MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Navigos Search: Nhảy việc chỉ để tăng lương, tăng chức vụ giống như trái cây "chín ép"

"Khi nhảy việc liên tục các bạn trẻ đã đánh mất cơ hội để đạt được những vị trí tốt hơn trong tương lai", CEO Navigos Search Nguyễn Phương Mai nói với báo Trí Thức Trẻ, "bởi các bạn đã không tích luỹ đủ kinh nghiệm, phát triển toàn diện hơn".

Người Việt làm theo khuôn mẫu, tính sáng tạo kém

"Nhiều doanh nghiệp không còn nhìn Việt Nam như một nơi cung cấp dịch vụ outsourcing - thuê ngoài, họ đang muốn chuyển dịch, biến Việt Nam trở thành nơi xây dựng, quảng bá sản phẩm, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn", bà Nguyễn Phương Mai cho biết.

Sự thay đổi này đến từ việc các nhà đầu tư đang cho rằng nền kinh tế 95 triệu dân đang ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn.

Tuy đánh giá cao Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào nhưng các doanh nghiệp đang có sự phản hồi là không hài lòng với chất lượng nhân sự.

"Họ có rất nhiều vị trí đang bỏ trống nhưng không tuyển được người. Tính sáng tạo của người lao động không có. Chúng ta đang bị làm theo khuôn mẫu nhiều", bà Mai cho biết. Theo bà, điều này dường như bắt nguồn từ hệ thống giáo dục.

"Từ nhỏ các em học sinh đã phải học văn mẫu, luyện thi đối phó để lấy điểm cao. Những em nào có phát biểu không giống người khác, hỏi ngược lại cô giáo thì bị quy kết không ngoan, chống đối, khiến chúng bị co cụm lại" bà Mai nói.

Mặt khác, quá trình học đại học ở Việt Nam cũng khác với thế giới. Nếu đại học ở trên thế giới có xu hướng vào dễ ra khó thì Việt Nam lại ngược lại.

Quá trình sao chép, đạo văn cũng diễn ra phổ biến… "Những điều này khiến các em bị thui chột đi khả năng sáng tạo", đại diện Navigos Search nhận xét.

Lợi bất cập hại từ nhảy việc liên tục

"Tìm được người có đủ kinh nghiệm trong bối cảnh hiện tại rất khó", bà Phương Mai cho biết. Theo bà, từ 10 năm nay hiện tượng "nhảy việc" của người trẻ đã trở nên phổ biến.

Đây là nguyên nhân khiến cho người lao động không có đủ thời gian ở một vị trí để được đào tạo đầy đủ, tích luỹ kinh nghiệm.

"Các bạn giống như chín ép. Thấy cơ hội là nhảy vào mà không biết bản thân đã mất đi cơ hội giúp bản thân phát triển toàn diện hơn. Các bạn không nhìn đến khía cạnh đó, chỉ nhảy việc để tăng lương, tăng chức vụ", bà nói.

Cuối cùng, ở thời điểm hiện tại, khi doanh nghiệp cần những vị trí cấp cao thì nhà tuyển dụng "đào tung cả thị trường cũng không có".

"Các bạn có thể có chức danh kêu nhưng rỗng bởi không có độ chín về kinh nghiệm để tương xứng với chức danh. Do vậy khi có cơ hội thực sự khiến mình nở mày nở mặt thì lại không đáp ứng yêu cầu", bà nói.

Điều này đặc biệt đúng với ngành Fintech. Thừa nhận đây là ngành mới, bà Mai cho biết các doanh nghiệp cũng thừa hiểu và yêu cầu của họ là những người có nền tảng cơ bản, có kinh nghiệm hiểu biết về kinh doanh. Với những nền tảng này tốt, ứng viên sẽ nhanh chóng nhập cuộc được.

Thái độ, đạo đức làm việc là thứ rất quan trọng

Nhiều người trẻ Việt cũng thiếu ý thức về thái độ làm việc, bà Phương Mai cho biết thêm.

Điều đầu tiên được bà cho biết là căn bệnh ngôi sao, ảo tưởng sức mạnh của ứng viên. Theo bà, một bộ phận ứng viên không nắm rõ được năng lực, khả năng của mình và đã đưa ra những yêu cầu không tương xứng. Điều này khiến cho cả doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn khi không tìm được tiếng nói chung.

Thứ hai là việc không tôn trọng tài sản của công ty. "Chuyện sao chép dữ liệu xảy ra liên tục, nhiều nhân viên cố ý lấy thông tin khách hàng để mang sang công ty đối thủ", bà Mai nói, "đây là chuyện không hề lạ ở Việt Nam".

Ngoài ra, một vấn đề khác được bà Mai đề cập đến là doanh nghiệp hiện đang không được bảo vệ khi đầu tư vào nhân viên giỏi.

"Khi cho nhân viên đi học, thường công ty và nhân viên đó sẽ ký cam kết. Nhưng cam kết này chỉ có tác dụng khi chính bản thân người lao động thực sự tôn trọng nó. Còn nếu họ cố ý vi phạm, công công ty sẽ không có cơ hội nào để bắt nhân viên làm đúng. Luật pháp không đứng về phía doanh nghiệp nên doanh nghiệp cũng chùn tay trong việc đào tạo", bà Phương Mai cho biết.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên