startup dễ rơi vào khủng hoảng nhân sự và văn hóa.
Đến một ngưỡng quản lý nhiều nhân sự như vậy, ESP Capital mong muốn có thể tư vấn được cho founders mô hình quản trị phù hợp để startup vừa phải giữ được bản sắc văn hóa công ty, vừa phải có một chiến lược kiểm soát hợp lý, quản lý được hiệu quả công việc theo mục tiêu một cách tốt nhất.
"Tôi nghĩ khi đầu tư vào một startup, ngoài tiền ra thì việc đồng hành sát sao trong 4 mảng hoạt động kể trên là rất quan trọng. Nếu muốn có thêm nhiều Unicorn tại Việt Nam, các quỹ đầu tư luôn phải hỗ trợ để Startup trải qua được quá trình phát triển nóng và tăng trưởng một cách hiệu quả nhất", Vy nhìn nhận.
Trí thức trẻ