CEO MoMo kể chuyện 'nhớ đời' thời du học Mỹ
Ông Nguyễn Mạnh Tường học MBA tại Mỹ đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế và phải chật vật để tìm cơ hội thực tập sinh. Theo doanh nhân này, dù bối cảnh khủng hoảng khác nhau từ lạm phát, dịch bệnh, nhưng điểm chung của việc thích nghi chính là thái độ chấp nhận của bản thân.
- 09-08-2022Cựu CEO Grab Việt Nam đầu quân cho Apple
- 09-08-2022Vụ Tân Tạo chuyển ‘tiền khủng’ sang Mỹ: Quy định chuyển tiền ra nước ngoài có lỏng?
- 09-08-2022Diễn biến bất ngờ về vụ CEO Công ty Alibaba lừa đảo
Cuối tuần trước, ông Nguyễn Mạnh Tường - đồng sáng lập và CEO siêu ứng dụng thanh toán MoMo đã có buổi chia sẻ với trí thức trẻ người Việt tại Mỹ trong tọa đàm trực tuyến về nhân lực công nghệ. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chương trình Vòng tay Nước Mỹ 10 do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ và S-World tổ chức từ 6/8 đến 21/8.
Ông Tường cho biết cách đây 14 năm, ông từng sang Mỹ học MBA tại Chicago và với ông đó là "sự kiện nhớ đời".
"Bước vào trường một tháng thì Lehman Brothers sụp đổ, những bạn được tổ chức này tài trợ đi học rất hoang mang. Trong khi đó, với những sinh viên quốc tế như tôi thì ngân hàng quyết định không cho vay nữa", CEO MoMo nhớ lại.
Thời điểm đó, ông Tường rất lo lắng vì "không biết còn tiền đi học không hay phải quay về Việt Nam". Vài tháng sau, ông cũng tìm được một ngân hàng hàng cho vay nhưng với lãi suất rất cao. "Lúc đó có tiền là quý lắm rồi còn việc lãi suất cao hay trả nợ để mai tính", vị doanh nhân chia sẻ.
CEO MoMo kể, ông đi học với sự tính toán rằng "nếu ra trường đi làm lương trên 100.000 USD thì rồi cũng sẽ trả được nợ". Thế nhưng, ông Tường tiếp tục gặp khó khăn khác đi tìm cơ hội thực tập sinh.
"Internship trở nên vô cùng xa xỉ, các đối tác nhiều trường đại học như Google cũng ngừng tuyển dụng", ông Tường nói. "Mọi tính toán trở nên vô nghĩa lúc bấy giờ vì không biết mọi thứ sẽ đi về đâu, hàng ngày phải nghe tin xấu rất nhiều".
Là dân công nghệ, ông Tường rất ghét mặc suit. Thế nhưng khi học trường kinh doanh, vị doanh nhân này phải thường xuyên mặc, đặc biệt trong giai đoạn tìm cơ hội thực tập.
"Có những hôm, tôi trở về phòng, nằm vật ra giường và kêu lên ‘chỉ là intern sao mà khó như vậy, tại sao lại mệt như vậy’, rất nhiều lần tôi nghĩ sẽ về Việt Nam thực tập", vị CEO bộc bạch.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của nhà trường và các tổ chức, ông Tường cuối cùng cũng tìm được công việc thực tập mùa hè, hỗ trợ nghiên cứu thu hẹp khoảng cách số cho Chính phủ Indonesia. Từ đây, việc tìm hiểu khái niệm mobile payment (thanh toán điện tử) giúp ông có thêm ý tưởng ra đời và xây dựng MoMo.
Ông Nguyễn Mạnh Tường từng có thời gian học tập và làm việc tại Mỹ trước khi về Việt Nam xây dựng MoMo. Ảnh: MoMo
Theo doanh nhân này, dù bối cảnh khủng hoảng khác nhau từ lạm phát, dịch bệnh, nhưng điểm chung của việc thích nghi chính là thái độ chấp nhận của bản thân. Việc chấp nhận hoàn cảnh không có nghĩa là chịu khuất phục, mà để an yên trong tâm và bắt đầu có sự thích nghi trong hành động.
"Ở khía cạnh nào đó, nhờ khủng hoảng kinh tế thì MoMo mới có thể ra đời và phát triển như ngày hôm nay", ông Tường nói và chia sẻ về sự thích nghi của doanh nghiệp khi đối mặt với giai đoạn khủng hoảng của xã hội. Ngoài yếu tố "tâm bình yên trong cơn bão" - tâm thế thích nghi và niềm tin về sự tốt đẹp, CEO MoMo nhấn mạnh vai trò của đồng đội trong thời kỳ khó khăn. Sự gắn kết, tương trợ được thể hiện và kết nối rõ nhất trong những thời điểm như vậy.
Với kinh nghiệm là nhà tư vấn và cố vấn, ông Tường đưa lời khuyên cho sinh viên chuẩn bị ra trường, đặc biệt trong ngành công nghệ, về việc đặt tầm nhìn đủ dài trong sự nghiệp và có giấc mơ. Phương châm "aim high - dream big" (đặt mục tiêu cao - mơ giấc mơ lớn) cũng đã được ông áp dụng khi xây dựng MoMo và để vượt qua lúc khó khăn.
Ông Tường chia sẻ, dù tự hào là tiên phong trong ngành thanh toán điện tử Việt Nam, song thời điểm 12 năm trước đây, không ai hiểu ví điện tử là gì. Điều "sướng" nhất của startup là được sai, được sáng tạo và đặt ra mục tiêu lớn. "Vì vậy, ngoài ví điện tử, doanh nghiệp đã mở rộng sang lĩnh vực tài chính, đầu tư chứng khoán, phát triển mini app và chuyển đổi số cho SME", CEO kỳ lân Việt nói.
Cho rằng ngành IT sẽ là trụ cột kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới và hạn chế phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tự nhiên, ông Tường mong muốn có trí thức trẻ Việt Nam tại Mỹ trong lĩnh vực công nghệ trở về chung tay phát triển đất nước.
"Tại Việt Nam, thị trường công nghệ đang phát triển rất tốt, nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào Việt Nam khi tỷ lệ áp dụng công nghệ ngày một cao", CEO MoMo nhấn mạnh.
NDH